Quản lý

Mạnh tay xử lý phế liệu nhập khẩu tồn đọng

26/11/2020, 09:08

Nhiều chính sách đã và sắp ra đời được cho là giải pháp mạnh tay và hiệu quả trong việc xử lý phế liệu nhập khẩu tồn đọng.

img
Phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng Cát Lái (TP HCM)

Sắp có hướng dẫn hãng tàu thực hiện tái xuất phế liệu tồn đọng

Thời gian qua, một số nước là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn của thế giới đã hạn chế, cấm nhập khẩu một số loại phế liệu tạo nên sự dịch chuyển lượng lớn phế liệu nhập khẩu vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, việc kiểm soát quy trình nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hoá là phế liệu chưa chặt chẽ dẫn đến tồn đọng lượng lớn lô hàng phế liệu nhập khẩu không xác định được chủ hàng tại các cảng biển nước ta, nhất là tại các cảng biển ở Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM.

Mặt khác, thủ tục xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng theo quy định của Bộ Tài chính lại thường kéo dài, phức tạp nên hàng hoá chậm được giải phóng khỏi cảng.

Trước tình trạng trên, cuối năm 2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 35 về Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu, trong đó quy định phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong việc ngăn chặn chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu; phối hợp trong công tác xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển.

Qua đó, Bộ Công thương, ngoài việc quy định về Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, đang hoàn thiện quy định liên quan đến cửa khẩu được phép nhập khẩu phế liệu giúp cơ quan Hải quan hạn chế, kiểm soát đường đi của phế liệu, tăng khả năng kiểm soát rủi ro đối với hoạt động này.

Bộ GTVT cũng đã nỗ lực trong việc yêu cầu các hãng tàu cùng với chủ hàng kiểm soát chất lượng hàng hóa được vận chuyển; đề xuất việc miễn giảm phí lưu container những lô hàng đang tồn đọng. Chính việc này đã giúp một số DN chủ hàng nhận hàng theo quy định, tháo gỡ khó khăn về chi phí lưu kho bãi, giảm áp lực tồn đọng tại các cảng.

Liên quan tới việc xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính triển khai phương án xử lý. Cụ thể, ngày 13/1/2020, Tổng cục Môi trường đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề xuất tiêu chí lựa chọn các cơ sở được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, làm căn cứ để Tổng cục Hải quan lựa chọn cơ sở tham gia đấu giá xử lý hàng tồn đọng.

Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ có hướng dẫn hãng tàu, đại lý hãng tàu thực hiện tái xuất phế liệu tồn đọng.

Trước những nỗ lực trên, lượng container phế liệu tồn đọng tại các cảng đã giảm hàng nghìn chiếc. Tiêu biểu tại TP HCM, tới tháng 9/2020 đang tồn 1.099 container phế liệu không đủ chuẩn, trong khi hồi đầu năm con số này là hơn 2.000 container.

Tăng cường phòng ngừa từ xa

Cuối năm 2019, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40, trong đó quy định chi tiết về điều kiện đối với cơ sở được phép nhập khẩu phế liệu, quy trình kiểm tra thông quan phế liệu nhập khẩu để đảm bảo chất lượng phế liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình sản xuất cũng như phòng ngừa từ xa việc tồn đọng phế liệu tại cảng biển. Nghị định 40 có một số điểm mới so với các quy định trước đây.

Đã quy định cụ thể về điều kiện bảo vệ môi trường đối với cơ sở nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó, thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường được giao cho Bộ TN&MT, không phân cấp tới cơ quan quản lý môi trường địa phương.

Để thúc đẩy việc thu gom, tái chế phế liệu trong nước, Nghị định 40 đã quy định chỉ được phép nhập khẩu phế liệu để sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa và bộ giấy thương phẩm) và chỉ được nhập khẩu tối đa 80% khối lượng phế liệu phục vụ sản xuất từ ngày 1/1/2025.

Mới đây nhất, tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28 cho phép nhập khẩu 23 chủng loại phế liệu tương ứng với mã HS thay vì 36 loại phế liệu như tại Quyết định số 73/2014. Đồng thời, quy định lộ trình được phép nhập khẩu đối với một số loại phế liệu đến hết ngày 31/12/2021 bao gồm: Xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt, thép và phế liệu giấy có mã HS 4707 90 00.

Nhờ các giải pháp quyết liệt trong thời gian qua, lượng phế liệu tồn đọng đã giảm nhiều, hoạt động nhập khẩu đi vào nền nếp.

Trong thời gian tới, Bộ TN&MT cho biết sẽ tiếp tục tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung và xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu theo hướng quy định chặt chẽ các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.