Hồ sơ tài liệu

Mafia công đoàn giao thông lũng đoạn chính trường Argentina

17/06/2015, 06:14

Mâu thuẫn giữa Chính phủ và Công đoàn nhân viên giao thông Argentina được cho là nguyên nhân gây ra tai nạn, biểu tình...

Đường phố vắng sạch bóng phương tiện công cộng vì
Đường phố sạch bóng phương tiện công cộng vì biểu tình.

 “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi vạ lây”

Ngày 7/6, tại Argentina xảy ra vụ tai nạn tàu nghiêm trọng khi một tàu chở khách đâm vào một đầu máy xe lửa tại phía Nam ngoại ô Thủ đô Buenos Aires làm 40 người bị thương. Dựa trên kết quả điều tra ban đầu, ông Florencio Randazzo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Giao thông Argentina Florencio Randazzo tuyên bố vụ tai nạn tàu hỏa này là một âm mưu phá hoại và khẳng định cơ quan tư pháp sẽ tìm ra thủ phạm.

Theo kết quả điều tra ban đầu, những người trong phiên trực tối 7/6 đều có kinh nghiệm, thâm niên trong ngành, song đã không chấp hành các cảnh báo an toàn. Để chứng minh khẳng định của mình, ông Randazzo đã cung cấp cho báo chí hình ảnh và đoạn ghi âm cho thấy người lái tàu vượt đèn đỏ, bỏ qua hiệu lệnh dừng của trạm kiểm soát. Mặc dù, người này đã được kiểm tra cho thấy không có vấn đề về sức khỏe cũng như tâm lý trước ca làm. Cùng ngày, ông Anibal Fernandez, Chánh văn phòng Nội các Chính phủ cũng tố cáo: “Có bàn tay mafia trong Công đoàn nhân viên ngành giao thông đứng đằng sau vụ tai nạn này. Họ làm vậy không vì mục đích chung mà vì lợi ích riêng của cá nhân”.

Theo giới chức nội các, hầu hết các vụ tai nạn trong vài năm trở lại đây có điểm chung bất thường là đều xảy ra trùng vào thời điểm chính trị nhạy cảm và quan trọng. Vụ tai nạn ngày 7/6 vừa qua là vụ tai nạn đường sắt thứ ba kể từ khi ông Randazzo nhậm chức Bộ trưởng và chỉ cách thời điểm chốt danh sách các ứng cử viên Tổng thống 12 ngày (ông Randazzo là một trong những ứng cử viên). Ngoài ra, theo kế hoạch, đáng lẽ ngày 8/6, ông Florencio Randazzo dự định tới nhà ga gần nơi diễn ra vụ tai nạn trên để dự khai trương 52 toa tàu mới.

Lật lại các vụ tai nạn trước đây, năm 2013, xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn: Vụ đầu tiên xảy ra trước khi chốt danh sách bầu cử; Vụ thứ hai xảy ra 8 ngày trước khi diễn ra tổng tuyển cử. Vụ tai nạn thứ hai khiến 99 người bị thương, luật sư Gregorio Dalbón cũng cáo buộc vụ tai nạn này là do “Mafia của Liên đoàn công nhân ngành Giao thông” gây ra nhằm “đe dọa Chính phủ”.

Liên tiếp đình công

Trước tố cáo của Chính phủ trong vụ tai nạn ngày 7/6, ông Omar Maturano, lãnh đạo Công đoàn phản bác: “Ông Randazzo có bao giờ nói thật. Bản thân chúng tôi sẽ không bao giờ bảo vệ những gì không thể bảo vệ được. Nếu người lái tàu có tội thì người đó sẽ phải chịu trừng phạt”.  

Sau vụ tai nạn hồi tháng 6/2013, Chính phủ Argentina ngầm đặt camera trong cabin tàu chở khách để theo dõi hoạt động lái tàu, từ đó phát hiện rất nhiều hành động thờ ơ, bất cẩn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng. Một số trường hợp điển hình: Lái tàu ngủ quên trong lúc tàu băng qua các ngã rẽ; đọc sách, nói chuyện điện thoại khi tàu chạy tốc độ cao.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Giao thông Florencio Randazzo đã yêu cầu sa thải, kỷ luật tất cả lái tàu có liên quan; yêu cầu tất cả nhân viên tổ tàu, nhân viên ra tín hiệu cho tàu đều phải kiểm tra thể chất (nồng độ oxy trong máu, thuốc phiện, rượu) trước khi làm việc. Đồng thời, tất cả phải làm mới giấy phép làm việc hàng năm.

Đây không phải lần đầu Chính phủ và Công đoàn mâu thuẫn với nhau. Nhiều năm trở lại đây, Chính phủ và Công đoàn nhân viên giao thông mâu thuẫn vì tiền lương và thuế thu nhập. Hôm 9/6 vừa rồi, công đoàn giao thông đình công 24 giờ đòi tăng lương. Đây là lần thứ 5 Công đoàn ngành Giao thông tiến hành tổng đình công trong nhiệm kỳ Tổng thống lần hai của bà Cristina Fernandez, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 tới.

Cuộc đình công diễn ra trên toàn bộ các lĩnh vực giao thông đã gây xáo trộn trong sinh hoạt của người dân. Toàn bộ hệ thống phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa, tàu điện ngầm đều phải ngưng hoạt động cả ngày. Dịch vụ cầu cảng tê liệt, nhiều con đường chính dẫn tới thủ đô bị chặn đứng. Tất cả các chuyến bay nội địa trong ngày hôm đó buộc phải hủy bỏ; một số chuyến bay quốc tế bị ảnh hưởng.

Cuộc đình công này nhằm đòi Chính phủ tăng lương lên 27% vì cho rằng mức lương hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong bối cảnh dự đoán lạm phát tăng 30% trong năm nay. Ngoài ra, họ cũng phản đối thuế thu nhập vì cho rằng nó đặt gánh nặng lên vai những người thu nhập thấp. Lãnh đạo Liên đoàn công nhân giao thông Juan Carlos Schmid cho biết, cuộc biểu tình này là “một tín hiệu mạnh” gửi tới Chính phủ.

Chỉ trích cuộc biểu tình, một lần nữa, Chính phủ bà Cristina Fernandez lại cáo buộc Công đoàn dùng “chiêu trò” để làm loạn cuộc tổng tuyển cử. Chánh văn phòng Nội các Chính phủ - Anibal Fernandez cho rằng: Cuộc đình công trên mang tính chính trị, được Công đoàn “vẽ ra” gây hỗn loạn toàn xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.