Hồ sơ tài liệu

“Công chúa Huawei” được thả, quan hệ Trung Quốc với Mỹ, Canada sẽ thế nào?

27/09/2021, 07:56

Một trong những nguồn mâu thuẫn lớn nhất trong quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Canada - Mỹ 3 năm qua đã được tháo gỡ.

Giám đốc tài chính (CFO) Tập đoàn công nghệ Huawei - bà Mạnh Vãn Châu đã được Canada trả tự do về nước.

Đồng thời, Bắc Kinh gần như lập tức cũng phóng thích 2 công dân Canada. Diễn biến này được đánh giá là tín hiệu ngoại giao tốt nhưng liệu có đủ để làm ấm quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada?

img

Bà Mạnh Vãn Châu được đón tiếp long trọng tại sân bay quốc tế Thâm Quyến, Trung Quốc Ảnh: Tân Hoa Xã

Trải thảm đỏ, truyền hình trực tiếp lễ đón CFO Huawei

Ngay sau khi thông tin về CFO Mạnh Vãn Châu được công bố sáng 25/9, truyền thông và dư luận Trung Quốc liên tục cập nhật thông tin.

Tối cùng ngày, chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Air China, mang số hiệu CCA552, do chính quyền Bắc Kinh thuê để đưa bà Mạnh từ Canada về nước, đã hạ cánh tại sân bay Thâm Quyến - nơi đặt trụ sở Huawei. Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) đánh giá lễ đón được tổ chức long trọng bất thường.

Bà Mạnh xuống máy bay như một “công thần”, bước trên thảm đỏ, trước sự chào đón nhiệt liệt, vẫy hoa, cờ và băng rôn “chào mừng về nước” của khoảng 100 người có mặt trực tiếp tại sân bay.

Sự kiện được đông đảo cơ quan báo đài trung ương như kênh CCTV truyền hình trực tiếp suốt nhiều giờ. Lúc đỉnh điểm, sự kiện thu hút gần 100 triệu người theo dõi.

Rất nhiều toà nhà như: Trung tâm tài chính Bình An cao 555m - toà nhà cao nhất Thâm Quyến - đã sáng đèn, truyền tải thông điệp chào mừng bà Mạnh về nhà. Đặc biệt hơn cả, nữ CFO không về một mình mà có Đại sứ Trung Quốc tại Canada Cong Peiwu đi cùng. Chừng đó thông tin là đủ cho thấy sức ảnh hưởng của “công chúa Tập đoàn viễn thông Huawei” với Trung Quốc như thế nào, theo SCMP.

Từ phía Canada, hai công dân Michael Kovrig và Michael Spavor, bị Bắc Kinh bắt giữ chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh bị Ottawa quản thúc năm 2018 theo đề nghị của Mỹ, cũng được thả về nước.

Bắc Kinh hành động gần như lập tức, trước sự bất ngờ của giới quan sát vì nhiều người từng đoán, hai công dân Canada có thể bị giam giữ thêm ít nhất 1 tháng nữa.

Đích thân Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo việc công dân được thả và đến tận sân bay ở Calgary để đón.

Cả hai đều chỉ trích nhau

Theo giới truyền thông, thoả thuận trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu có thể giảm bớt một nguồn gây xung đột trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada.

Kể từ khi nhậm chức, cũng như người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong các lĩnh vực như chính sách thương mại, hoài nghi về nguồn gốc đại dịch, áp thuế quan với hàng hoá xuất khẩu Trung Quốc.

Thậm chí, ông Joe Biden còn nhấn mạnh việc phương Tây độc lập với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei là rất quan trọng.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden lại mong muốn hợp tác với Bắc Kinh ở những vấn đề có lợi ích chung như biến đổi khí hậu và nay là thoả thuận thả CFO Huawei.

Trong cuộc điện đàm hiếm hoi giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay đầu tháng 9 này, ông Biden cũng cho rằng lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần phải gạt bỏ những điểm khác biệt để hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Với Canada, từ khi bà Mạnh Vãn Châu bị quản thúc cách đây 3 năm đến nay, nhận thức của người dân đất nước Bắc Mỹ với Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng.

Nếu như trước đây, Canada từng là một trung tâm phát triển và nghiên cứu của Huawei đồng thời là nơi thu hút rất nhiều học sinh sinh viên Trung Quốc theo học.

Đất nước tỷ dân cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada chỉ sau Mỹ. Thì nay, theo kết quả khảo sát được Viện Angus Reid (công ty khảo sát hàng đầu) công bố vào hồi tháng 5, chỉ 14% người Canada được hỏi, thể hiện quan điểm tích cực với Trung Quốc.

Đa phần họ cho rằng, điều kiện cần thiết để cải thiện quan hệ giữa Bắc Kinh - Ottawa đó là Trung Quốc phải thả 2 công dân người Canada.

Ông Gordon Houlden, Giám đốc danh dự Viện Trung Quốc tại Đại học Alberta nhận định, diễn biến thả “công chúa Huawei” sẽ chưa thể thay đổi tận gốc quan hệ Canada - Trung Quốc trong ngắn hạn.

Thực tế, sau khi công dân về nước, truyền thông của cả Trung Quốc và Mỹ - Canada đều chỉ trích nhau về hành động bắt giữ những năm qua.

CCTV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, hành động của Mỹ và Canada liên quan đến bà Mạnh là “hành vi giam giữ tùy tiện điển hình”.

Cùng lúc, báo Global &Mail của Canada cũng có bài viết, dẫn lại thông tin Trung Quốc thả hai công dân Canada rất nhanh và kèm theo bình luận của ông Rory Medcalf, người đứng đầu trường Cao đẳng An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia: “Đây chính là ví dụ chứng minh hành vi giam giữ tùy tiện của Bắc Kinh”.

Dẫu vậy, có thể phải mất nhiều năm nữa, quan hệ hai nước mới có thể khôi phục nhưng diễn biến lần này có thể thúc đẩy hai bên hàn gắn phần nào trong các lĩnh vực như tăng cường quan hệ kinh tế, giáo dục song phương, ông Houlden nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.