Y tế

Mang bệnh vì tập thể thao sai cách

10/06/2023, 06:38

Ít ai biết chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày đã khám và điều trị cho hàng trăm người mắc bệnh vì chơi thể thao.

Chơi bóng chuyền giãn dây chằng, thoát vị đĩa đệm vì tập yoga, rạn xương rách cơ vì chơi golf là chuyện không hiếm.

Suýt liệt vì tập tạ quá đà

img

Luyện tập quá gắng sức, sai cách dễ dẫn tới chấn thương (Ảnh minh họa)

BS. Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam chia sẻ, ông từng tiếp nhận không ít trường hợp chấn thương nặng vì luyện tập thể thao sai cách, không phù hợp với cơ thể. Có những ca chấn thương rất đáng tiếc, không thể phục hồi.

Dẫn trường hợp một chàng trai 18 tuổi, được gia đình cho nằm cáng đưa thẳng từ phòng tập thể hình vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng toàn thân bất động, BS. Dần cho biết, bệnh nhân tham gia lớp thể hình được ít buổi. Hôm đó, thanh niên này thử sức với mức tạ mới nặng hơn thường lệ và chỉ nghe tiếng khục, bệnh nhân buông tạ nằm vật ra sàn.

Đến bệnh viện, chàng trai trẻ được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm nặng, do tập tạ sai tư thế, nguy cơ cao phải can thiệp phẫu thuật.

BS. Dần cho biết thêm, do bệnh nhân còn rất trẻ tuổi, các bác sĩ chấn thương chỉnh hình cân nhắc việc can thiệp phẫu thuật nên đã chuyển bệnh nhân sang điều trị vật lý trị liệu.

Rất nhanh chóng, bệnh nhân được chỉ định chườm lạnh, siêu âm trị liệu, kéo giãn nhẹ kỹ thuật cao. Sau 1 tuần can thiệp vật lý trị liệu tích cực, chàng trai đã phục hồi ngoạn mục, có thể tự vận động.

Không may mắn như trường hợp này, cô gái tên N.T.H (một giáo viên yoga) tìm đến phòng khám của BS. Dần trong tình trạng đau lưng, được chẩn đoán thoát vị độ 1.

“Khi đó, tôi đã có lời khuyên cô gái nên hạn chế dạy, tập các động tác gập hàng ngày vì sẽ rách bao sơ (phần bao quanh cột sống đĩa đệm)… Đáng tiếc, cô ấy tiếp tục duy trì cường độ luyện tập và dạy vì có rất nhiều học sinh.

Một năm sau quay trở lại, tình trạng thoát vị chèn tủy sống bước sang độ 3, rách bao sơ cột sống đĩa đệm, đau đớn, không đi lại được. Đến thời điểm đó, cô gái hoàn toàn mất đi cơ hội bảo tồn, phải chuyển sang can thiệp phẫu thuật”, BS. Dần chia sẻ.

Vị chuyên gia vật lý trị liệu dẫn chứng thêm, có trường hợp ngoài 30 tuổi tìm đến lớp tập yoga để chữa đau lưng, nửa năm đầu tập thấy dễ chịu nhưng càng ngày cơn đau lại càng nặng. Khi đến khám, bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm ra sau.

Những trường hợp này phải chống chỉ định các động tác kéo giãn quá mức ở tư thế gập người. Song khi đến lớp, học viên vẫn thường xuyên tập động tác nguy hiểm này, khiến thoát vị càng nặng thêm.

BS. Dần cũng từng gặp một số học viên lớp yoga bị rách cơ vì cố tập động tác xoạc ngang, xoạc dọc…

Làm sao để chơi thể thao an toàn?

Theo PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến thể thao để bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường…

Tuy nhiên, tỷ lệ chấn thương thể thao cũng ngày càng nhiều lên. Các phòng khám chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mỗi ngày khám và điều trị hơn 100 bệnh nhân chấn thương thể thao, có ngày tới gần 200 bệnh nhân, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 30.

Còn theo BS. Dần, chấn thương liên quan đến thể thao gặp ngày càng nhiều ở người trẻ và hầu hết khi tìm đến điều trị đều nặng.

“Mỗi người là một cá thể với đặc điểm cơ địa riêng do vậy, không nên thấy người khác làm được mình cũng phải làm theo. Đối với những ai đã từng gặp chấn thương hay có các bệnh lý, hãy hỏi và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi luyện tập thể thao. Điều này sẽ giúp mỗi người biết được những tư thế nào phù hợp và không phù hợp”, BS. Dần khuyến cáo.

Trao đổi thêm về vấn đề này, chị Nguyễn Huyền Trang (giáo viên yoga tại Trung tâm Tre Yoga) cho biết: “Thông thường khi tiếp nhận học viên tập yoga, chúng tôi thường trao đổi xem học viên có bệnh lý hay chấn thương gì trước đó không để có những điều chỉnh bài tập phù hợp.

Đồng thời, luôn khuyến cáo học viên phải biết lắng nghe cơ thể, tùy thuộc vào thể lực, khả năng ví như mỗi người có một biên độ mở khớp hông, háng, vai khác nhau để tập luyện thích hợp, tránh chấn thương không đáng có”.

Để hạn chế chấn thương thể thao, BS. Khánh cho rằng, trước hết phải do ý thức của người luyện tập, không cố gắng quá mức. Đã có trường hợp những người chơi bóng rổ phải nhảy cao, cố cứu bóng khiến đứt dây chằng, đứt gân gót…

“Do đó, người chơi cần biết môn thể thao mình luyện tập có nguy cơ gây ra những chấn thương nào, thường gây chấn thương trong tình huống nào để tránh. Không nên thực hiện động tác quá khó, trước khi tập cần khởi động kỹ. Đặc biệt khi bị chấn thương cần tạm dừng hoạt động thể thao tránh để các tổn thương trầm trọng hơn”, BS. Khánh nhấn mạnh.

Gãy xương sườn do chơi golf không đúng kỹ thuật

Theo PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông đã từng điều trị cho nhiều trường hợp chấn thương thể thao, trong đó có cả bộ môn tưởng nhẹ nhàng như golf. Ngoài những chấn thương cổ tay, khớp khuỷu hay bị đau khớp vai, đau vai gáy… còn có người bị chấn thương nặng như gãy xương sườn do chơi golf không đúng kỹ thuật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.