Xã hội

Mập mờ kê khai nhận hỗ trợ hạn hán ở Gia Lai

10/08/2016, 19:04

Câu chuyện người dân khiếu kiện sau hỗ trợ của Chính phủ cho nông dân bị thiệt hại vì hạn hán ở Gia Lai.

20160809_151536

Hàng trăm người dân khiếu kiện đòi công bằng trong việc chi tiền hỗ trợ của Chính phủ sau hạn hán kỷ lục ở Gia Lai. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Trong đợt hạn hán kỷ lục đầu năm 2016, hàng trăm hộ dân tại xã Ia H"Lốp (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân bị hạn hán do thiên tai tại xã lại không được triển khai thấu đáo. Việc triển khai chính sách hỗ trợ trong chính sách nhân đạo này đã bị người dân phát hiện nhiều gian dối. Trong 2 ngày 9-9/8, hàng trăm hộ dân tại xã này đã kéo lên trụ sở yêu cầu có giải thích một cách thấu đáo.

Đòi công bằng!

Khoảng 13h ngày 9/8, hàng trăm người dân tại xã này tiếp tục ùn ùn kéo đến trụ sở UBND xã Ia H’Lốp để đòi quyền lợi vì cho rằng xã có nhiều khuất tất trong kê biên thiệt hại tại xã. Ngoài ra việc thông báo, chính sách hỗ trợ chưa được triển khai thấu đáo nên nhiều người dân trong đợt hạn hán chịu thiệt vì “kẻ có người không” từ hỗ trợ tiền của Chính phủ.

Theo UBND xã  Ia H’Lốp cho biết: tổng số 13 thôn, làng tại xã có tổng diện tích bị thiệt hại 386,66 ha, diện tích giảm năng suất từ 30%-70%; 5,25 ha diện tích nông sản mất trắng chủ yếu là cây cà phê, hồ tiêu, mì... Tổng số hộ thiệt hại trong đợt hạn vừa qua lên tới 753 hộ.

Tại thôn 2, tổng số hộ dân bị thiệt hại do hạn hán là rất lớn, tuy nhiên tại thôn này chỉ lập danh sách 21 hộ bị thiệt hại. Nhiều người dân bức xúc vì gia đình bị thiệt hại, nhưng không được đưa vào danh sách để được nhận hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ, cụ thể: Ông Trần Văn Hải (52 tuổi) cho biết, gia đình tôi có 2ha cây cà phê, tiêu bị thiệt hại sau đợt hạn hán. Theo ước lượng của gia đình khoảng 40% mất năng suất do tiêu, cà phê rụng lá trong đợt hạn. Đối chiếu với quy định thì được hưởng trợ cấp của Chính phủ. Tuy nhiên, gia đình lại không được thống kê thiệt hại...

“Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác không hề được nghe thôn 2 triển khai thống kê thiệt hại trong đợt hạn hán vừa qua”. Ông Bùi Quang Thành (người cùng thôn 2) cũng kiến nghị cho rằng, việc triển khai của trưởng thôn là hoàn toàn không minh bạch, không thông báo cho người dân biết để kê khai..

Cũng tại thôn 2, nhiều hộ dân phản ánh việc hỗ trợ tiền công đào giếng cũng chưa minh bạch. Mặc dù ở thôn có rất nhiều hộ được thống kê và hỗ trợ 420 nghìn đồng tiền đào giếng. Tuy nhiên, theo quy định chỉ hỗ trợ đối với 1 hộ, nhưng danh sách có hộ lại có tới 2 giếng.

Còn tại thôn 3, hộ dân Lê Ba (43 tuổi) cho rằng đối chiếu với quy định hỗ trợ 2triệu đồng/ha thiệt hại từ 30-70% thì gia đình nhà tôi lại thấy không đúng. Tổng số diện tích kê khai thiệt hại là 2,8ha nhưng chỉ nhận được 2,8 triệu đồng. Trong đó, có bao gồm cả tiền đào giếng. Đồng quan điểm chưa minh bạch như trên, bà Võ Thị Bích Chín cho biết khi khiếu kiện lên trưởng thôn Lê Phúc thì nhận được lời chỉ trích và đe doạ từ người nhà ông Phúc. “Vợ của ông Phúc còn chửi bới tôi, đòi bẻ răng tôi”. Hơn nữa việc triển khai họp dân cũng không được triển khai đầy đủ, khiến cho nhiều hộ dân bị thiệt hại cũng không được nhận hỗ trợ.

Nhiều người dân thôn 2 cho biết, có những trường hợp danh sách đăng ký và nhận tiền hỗ trợ có hộ khẩu tại thôn nhưng đất lại không ở xã. Đơn cử như trường hợp của Nguyễn Văn N., canh tác ở huyện Chư Pưh nhận được 720 nghìn tiền đào giếng. Hoặc ông Huỳnh Văn T. được cho là đại gia tiêu của xã, nhưng vẫn được hỗ trợ tiền đào giếng; ông Phan Dũng xã Ia Vê nhưng vẫn có giếng được kê khai và nhận tiền hỗ trợ…

20160809_162636

Cuộc họp ghi nhận ý kiến của huyện Chư Sê sau khi người dân tụ tập quá đông ở xã Ia H"Lốp. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

 Cuộc họp bất thường khi dân tụ tập

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ hạn hán cho người dân ở xã Ia H’Lốp, chủ tịch xã này ông Lê Sỹ Quý thừa nhận kê khai diện tích và đánh giá thiệt hại của xã vẫn chưa thấu đáo. Ông Quý cho biết, việc các trưởng thôn triển khai họp bàn và bình xét vẫn chưa thực sự đến được tận người dân. Cho nên dẫn đến sự việc người dân bức xúc là đúng.

