Showbiz

Lý Hải: Thiện nguyện phải biết hợp tác, đừng mạnh ai nấy làm

23/10/2020, 06:21

Những ngày miền Trung lũ chồng lũ này, vợ chồng ca sĩ Lý Hải - Minh Hà đang tất bật hỗ trợ người dân nơi đây.

img
Lý Hải - Minh Hà tới thăm gia đình có vợ chồng bị lũ cuốn trôi, để lại con nhỏ 25 tháng tuổi ở Quảng Nam

Ca sĩ Lý Hải đã chia sẻ kinh nghiệm thiện nguyện trong vùng lũ hơn 10 năm qua của anh với Báo Giao thông.

Chỉ biết làm hết khả năng của mình

Chuyến thiện nguyện miền Trung lần này của vợ chồng anh như thế nào?

Chúng tôi đã đi Quảng Nam và Huế, tới những nơi nước đã rút để trao những phần quà cho bà con sau bão lũ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mất hết tài sản vì lũ lụt. Sắp tới, tôi chuẩn bị ra Quảng Bình để xây cầu, khi nước rút thì dân có đường lưu thông, quay lại cuộc sống bình thường.

Hiện sau lũ, bà con phải dọn dẹp lại hiện trạng và phải tìm cách gây dựng lại kinh tế. Hoa màu đã hỏng hết vì ngập úng. Đường sá sạt lở và một số cây cầu bị hỏng. Chúng tôi gửi tiền để họ có chút vốn làm ăn, nhà nào hư hỏng thì sắm sửa lại, cải thiện lại cuộc sống.

Nhiều nghệ sĩ chọn tới những nơi rốn lũ, ngập nước để giúp người dân. Tại sao anh chọn tới những nơi sau khi lũ rút?

Kinh nghiệm thiện nguyện ở vùng lũ lụt, tôi đã làm hơn chục năm rồi. Khi lũ lớn, nhiều người có tâm lý chỉ tới đó. Nếu mình cũng tới sẽ vô tình giẫm lên nhau, dễ xảy ra trường hợp người này mình đưa thêm, còn vùng kia khi lũ rút cần được hỗ trợ lại không có.

Tôi muốn làm những chỗ các mạnh thường quân chưa đến. Ưu tiên hàng đầu của tôi là hỏi chính quyền địa phương các nơi mà đoàn cứu trợ chưa đến, hạn chế trường hợp người được nhiều, người lại không được gì.

Anh thấy đời sống người dân sau khi nước rút như thế nào? Có hoàn cảnh nào khiến anh day dứt?

Có nhiều hoàn cảnh rất xúc động. Một gia đình có người con trai bị tâm thần, lúc tỉnh lúc bệnh. Người con đó phải nuôi bà mẹ hơn 80 tuổi nằm liệt giường mấy năm nay. Chúng tôi vào nhà, anh ấy chỉ mực nước ngập mấy hôm trước tới gần đỉnh nóc nhà.

Lúc đó, may mắn là anh tỉnh nên vác mẹ lên gác, nằm chờ cứu hộ. Cũng có gia đình có mẹ bị qua đời vì lũ, để lại hai đứa con, trong đó có một đứa 4 tuổi. Nó ngơ ngác, không biết mẹ mất và cứ hỏi mẹ ở đâu…

Tôi có con nên tôi biết để nuôi một đứa nhỏ, chưa nói đến tiền thì công sức nuôi con từ nhỏ đến lớn là cả vấn đề. Hai đứa con nhỏ mất mẹ, hoàn cảnh đó có giúp bao nhiêu tiền cũng không bao giờ bù đắp nổi. Chứng kiến cảnh đó, thật không biết dùng từ nào để diễn tả. Tôi chỉ biết làm hết khả năng của mình với số tiền mọi người ủng hộ.

Sau vài ngày kêu gọi, anh đã quyên góp được hơn 5 tỷ đồng. Số tiền lớn như vậy có làm vợ chồng anh áp lực?

5 tỷ đồng, nói lớn quá cũng không phải mà nói ít cũng không đúng. Tôi chia cho 5 nơi cứu trợ thì quá ít, nhưng nếu cho một chỗ thì nhiều. Khi đi thực tế, tôi thấy những hộ rất nghèo, muốn cho nhiều tiền hơn nhưng không thể vì còn các hộ khác cần giúp đỡ. Có những người bị tàn tật, già và khổ, nếu đó là tiền của mình sẽ dễ xử hơn và cho nhiều hơn.

Chúng tôi phải quy định, mỗi tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng. Một tỉnh có nhiều xã, thôn… mình phải chia sao cho hợp lý. Sự quan tâm của các mạnh thường quân là làm sao số tiền đó cho đúng người, đúng chỗ và được sử dụng hợp lý. Cho trước hay cho sau, cứu trợ như thế nào tùy mình xử lý. Trước nay, chúng tôi luôn làm rất rõ ràng nên không bị áp lực.

Thiện nguyện tốt, nhưng phải biết hợp tác

img
Vợ chồng Lý Hải - Minh Hà đi hỗ trợ người dân sau lũ

Nhiều nghệ sĩ làm thiện nguyện nhưng gặp thị phi, soi mói, bị nghi ngờ ăn chặn tiền từ thiện, không minh bạch… Anh nghĩ thế nào về điều này?

Tôi thấy nhiều bạn trên mạng xã hội có bình luận cho thấy họ đang không nắm được thông tin chính xác, lại tác động làm ảnh hưởng tới người đi làm thiện nguyện. Một số người bạn của tôi nói tôi đừng làm nữa, cho ít hay cho nhiều cũng bị nói, cho chỗ này hay chỗ kia cũng bị chửi…

Tôi nghĩ mấy người có bình luận “kém duyên”, nếu không giúp ích bằng cách góp tiền thì hãy góp công sức, chia sẻ thông tin, động viên những người đang làm thiện nguyện. Đừng nói lời làm ảnh hưởng tới người khác, khiến người ta nản thì mai mốt sẽ không ai làm.

