Góc nhìn

“Màn cân não” Mỹ - Triều, ai sẽ thắng?

28/05/2018, 08:08

Thế giới cuối tuần qua “chóng mặt” với những thay đổi từ Tổng thống Mỹ Donald Trump xoay quanh cuộc họp thượng đỉnh...

28

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Thử thách niềm tin

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống thứ 45 của Mỹ có những phát ngôn mâu thuẫn như vậy. Nhưng, chung quy lại, sự thay đổi chóng vánh của người đứng đầu nước Mỹ được cho là sự thiếu niềm tin với “đối tác” Kim Jong-un.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như “thắp lên” hy vọng cho hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng tới khi nói với phóng viên tại Nhà Trắng sáng 27/5 (theo giờ Việt Nam): “Chúng tôi đang chờ đợi cuộc gặp ngày 12/6 tại Singapore. Lịch trình cuộc gặp sẽ không thay đổi”.

Phát biểu của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có những bình luận công khai đầu tiên sau cuộc họp bất ngờ giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chiều ngày 26/5.

Ông Moon nói rằng, ông Kim “vẫn cam kết phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng lo ngại nếu Triều Tiên phi hạt nhân, liệu Mỹ có thể chấm dứt các mối quan hệ thù địch và đảm bảo an ninh cho chính quyền Bình Nhưỡng”.

Cách đây vài ngày, khi cả thế giới ngóng đợi một cuộc hòa đàm tại Singapore, mong đợi hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, thì thật đáng buồn, Tổng thống Trump đột ngột tuyên bố cuộc họp bị hủy bỏ, chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên cho thế giới thấy những nỗ lực của họ để phi hạt nhân.

Triều Tiên đã phá hủy bãi thử nghiệm hạt nhân duy nhất của nước này. Nhưng rõ ràng, Mỹ đã không nghĩ rằng điều đó là đủ.

Trong “tâm thư” gửi ông Kim Jong-un, Tổng thống Trump đã giải thích quyết định hủy họp của mình do những động thái tức giận và thù địch của Triều Tiên ngày 24/5. Trong khi đó, những động thái này của Triều Tiên lại đến bởi các nhận xét mang tính “khiêu khích” và “thiếu xây dựng” của các quan chức Nhà Trắng, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.

Theo Giáo sư Li Hua từ Đại học Thượng Hải (Trung Quốc), động lực đằng sau những nhận xét của Triều Tiên là sự thiếu chân thành từ phía ông Trump.

“Triều Tiên đã thực hiện những nỗ lực của mình công khai về việc phi hạt nhân và mong muốn trở thành một phần của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ông Trump đã quyết định thực hiện tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn và liên tiếp gây áp lực lên Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt kinh tế và những lời đe dọa.

Trò chơi chưa tới hồi kết

Không giống như hội nghị thượng đỉnh vào tháng trước - được tổ chức trước máy quay truyền hình trực tiếp, cuộc họp hôm thứ 7 giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên diễn ra hết sức bí mật. Hai nhà lãnh đạo Moon và Kim cũng nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao vào thứ 6 (1/6) để hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh tiềm năng Mỹ - Triều.

Chỉ sau khi Nhà Trắng xác nhận đã gửi một đội chuyên gia đến Singapore chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, Bình Nhưỡng mới ra thông cáo vào sáng 27/5, nhà lãnh đạo Kim Jong-un “bày tỏ ý chí cố định của mình trong các cuộc hội đàm thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ lịch sử” và hy vọng hội nghị này sẽ “kết thúc lịch sử đối đầu” giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Sau cuộc gặp, Tổng thống Hàn Quốc tỏ ra rất lạc quan rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến tổ chức ngày 12/6 sẽ được tiếp tục và diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về Triều Tiên vẫn hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh này. Nhà nghiên cứu Wang Chong (Trung Quốc) cho rằng, lý do chiến lược đằng sau quyết định hủy rồi lại nối lại của Mỹ và Triều Tiên là vì khoảng cách rất lớn giữa hai bên về chương trình nghị sự của cuộc gặp và cốt lõi là quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.

Mỹ chưa bao giờ từ bỏ lập trường cứng rắn của mình về phi hạt nhân của Triều Tiên. Sự kiên nhẫn của Mỹ đối với Triều Tiên đã cạn kiệt và nước này thiếu niềm tin vào thời gian dài để phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa nhưng lại không muốn đi theo con đường thảm hại như Đại tá Muammar Gaddafi, cựu lãnh đạo Libya. Do đó, phi hạt nhân là một quá trình từng giai đoạn và Bình Nhưỡng đòi hỏi cam kết, hành động của Mỹ trong suốt tiến trình đó.

Với kỳ vọng và khoảng cách như vậy, cuộc họp Trump - Kim rất có khả năng thất bại, trừ khi Triều Tiên và Mỹ tìm thấy một nền tảng chung về cách giải thích và quá trình phi hạt nhân.

Để đạt được điều này, ông Wang cho rằng, “Triều Tiên và Mỹ giống như một cặp vợ chồng vừa cưới được vài ngày đã cãi nhau liên miên vì không tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc và Hàn Quốc lúc này phải là đóng vai “những người mai mối” và xây dựng một kênh giao tiếp giữa họ”.

Tương tự như vậy, nhiều người thông thạo vấn đề Triều Tiên cũng cảnh báo rằng, mọi thứ đã diễn ra quá nhanh và Washington nên tổ chức nhiều cuộc họp chuẩn bị hơn trước khi đi đến một hội nghị thượng đỉnh chính thức với Triều Tiên.

Nhà ngoại giao quốc tế Joseph Yun cho rằng, một tuyên bố chung về các vấn đề quan tâm giữa Mỹ và Triều Tiên nhiều khả năng được đưa ra ngày 12/6, để tạo một khoảng thời gian ngắn giải quyết sự khác biệt trước khi ông Trump - Kim ngồi xuống với nhau.

“Hãy thực tế. Những hội nghị kiểu này mất hàng tháng để chuẩn bị chứ không phải vài tuần”, ông Yun nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.