Quản lý

Mất cả tháng xin cấp phép xe siêu trường, siêu trọng

10/01/2018, 07:45

Sau hơn hai năm thực hiện Thông tư 46, cơ quan quản lý và doanh nghiệp vẫn đang vấp phải sự lúng túng...

12

Doanh nghiệp vẫn đang mất nhiều thời gian, thủ tục để được sử dụng xe siêu trường,siêu trọng - Ảnh: Tấn Minh

Sau đối thoại, doanh nghiệp vẫn than khó

Công ty TNHH Tiếp vận Dasuka kinh doanh dịch vụ logistics, hàng hóa thường là máy móc lớn. Ông Nguyễn Văn Huân, đại diện đơn vị này cho biết, khi có nhu cầu sử dụng xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển hàng từ Hải Phòng đi Lạng Sơn, doanh nghiệp đều phải xin cấp phép lưu hành. Cơ quan cấp phép thường yêu cầu doanh nghiệp phải trình phương án vận chuyển, thử tải cầu đường hoặc thuê đơn vị tư vấn thực hiện việc tính toán để thẩm định lại, sau đó mới quyết định có cấp phép hay không.

“Trong khi đó, doanh nghiệp không có sẵn hồ sơ về tình trạng cầu đường trên tuyến nên mất khá nhiều thời gian cũng như chi phí để tìm kiếm, khảo sát hệ thống cầu đường. Thời gian chờ đợi cơ quan quản lý thẩm định rất lâu khiến việc xin cấp phép có khi mất cả tháng”, ông Huân nói.

"Thông tư 46/2015 của Bộ GTVT đã quy định rất rõ các điều kiện lưu hành đối với xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Thông tư giải thích cụ thể hàng siêu trường là hàng không thể tháo rời. Khi xếp lên phương tiện vận chuyển, chiều dài bao ngoài của xe và hàng lớn hơn 20m, chiều rộng lớn hơn 2,5m, chiều cao từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên lớn hơn 4,2m, đối với xe container lớn hơn 4,5m. Còn hàng siêu trọng là hàng không thể tháo rời, có trọng lượng lớn hơn 32 tấn. Để vận chuyển được các loại hàng hóa này, doanh nghiệp vận tải phải sử dụng phương tiện có kích thước, tải trọng phù hợp, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành”.

Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cũng cho biết, để vận chuyển một chuyến hàng, doanh nghiệp phải khảo sát và thẩm định đường. Các cơ quan cấp phép thường yêu cầu doanh nghiệp phải trình bày phương án vận tải, tính toán, thử tải cầu hoặc thuê một đơn vị tư vấn thực hiện việc tính toán. Trên cơ sở tính toán của doanh nghiệp hoặc đơn vị tư vấn, cơ quan cấp phép sẽ thẩm định lại và quyết định có cấp phép hay không, thời hạn thẩm định trong vòng hai ngày.

“Có những tuyến đường qua hàng chục, hàng trăm cây cầu lớn nhỏ nên việc thử tải, tính toán mất rất nhiều thời gian và chi phí. Sau khi có kết quả tính toán, thử tải, cơ quan quản lý giao thông mất thêm hàng tháng để thẩm định và trả lời. Vì vậy, trên thực tế việc xin giấy phép kéo dài 2-3 tháng”, ông Tiến chia sẻ và cho biết, điều này khiến nhiều doanh nghiệp chọn cách “chạy chui” trước áp lực về thời gian vận tải.

Ông Ngô Tứ, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đa phương thức cho biết, theo quy định của Thông tư 46, đối với hàng siêu trường, siêu trọng nếu tổng chiều dài đoàn xe nhỏ hơn hoặc bằng 30m và chiều rộng nhỏ hơn hoặc bằng 4m, bắt buộc phải có lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông dẫn đường hoặc khi phương tiện vận chuyển tại các vị trí công trình giải gia cường đường bộ cũng yêu cầu có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống. “Khi vận chuyển hàng, doanh nghiệp phải tự liên hệ với các lực lượng để có sự hỗ trợ và chịu các chi phí”, ông Tứ than.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, bên cạnh vướng mắc về quy định, thiếu đồng bộ về hạ tầng, một vấn đề nổi cộm khác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, đó là sự thiếu và yếu của đội ngũ lái xe tham gia vào hoạt động vận tải đặc biệt này, còn có những khiếm khuyết nhất định trong đội ngũ lái xe bằng FC này, đội ngũ lái xe không đủ với nhu cầu nóng phát triển của vận tải hàng.

Theo các doanh nghiệp, trước đó, tháng 6/2017, Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải siêu trường, siêu trọng. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, các vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây khó cho doanh nghiệp.

Sẽ không phải khảo sát lại cầu đường

Ông Đặng Văn Chung, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, sau 2 năm thực hiện Thông tư 46 về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, các cơ quan chức năng đã cấp được trên 26.000 giấy phép lưu hành cho nhóm phương tiện siêu trường, siêu trọng, góp phần kiểm soát tải trọng phương tiện và bảo vệ hạ tầng giao thông. Ông Chung cũng thừa nhận, tại một số địa phương, các cảng vụ, doanh nghiệp, lái xe đang gặp phải một số khó khăn, nhất là những vấn đề liên quan đến việc xác định thế nào là phương tiện chở hàng siêu trường, siêu trọng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, kết quả kiểm định cầu mà doanh nghiệp đã khảo sát được sử dụng trong vòng 1 năm thì doanh nghiệp sau trên cùng tuyến không phải khảo sát lại. Tuy nhiên, theo ông Huyện, các thông số như: Thông tin tuyến đường, chủng loại phương tiện, hàng hóa chuyên chở, khối lượng toàn bộ, tải trọng trục và kích thước bao của phương tiện thuộc doanh nghiệp sau phải bằng hoặc nhỏ hơn so với phương tiện đã được cấp giấy phép lưu hành trước.

“Báo cáo khảo sát phải do đơn vị tư vấn thiết kế độc lập có đủ năng lực, tư cách pháp nhân trong lĩnh vực tư vấn, xây dựng cầu, đường lập. Báo cáo khảo sát của doanh nghiệp vận chuyển, chủ hàng lập chỉ dùng để tham khảo, không có giá trị làm căn cứ để cấp giấy phép lưu hành xe”, ông Huyện nói.

Cũng theo ông Huyện, đối với cả hai trường hợp kích thước bao đoàn xe có chiều rộng lớn hơn 3,5m-4m, chiều dài lớn hơn 25m-30m và chiều rộng lớn hơn 4m, chiều dài lớn hơn 30m, lưu thông trên những đoạn đường ngược chiều, đường cấm, lưu thông trái chiều qua nút giao, vị trí công trình phải gia cường đường bộ, phải tạm thời tháo dỡ, xử lý một số hạng mục công trình, nhất thiết phải có lực lượng chức năng có thẩm quyền hướng dẫn, điều tiết giao thông để đảm bảo an toàn.

“Tổng cục Đường bộ VN sẽ kiểm soát nhằm siết chặt quản lý đối với nhóm phương tiện, người lái loại hình vận tải này. Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi trong hoạt động cấp phép xe siêu trường, siêu trọng, tổng cục sẽ liên tục theo dõi, cập nhật tải trọng khổ giới hạn của hệ thống đường bộ trên trang website của tổng cục; Đồng thời, tăng cường bố trí kinh phí sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, gia cố cầu yếu để đảm bảo đồng bộ tải trọng cầu và đường”, ông Huyện khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.