Thiện nguyện xuất phát từ tâm của mỗi người, tùy hoàn cảnh và khả năng của từng người. Có nhiều cho nhiều, có ít cho ít, trong giai đoạn này tôi bận gì thì sẽ giúp bằng cách khác. Không phải ai cũng phải làm như nhau, làm giống nhau lại có tác dụng ngược.

Về chuyện minh bạch số tiền từ thiện, chúng tôi là người luôn làm rõ vấn đề đó từ xưa tới giờ. Ai gửi vào tài khoản, chúng tôi sẽ chụp sao kê đăng lên. Làm xong xuôi cũng chụp đăng lên báo cáo với mọi người nên chúng tôi chưa bao giờ gặp chuyện gì.

Có thể các chỗ khác chưa làm quen hoặc làm trễ vì giờ người ta đang đầu tắt mặt tối làm thiện nguyện, phải từ từ để người ta có thời gian thống kê.

Dư luận cũng tranh cãi chuyện từ thiện “cho cần câu hay cho cá”. Quan điểm của anh ra sao?

Tôi không thể nói đâu là đúng và đâu là sai. Tôi chỉ nói rằng, mọi người phải có tâm mới làm thiện nguyện được. Còn những góp ý cách làm như thế nào, đương nhiên được lòng người này sẽ mất lòng người kia. Người ta thắc mắc sao anh không giúp chỗ này mà giúp chỗ kia… Mình phải biết cách phân bổ để làm sao mỗi người dân khó khăn đều được cứu giúp.

Giờ dân mạng hô hào chỗ này đang cần, anh giúp đi nhưng chính quyền không cho thì biết làm thế nào? Bạn tôi cho xe chở xuồng từ Hà Nội vào để cứu người, nhưng kẹt xe gần 20km trên QL1, cảnh sát chặn lại để đảm bảo an toàn cho mọi người. Muốn đi cũng đâu có được. Các bạn ngồi ở nhà cứ nghĩ đơn giản, đâu có hiểu thực tế ngoài đó phải cập nhật hàng giờ.

Bạn bè tôi đi chuyến này rất nhiều. Họ làm với tinh thần thiện nguyện, không ai biết hết. Ca sĩ Khánh Trung đi tuyến đầu hỗ trợ người dân, cũng chẳng đưa tin mà chỉ âm thầm làm thôi.

Vậy, anh làm thiện nguyện theo cách nào?

Trước khi đi đâu, chúng tôi đều phải liên lạc với chính quyền địa phương để họ hỗ trợ đường sá, góp ý đường nào nên hay không nên đi để hạn chế những sự việc không mong muốn. Hàng ngày, tôi phải điện ra hỏi tình hình.

Có chỗ nói “chỗ này không được đi, nước dâng cao nên chỉ có chính quyền có đầy đủ điều kiện thuyền, ghe… để vào đó cứu người. Công tác hỗ trợ để lúc khác, giờ ưu tiên cứu người trước đã”.

Nhiều đoàn kéo bao nhiêu đồ ăn, lương thực ra, họ đang lo cứu người lại phải lo cứu lại đoàn thiện nguyện nữa thì không ổn. Mọi người đều biết ơn tấm lòng thiện nguyện, nhưng phải biết hợp tác chứ không phải mạnh ai nấy làm.

Hẳn anh cũng không ngại bị so sánh với các nghệ sĩ khác?

Tôi không ngại vì không phải tới bão lũ tôi mới làm. Quỹ “Trái tim đồng cảm” của tôi đã hàng chục năm nay rồi, tôi vẫn làm thường niên. Bây giờ có Facebook, mọi người mới biết chứ trước đây, tôi xây biết bao cây cầu, nhà tình nghĩa, chẳng bao giờ tôi chụp ảnh công khai với ai cả. Tôi tâm niệm mình làm điều tốt vì tâm và tích đức cho con cái của mình, không cần ồn ào.

Có lúc tôi bận làm phim, mạnh thường quân vẫn gửi vào đều đều. Tôi để đó để khi có thời gian sẽ làm. Chúng tôi ưu tiên người già neo đơn, các em nhỏ. Chúng tôi hay vào bệnh viện nhi để giúp đỡ các em mổ tim, hay bệnh gì cần chi phí lớn. Tôi còn gia đình con cái, công việc riêng nên nếu có sai sót gì, chắc không ai trách đâu (Cười).

Anh có kế hoạch nào trong thời gian tới?

Chúng tôi sẽ gửi 80% tiền mặt là chính, để mọi người có thể mua sắm vịt gà, bò… tái cơ cấu kinh tế. Sau đó, tôi sẽ tặng tập vở, áo quần… để các em đi học. Tôi sẽ xây cầu, sửa chữa trường học để các em quay lại trường, không thể nghỉ được.

Vợ chồng anh cùng đi thiện nguyện, các con của anh ai chăm sóc?

Tôi có bà ngoại chăm sóc và đưa các con đi học. Con tôi còn nhỏ nên các cháu có đứa cũng chưa hiểu bố mẹ đi từ thiện là đi làm gì. Tôi phải giải thích cho các con hiểu, bố mẹ đi giúp đỡ người khác. Bé cũng vui vẻ chào và nhắc mấy ngày về với con, không đòi bố mẹ nhiều. Cơ bản, các con cũng quen rồi. Khi rảnh, chúng tôi sẽ bù đắp cho con sau.

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.