Chuyện dọc đường

"Ma men" gây tai nạn: Nói mãi cũng không thừa

06/06/2016, 22:13

Chuyện nhậu nhẹt say sưa rồi vẫn thản nhiên điều khiển phương tiện giao thông, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm...

7

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, người vi phạm nồng độ cồn vào bệnh viện cấp cứu chiếm khoảng 40%. (Trong ảnh: CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại Bắc Giang) - Ảnh: Ngô Vinh

Song những con số nhức nhối về tỷ lệ người uống rượu bia, lượng rượu bia tiêu thụ, tỷ lệ số vụ TNGT liên quan đến rượu bia vẫn khiến câu chuyện này nói mãi vẫn không thừa, vẫn còn nguyên tính thời sự.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2015, cả nước đã tiêu thụ tới 3,4 tỷ lít bia, tăng gần 41% so với năm 2010. Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày.

Chưa hết, một thống kê mới đây của Đại học Sư phạm TP HCM cho thấy đối tượng sử dụng rượu bia tại Việt Nam đang trẻ hóa. Cụ thể, 1/3 số người uống rượu, bia bắt đầu từ trước tuổi 20. Tỷ lệ có uống rượu trong độ từ 14 - 17 tuổi là 34% và từ 18 - 21 tuổi là 57%.

Thực tế, có hàng trăm, hàng nghìn lý do được “viện” ra để uống rượu: Làm tốt uống rượu mừng, sai uống rượu phạt, vui uống, buồn cũng uống. Nể quá uống, sĩ diện cũng... đành uống. Đáng nói hơn, sau những cuộc nhậu, các “ma men” vẫn ngang nhiên lái xe về nhà để rồi chỉ đến khi tỉnh dậy mới thấy mình… đang trong bệnh viện, mới cảm nhận được hậu quả ghê gớm do rượu, bia gây ra.

Và như trên đã nói, dù các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng đã ra sức tuyên truyền, cảnh báo, thậm chí xử lý mạnh tay những vi phạm về nồng độ cồn, nhưng số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia vẫn không hề giảm, những tai nạn đau lòng vẫn liên tiếp xảy ra...

Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần một kế hoạch dài hơi hơn, mạnh mẽ hơn, đủ sức răn đe hơn để ngăn chặn tình trạng này. Người vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn phải bị xử lý thích đáng bởi trên thực tế, loại vi phạm này là rất nghiêm trọng, uy hiếp an toàn của người khác và an toàn của chính bản thân người điều khiển phương tiện.

Trên thế giới, ngoài việc phạt vi phạm hành chính rất nặng, người điều khiển xe có nồng độ cồn quá quy định còn có thể bị phạt tù, trường hợp vi phạm nghiêm trọng dẫn đến chết người, mức phạt có thể lên tới hàng chục năm, cấm lái xe vĩnh viễn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.