Thị trường

Mặt hàng nào được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định EVFTA?

13/02/2020, 15:41

Gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Những mặt hàng nào được hưởng thuế suất 0%?

img
EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm. Ảnh minh họa

85,6% dòng thuế sẽ được xóa ngay sau khi EVFTA có hiệu lực

Theo Bộ Công thương, ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo quy định, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực (đối với Việt Nam là việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định). Các Bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để Hiệp định có hiệu lực.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Cụ thể, đối với nhóm hàng Dệt may, 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta được EU xóa bỏ thuế trong vòng 5 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Giày dép: 42,1% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này được hưởng ngay thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.

Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dược xóa bỏ thuế quan trong vòng 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Gạo: EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo. Đặc biệt, gạo tấm của các doanh nghiệp Việt Nam được tự do hóa hoàn toàn giúp các doanh nghiệp có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn tấm vào EU mỗi năm. Các sản phẩm từ gạo sẽ hưởng thuế suất 0% sau một lộ trình nhất định.

Đường: EU dành cho ta hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%.

Mật ong và các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Các sản phẩm khác thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan: EU dành cho các doanh nghiệp Việt hạn ngạch thuế quan 25.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm), 400 tấn tỏi, và 350 tấn nấm.

Thuế suất trong hạn ngạch của tất cả các mặt hàng thuộc diện cam kết theo hạn ngạch thuế quan của EU là 0%.

Các doanh nghiệp phải làm gì?

Hiệp định EVFTA sẽ mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại. Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA?

Để tận dụng tốt các cơ hội của thị trường EU, Bộ Công thương đã khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế.

Bộ Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; Phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…

Bộ Công thương nhấn mạnh, để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.