Chuyện dọc đường

“Made in Việt Nam” - Cái giá chậm trễ

08/07/2019, 07:00

Việc bị tăng thuế cho thấy vấn đề “made in Việt Nam” hay câu chuyện nguồn gốc xuất xứ của một sản phẩm quan trọng cỡ nào!

img
Thép cán nguội Việt Nam. Ảnh minh họa: Công ty Thép Hồng Phát

Tuần qua, nhiều doanh nghiệp thép như ngồi trên lửa khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa quyết định áp mức thuế hơn 400% đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, thép chống gỉ và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất, khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu khoản thuế tới 456,23% giá trị sản phẩm - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Nguyên nhân khiến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định tăng sốc thuế thép từ Việt Nam, theo hãng tin Bloomberg, là bởi cáo buộc Hàn Quốc và Đài Loan (hai nước đã bị Mỹ áp thuế thép) chuyển hàng tới Việt Nam gia công rồi xuất sang Mỹ. Kết quả điều tra thể hiện, sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, lần lượt 331,9% và 916,4% so với các năm trước đó.

Điều đó một lần nữa cho thấy vấn đề “made in Việt Nam” hay câu chuyện nguồn gốc xuất xứ của một sản phẩm quan trọng cỡ nào! Cùng một sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ, song khác nhau về xuất xứ, chi phí giá thành có thể chênh lệch tới hơn 400%, mà mặt hàng thép chống gỉ và thép cán nguội là một dẫn chứng. Trong khi đó, với ngành thép, doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao là khoảng hơn 20%, thì mức thuế hơn 400% có thể quyết định cả sự sống còn của doanh nghiệp!

Trong bối cảnh toàn cầu hoá diễn ra ngày một mạnh mẽ, quốc gia nào cũng phải có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, thông qua chính sách thuế, hay các hàng rào kỹ thuật. Trong đó, tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào được coi là “made in Việt Nam” đặc biệt quan trọng. Một mặt để đảm bảo không rơi vào tình cảnh như các doanh nghiệp ngành thép khi xuất khẩu; mặt khác để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng nội địa như câu chuyện của Asanzo cũng như một loạt thương hiệu hàng tiêu dùng “đầu Ngô mình Sở” khác.

Đáng buồn thay, đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng thế nào được coi là hàng Việt Nam mà cơ quan phải chịu trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất là Bộ Công thương! Sau hàng loạt vụ việc tiêu cực, điển hình nhất là Khải Silk hay gần đây là Asanzo, Bộ này cho biết mới đề xuất xây dựng văn bản quy định hàng hóa xuất xứ Việt Nam, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Xin được nhấn mạnh đây mới chỉ là đề xuất nên đường đến dự thảo sẽ còn xa và dĩ nhiên để nó trở thành văn bản quy phạm pháp luật thì còn rất xa nữa.

Trước đó, khi Báo Giao thông đặt câu hỏi với Bộ Công thương về trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hoá cũng như xây dựng tiêu chuẩn hàng Việt Nam, hay hàng Việt Nam chất lượng cao, đại diện Bộ này trả lời hết sức hời hợt, vòng vo.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia, để gọi được thế nào là hàng “made in Việt Nam”, cần phải có một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, cho ra được một bộ tiêu chuẩn có định tính và định lượng rõ ràng, cụ thể. Đơn cử, phải có một trong hai điều kiện: Một là, phải biến đổi công năng. Ví dụ, thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, rồi sản xuất thành xúc xích thì sản phẩm xúc xích là “made in Việt Nam”. Tương tự như vậy là nhập vải bán áo, nhập da bán giày…

Hai là, tỷ lệ đóng góp của yếu tố Việt Nam tính theo giá trị tương đương dạng linh kiện tối thiểu CKD (40%), hoặc IKD (60%) trong sản xuất sản phẩm công nghiệp. Ví dụ, một chiếc máy giặt được coi là “made in Việt Nam” khi tổng giá trị các sản phẩm sản xuất tại VN phải chiếm tối thiểu 40% hoặc 60% giá thành chiếc máy giặt đó.

Đi kèm đó là các chính sách khuyến khích, ưu đãi để các doanh nghiệp đầu tư từ công nghệ, tài chính, nhân lực… nhằm phát huy cao nhất tỷ lệ, chất lượng “Việt Nam” trong mỗi sản phẩm của mình. Có như vậy, mới thực sự thúc đẩy sản xuất, hơn nữa là sản xuất bền vững, thay vì tìm cách lắp ghép, vá víu, thậm chí gian lận hai chữ “Việt Nam” để trục lợi xuất xứ, trục lợi niềm tin của người tiêu dùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.