Hỏi - Đáp

Mái tôn đè người đi đường, chủ nhà có bị truy cứu trách nhiệm?

17/05/2020, 07:47

Cơn giông lốc tối 13/5 tại Hà Nội khiến nguyên một mái tôn của nhà dân bị “bốc” bay xuống dốc Tân Ấp, đoạn trước toà nhà Hanoi Aqua Center.

img
Mái tôn lớn rơi xuống đường khiến nhiều người đi trên đường Yên Phụ bị thương. Ảnh NVCC

Một số người đi đường đã bất ngờ bị mái tôn đè lên, rất may không có ai nguy hiểm về tính mạng.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Điều 605 luật này cũng quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đối chiếu với trường hợp trên, không thể xem việc mưa to, gió lớn là sự kiện bất khả kháng (hiện tượng khách quan không thể lường trước), bởi mưa to, gió lớn ở nước ta hầu như năm nào cũng có, hoàn toàn có thể dự liệu. Vì vậy, chủ sở hữu nhà ở phải có dự liệu và biện pháp phòng chống. Nếu họ chưa làm hết trách nhiệm, gây thiệt hại, phải bồi thường theo luật định.

Luật Xây dựng cũng quy định nguyên tắc trong xây dựng là phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản.

Đối chiếu với quy định nói trên, chủ nhà hoàn toàn nhận thức được nếu tấm tôn không được chằng buộc, thi công cẩn thận, có thể rơi xuống trong điều kiện mưa bão hoặc gió mạnh, gây thương tích cho người, gây hư hỏng, thiệt hại tài sản ở phía dưới.

Nếu chủ nhà đã không áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để ngăn ngừa tai nạn thì chủ nhà có lỗi, có thể phải bồi thường thiệt hại.

“Như vậy, đối với sự việc mái tôn lớn rơi xuống đường Yên Phụ, nếu người tham gia giao thông bị xâm phạm, có thiệt hại thực tế về tài sản hoặc sức khỏe, có thể yêu cầu chủ nhà bồi thường theo quy định.

Nếu chủ nhà từ chối hoặc không thỏa thuận được về việc bồi thường, có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại, căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe... được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu chủ nhà chứng minh được thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, mới không phải bồi thường”, luật sự Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.