Thị trường

Mạng xã hội Lotus: “Nội dung là vua”, người dùng được tích lũy token

09/09/2019, 14:06

Phát triển trên cơ sở "nội dung là vua", mạng xã hội "made in VietNam" mang tên Lotus sẽ chính thức ra mắt vào ngày 16/9 tới đây.

img
Đại diện của VCCorp tại buổi họp báo giới thiệu mạng xã hội Lotus.

Tại buổi họp báo giới thiệu mạng xã hội Lotus sáng nay, 9/9, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty CP VCCorp, đơn vị đầu tư và phát triển mạng xã hội này cho biết: Lotus được xây dựng trên 3 trụ chính bao gồm nội dung, sản phẩm, cộng đồng, trong đó lấy nội dung làm trọng tâm.

"Chúng tôi xây dựng MXH Lotus dưới góc độ nền tảng phân phối nội dung của người sử dụng tạo ra tới tay độc giả. Lotus thu hút người dùng bằng nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và đa dạng hơn. Chính vì vậy tôi định nghĩa nội dung là vua", CEO VCCorp chia sẻ.

Theo ông Tân, để có nội dung ban đầu tốt, ở giai đoạn này, Lotus đã hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung trong 20 lĩnh vực khác nhau (giáo dục, kinh tế, nhiếp ảnh, viết truyện, blog, vlog, lifestyle, giải trí, âm nhạc, marketing...) và trên 30 nguồn chính luận đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí.

Bên cạnh đó, Lotus cam kết xây dựng mọi điều kiện để “giải phóng sức sáng tạo” cho các nhà sáng tạo nội dung. Cụ thể, với gần 50 định dạng phong phú bao gồm video giải trí, blog, hình ảnh, tạp chí, nhạc, sách…sẽ giúp chuyển tải các loại nội dung khác nhau cho nhiều đối tượng như người làm báo, người viết vlog, chuyên gia, nhiếp ảnh gia…

Ngoài ra, mảng quảng cáo của Admicro (một đơn vị thuộc VCCorp) đang tiếp cận với 10 nghìn nhà quảng cáo, tất cả các nhãn hàng lớn, hệ thống công nghệ quảng cáo cùng 300 chuyên viên tư vấn, bán hàng sẽ đảm bảo cho các nhà sáng tạo nội dung trên Lotus có nguồn thu ngay lập tức. Không những vậy, Lotus cũng đang xây dựng một số mô hình kiếm tiền khác dựa trên tương tác, thử thách, hoạt động với độc giả để đảm bảo doanh thu.

Trong khi, người dùng Lotus sẽ không kết bạn như những MXH khác mà thể hiện sự tương tác thông qua việc “quan tâm/theo dõi/làm fan nguồn thông tin”, kết nối với nội dung, các chủ đề cần quan tâm và các mối quan tâm.Thuật toán ở đây sẽ chú trọng vào việc cung cấp những nội dung phù hợp với từng cá nhân và các cá nhân liên quan. Đáng chú ý, người dùng sẽ được tích luỹ token qua quá trình sử dụng nội dung, tạo ra nội dung cũng như cổ vũ, khích lệ nội dung của user khác thông qua token.

img
Ông Nguyễn Thế Tân,Tổng giám đốc Công ty CP VCCorp chia sẻ với báo giới liên quan đến mạng xã hội Lotus.

“Trên Lotus, chúng tôi quan niệm ai cũng là một nghệ nhân, là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó của một nhóm người nào đó. Vì vậy, mọi người đều có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung, tạo ra được các nội dung đẹp hơn, mới mẻ và sinh động hơn một cách dễ dàng, đơn giản. Mỗi “nghệ nhân” sẽ có cơ hội mang được nội dung giá trị đến với nhóm độc giả của mình. Người dùng quan tâm tới các “nghệ nhân” sẽ không bao giờ bỏ sót các nội dung chuyên sâu bởi các “nghệ nhân” này” – ông Tân cho hay.

Vị CEO cũng cho biết, cách tiếp cận của Lotus không đi vào thị trường ngách mà đi vào giải quyết các vấn đề phổ quát, chưa được đáp ứng bởi các sản phẩm khác trên thị trường. Dự án đã huy động được 700 tỷ đồng từ VCCorp và một số nhà đầu tư trong nước. Để tiếp tục phát triển lâu dài, dự án MXH Lotus đang tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm 500 tỷ đồng.

Trả lời thắc mắc của báo chí liên quan đến việc cạnh tranh của Lotus với mạng xã hội khác, ông Tân lý giải: “Lotus sẽ cạnh tranh trên phương diện thời gian sử dụng của người dùng với Facebook, Youtube…Nhưng Lotus không cạnh tranh trực tiếp vì chúng tôi tìm kiếm chỗ đứng trên góc độ thời gian trải nghiệm nội dung. Người dùng lên Lotus là để xem nội dung, vấn đề mà người dùng quan tâm".

Được biết, ngay trong hôm nay (9/9), Lotus đã cho phép tải ứng dụng và đăng ký tài khoản trước cũng như mở dùng thử đối với một số lượng nhỏ thành viên (close beta).

Dự kiến tới ngày 16/9, Lotus sẽ phát hành bản dùng thử (open beta) trong 3-6 tháng. Từ đó, Lotus sẽ mở truy cập dần dần đối với các thành viên mới nhằm chỉnh sửa những lỗi nhỏ, hoàn chỉnh các chi tiết phần mềm, hoàn thiện và bổ sung chức năng có trong kế hoạch, điều chỉnh hướng phát triển nội dung dựa trên phản hồi của người sử dụng và xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.