Sách

Mặc những tranh cãi, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn tài năng

Từ những năm 1987, những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đã tạo nên một cú sốc với giới văn chương...

img

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: TL

Trong tiểu thuyết “Ngõ lỗ thủng”, tôi từng viết: “Bấy lâu nay, giới văn chương dấy lên một cuộc tranh luận khá sôi nổi. Một bên khen ông Nguyễn Huy Thiệp (nhà văn mất ngày 20/3, hưởng thọ 71 tuổi - P.V) là viết hay, sắc sảo, trung thực; Một bên chửi ông Thiệp là bịp bợm, ăn nói văng mạng”.

Thực ra, từ những năm 1987, những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện đã tạo nên một cú sốc với giới văn chương. Thiệp hay viết về con người, phản ánh hiện thực cuộc sống một cách khốc liệt và trơ trụi.

Tư tưởng của Thiệp hiện thân qua cuộc sống của các nhân vật trong truyện nên người đọc thường rất khoái, nhưng những người theo trường phái tư tưởng khác lại dễ bị sốc.

Giai đoạn bao cấp và sau đó, truyện có dòng tư tưởng như Thiệp được in ra rất khó. Người ta còn “đánh” Thiệp, bảo ông là phản động. Nhờ sự giúp đỡ của nhà văn Nguyên Ngọc làm ở báo Văn nghệ, truyện ngắn của Thiệp mới đến được với độc giả, từ “Không có vua”, “Kiếm sắc”…

Với tôi, ông Thiệp là nhà văn tài năng, hàng đầu trong các nhà văn đương đại. Truyện nào của Nguyễn Huy Thiệp cũng hay. Không chỉ hay mà còn có tư tưởng khiến tôi rất phục, từ “Muối của rừng”, “Tướng về hưu”, “Con gái Thủy thần”…

Trong giới, có nhiều người đánh giá cao nhưng cũng có người không dám đánh giá hay nhận xét gì. Nhiều người phục nhưng cũng không dám nói ra, mãi sau này mới dám nói.

Bút pháp của Thiệp độc đáo và trong đó, truyện ngắn là “cao thủ” nhất. Thiệp tiếp nối được dòng văn học hiện thực của Nam Cao và Vũ Trọng Phụng, tiếp nối được chất khôi hài và giễu nhại mà không phải ai cũng làm được.

Tôi và Nguyễn Huy Thiệp cùng lứa tuổi nên hay chơi với nhau. Khác với văn chương của mình, Thiệp ngoài đời hiền lành. Bình thường, nếu chỉ có 2 - 3 người thì nói rất hay, đàm đạo về cuộc sống nhưng đông người hơn một chút, ông ấy lại ít nói. Ông ấy vẫn giữ “chất” thầy giáo, không rượu chè mà sống khá chuẩn mực.

Có lần nói chuyện với tôi, ông ấy bảo có 10 năm sống ở miền núi phía Bắc. 10 năm đó là thời gian tích lũy của Thiệp, đọc nhiều sách vở, lại là người tốt nghiệp khoa Sử nên sau này, truyện ngắn về sử của Thiệp rất hay.

Cuộc đời ông Thiệp khổ và quan điểm của ông ấy về nhà văn cũng cay nghiệt. Từ quan sát của mình, Thiệp từng bảo: “Thằng nhà văn cũng chỉ hơn thằng ăn mày một tí thôi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.