Ông Quý cho biết, sau khi triển khai văn bản thống kê thiệt hại theo cấp trên (hai lần triển khai ngày 22/2 và 6/4), xã đã thành lập 2 tổ công tác do các Phó chủ tịch xã và các hội đoàn thể đi đánh giá. Tuy nhiên, khi người dân tụ tập mới biết việc triển khai kiểm tra, giám sát để đi thẩm định vẫn chưa thực sự khách quan, thấu đáo. Nhiều người dân phản ánh, việc kiểm tra này thực tế không đến nương rẫy của người dân.

Trao đổi với ông Phạm Phú Chiến, trưởng thôn 2 của xã thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi đã triển khai cho bà con được biết, thông qua hệ thống loa phát thanh của thôn. Khi được hỏi phát thanh bao nhiêu lần, thì ông Chiến cho biết là 1 lần. Ông Chiến cho biết, việc triển khai thống kê thiệt hại này đã có rồi, nhưng do người dân đi rẫy hoặc không quan tâm nên mất quyền lợi”.

Liên quan đến việc người dân tụ tập gây mất trật tự tại xã Ia H’Lốp, ngay trong chiều ngày 9/8, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chủ tịch huyện Chư Sê cùng đoàn công tác đến tại xã để giải thích với người dân.

Tại buổi họp này, ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết việc hỗ trợ này theo quy định của Chính phủ và tỉnh Gia Lai. Theo ông Hợp, mức chi trả của tỉnh Gia Lai là hộ bị mất trắng được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30 đến 70% thì hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Ngoài ra việc hỗ trợ đào giếng, ao, hồ từ 5m3 trở lên được hỗ trợ 5 triệu đồng.

Tại buổi họp này, trước thông tin người dân cung cấp, ông Hợp thừa nhận và cho rằng việc người dân khiếu nại chủ yếu đối với các vấn đề chính như: Việc kê khai diện tích và số hộ dân bị thiệt hại chưa minh bạch chưa trung thực, khách quan. Hơn nữa, có tình trạng người nhà của cán bộ thôn được hưởng hỗ trợ mà người dân khác không được nhận; Người dân canh tác một nơi khác, nhưng vẫn được kê khai tại địa phương; Cán bộ xã, thôn chưa thực sự sát sao công tác triển khai tại địa bàn bị thiệt hại sau hạn hán...

Trả lời những kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chủ tịch huyện Chư Sê yêu cầu xã Ia H’Lốp nghiêm túc thống kê lại số hộ dân bị thiệt hại. “Tôi đề nghị mỗi người dân viết cho tôi những yêu cầu của mình, ví dụ như: Tổng số diện tích thiệt hại, thiệt hại bao nhiều phần trăm năng suất nông sản. Sau khi viết vào giấy này, đưa đến văn phòng của xã để tổng hợp. Huyện hiện đã thành lập hai đoàn kiểm tra, căn cứ theo số liệu người dân cung cấp, đoàn kiểm tra sẽ trực tiếp, kiểm tra, giám sát các số liệu này một cách chặt chẽ".

Tại cuộc họp đột xuất này, không có một vị trưởng thôn làng nào đến để tìm hiểu đối chất với người dân. Vậy nên ông Tâm cho rằng, việc triển khai thống kê số liệu đến tại thôn, làng vẫn hoàn toàn chưa công tâm, minh bạch và chưa sát với nhân dân.

Cũng tại buổi họp này, ông Tâm cho rằng việc người dân đòi công bằng trong hỗ trợ là không đúng. Giải thích  vấn đề này ông Tâm cho hay, người dân không thể cào bằng để ai cũng được hỗ trợ mà phải theo quy định của tỉnh đó là tuỳ theo đánh giá về tỉ lệ giảm năng suất nông sản. Theo đó tỉ lệ giảm năng suất từ 30%-70% và các hộ bị mất trắng. Ông Tâm cũng cho rằng, đối với các hộ dân có điều kiện tưới tiêu giúp cho nông sản của mình vượt qua hạn hán mà không bị thiệt hại theo quy định của Chính phủ cũng không được hỗ trợ. Mặc dù thực tế các hộ dân này cũng tốn rất nhiều tiền trong cứu hạn cây trồng, bảo vệ năng suất của nông sản. 

Ông Tâm nhấn mạnh: "Sau khi kiểm tra, chúng tôi sẽ cho mời các trưởng thôn của xã Ia H"Lốp để đối chất với việc triển khai thống kê, chi trả tiền hỗ trợ hạn hán của Chính phủ. Đối với việc làm sai, sẽ tiến hành kỷ luật và có hình thức xử lý nghiêm nếu xảy ra chuyện lợi dụng chính sách nhân đạo để tạo lợi ích nhóm". 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.