Bạn cần biết

Mất cơ hội làm mẹ vì mãn kinh ở tuổi 30

29/06/2016, 16:44

Mãn kinh sớm ở phụ nữ còn là nguyên nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

d

Phụ nữ mãn kinh sớm cần đến bác sĩ khám để có chế độ ăn, uống, bổ sung dưỡng chất bù đắp cho sự thiếu hụt về nội tiết tố do cơ thể không sản sinh ra được. Ảnh minh họa: Tạ Tôn

Ngỡ ngàng vì mãn kinh tuổi 30

Lập gia đình ở tuổi 27 nhưng vì mới chuyển việc nên chị Nguyễn Thanh An (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lên kế hoạch sinh con sau hai năm công tác. Tuy nhiên, chị An cho biết, một năm gần đây, kỳ kinh của chị rất thất thường, lúc thì kéo dài cả chục ngày, khi lại ngắt quãng gần 2 tháng. Gần 3 tháng nay, chị An thấy khô ráo và rất “ngại” gần gũi chồng. Lo ngại vì mình chưa sinh nở lần nào, chị An tìm đến viện thăm khám. Kết luận của bác sĩ “dấu hiệu mãn kinh sớm, biểu hiện suy buồng trứng, khả năng có con không cao” khiến chị An ngỡ ngàng.

Còn chị Phương Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới bước vào tuổi 32 nhưng chị thấy cơ thể có nhiều thay đổi, rõ rệt nhất là vô kinh đã hơn 2 tháng, kèm theo đó thường xuyên thấy “bốc hỏa” trong người, tính tình trở nên nóng nảy hơn, thậm chí chị cũng chẳng màng đến “chuyện vợ chồng”... Chính vì thế, suốt cả tháng nay “vợ chồng chị chiến tranh lạnh”. Thấy cơ thể bất ổn, chị đi khám và rất bất ngờ khi bác sĩ cho hay “chị có dấu hiệu tiền mãn kinh sớm do chức năng buồng trứng suy giảm”. “Không thể tin được vì mình mới ngoài 30”, chị Trang bối rối cho biết.

BS. Lê Thị Kim Dung, chuyên Sản khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà cho biết, thông thường, phụ nữ ở độ tuổi 45 - 50 hoạt động chế tiết của buồng trứng bắt đầu bị rối loạn, dẫn đến kinh nguyệt không đều, kéo dài hoặc dây dưa. Giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài 2 - 5 năm. Vì thế, phụ nữ mãn kinh thật sự thường từ 50-55 tuổi. Khi mãn kinh, phụ nữ thường có dấu hiệu chu kì kinh nguyệt trồi sụt bất thường, tình trạng bốc hỏa, tính tình trở nên cáu gắt, sinh hoạt tình dục suy giảm…

“Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phụ nữ chưa đến 40 tuổi, thậm chí cá biệt mới chỉ 28-30 tuổi nhưng buồng trứng không còn hoạt động nữa, được gọi là mãn kinh sớm. Nhìn chung, mãn kinh sớm làm chất lượng sống của chị em giảm đáng kể, cả về chức năng cơ thể lẫn sức khỏe tinh thần”, BS. Dung cho biết.

Còn theo BS. Lê Vương Văn Vệ (BV Việt Bỉ), mãn kinh sớm do suy buồng trứng khiến chị em mất đi cơ hội có thai, do không còn nang noãn chín hoặc noãn không thể phóng được. Ngoài chứng vô sinh, chị em mắc mãn kinh sớm thường đối mặt với nguy cơ mắc một số bệnh như: Loãng xương, tim mạch... Bên cạnh đó là sự biến đổi thất thường về tâm sinh lý.

Thay đổi cách sống

BS. Lê Thị Kim Dung cho hay, giai đoạn tiền mãn kinh đến với ở chị em thông thường là do sự chuyển biến trong nội tại cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, với những trường hợp tiền mãn kinh sớm thì có nhiều nguyên nhân liên quan đến điều trị và bệnh tật như: Bệnh tự miễn, người bị cắt bỏ tử cung, cắt một phần hoặc toàn bộ buồng trứng, người bị truyền hóa chất điều trị hoặc bị chiếu tia phóng xạ điều trị các bệnh có liên quan hay di truyền.

Thậm chí, một số thói quen như kiêng khem quá kỹ đến mức gầy mòn, suy dinh dưỡng, thức quá khuya dẫn đến sự rối loạn hormon, lao động quá cực nhọc, lao động trong môi trường quá độc hại, có nhiều tia phóng xạ… cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

BS. Dung cho hay, nhiều trường hợp mãn kinh sớm nhưng chị em phụ nữ vẫn âm thầm “chịu đựng”. “Có những phụ nữ tìm đến bác sĩ và bật khóc vì 10 năm liền không chiều chồng được mà phải chịu bạo hành tình dục ngay chính trong phòng ngủ của mình. Nguyên nhân chỉ đơn giản vì họ không dám nghĩ đến việc nhờ sự hỗ trợ y tế để cải thiện tình trạng này”, nữ bác sĩ chia sẻ và cho lời khuyên: “Để khắc phục những biến đổi do tình trạng này không cách nào khác hơn phải bổ sung phần thiếu hụt về nội tiết tố do cơ thể không sản sinh ra được. Tuy nhiên, bổ sung ra sao, thế nào, chị em nên đến cơ sở y tế để được tư vấn hiệu quả”.

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ chị em vượt qua thời kỳ “căng thẳng” này, BS. Lê Vương Văn Vệ cho rằng, chị em cần chú trọng thêm cả về chế độ dinh dưỡng và luyện tập cơ thể.

Theo đó, chị em nên bổ sung ăn các thực phẩm giàu chất xơ, giàu các chất oxy như trái cây, rau củ và ngũ cốc, thực phẩm chứa nhiều canxi như: Đậu nành, đậu phụ, sữa; Tránh uống rượu, cà phê và sử dụng các chất kích thích. Bên cạnh đó, vận động thể thao hàng ngày cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện giấc ngủ, tăng cường xương. Điều quan trọng không kém là chị em cần phân phối thời gian nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, tránh căng thẳng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.