Thế giới giao thông

Mất hàng tỉ USD vì động vật cản trở bay

04/08/2016, 05:58

Hiểm họa thiên nhiên nói trên được nêu ra trong Hội nghị An toàn Hàng không thế giới tổ chức tại Dubai.

Máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bị đàn chim bao vây khi cất

Máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ bị đàn chim bao vây khi cất cánh tại sân bay quốc tế Ataturk tại thủ đô Istanbul

Động vật hoang dã “tấn công” máy bay là sự cố thường thấy trên thế giới khiến hàng trăm người thiệt mạng và làm hư hại máy bay nhưng thường bị xem nhẹ.

Thiệt hại 2,34 tỉ USD/năm

Trên thế giới, máy bay thương mại chở hàng trăm hành khách thường bị rất nhiều loại động vật hoang dã tấn công như: Chim, rùa, dơi, chuột túi..., dẫn đến uy hiếp an toàn bay, buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp, gây chậm trễ, hủy chuyến... Mỗi năm, ngành Hàng không thế giới thiệt hại 2,34 tỉ USD vì các vụ tấn công đến từ thiên nhiên.

Ngoài ra, báo cáo của Cơ quan An toàn Hàng không Mỹ (FAA) cho thấy, kể từ năm 1988, có 258 người thiệt mạng và hơn 245 máy bay bị hư hỏng do động vật hoang dã tấn công máy bay thương mại. Các nhà nghiên cứu lo ngại, hiểm họa này ngày càng tăng cao do số lượng chim lớn gia tăng và công nghệ máy bay cải tiến giúp máy bay bay êm, ít phát ra tiếng ồn hơn.

Thống kê tại Australia cho thấy, từ năm 2004 - 2013 xảy ra hơn 14.571 vụ chim tấn công máy bay, chủ yếu liên quan đến các máy bay vận tải công suất lớn. Tại Mỹ, thống kê từ năm 1990 - 2013, số vụ động vật hoang dã tấn công thường niên tăng 6,1 lần từ 1.851 vụ (năm 1990) lên kỷ lục 11.315 vụ (năm 2013). Trong đó, số vụ tấn công liên quan tới chim chiếm 97%.

Vụ thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến năm 1960, máy bay hành khách Eastern Air Lines mang số hiệu 375 đâm vào một đàn chim di cư từ châu Âu trong lúc đang cất cánh khiến 4 động cơ bị hư hại, máy bay rơi xuống cảng Boston khiến 62 người thiệt mạng. Năm 2009, chuyến bay số hiệu 1549 của hãng hàng không US Airways bị ngỗng “tấn công” cả hai động cơ, phải đáp khẩn cấp xuống sông Hudson.

Ngay đầu tháng 7, máy bay của Hãng hàng không United Airlines từ Sydney tới Los Angeles (Mỹ), chở 308 hành khách phải hạ cánh khẩn cấp vì “đụng độ” với chim. Sau khi bị chim tấn công, máy bay gặp sự cố, phải xả bớt nhiên liệu xuống biển, quay đầu, đáp khẩn cấp xuống Sân bay Sydney. Hành khách Kip Hale chia sẻ: “Từ cửa sổ tôi có thể nhìn thấy máy bay xả bớt nhiên liệu. Tuy nhiên, hành khách an toàn là điều quan trọng nhất”.

Nguy cơ tăng cao nhưng luôn bị xem nhẹ

Hiểm họa thiên nhiên nói trên được nêu ra trong Hội nghị An toàn Hàng không thế giới tổ chức tại Dubai với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng không cấp cao để bàn bạc, tìm cách phòng ngừa, hạn chế tác động với an toàn hàng không. Các chuyên gia đều cho rằng, mặc dù hiểm họa ngày càng gia tăng nhưng đôi khi bị nhiều cảng hàng không trên thế giới xem nhẹ.

Các chuyên gia đưa ra 3 cách để hạn chế rủi ro chim tấn công: Thiết kế máy bay tăng sức chịu đựng trước sự tấn công của chim; ngăn chặn động vật khỏi đường đi của máy bay, cũng như hướng máy bay tránh khu vực hoạt động của động vật. Trong khi phương án đầu thuộc về vấn đề kỹ thuật cần nghiên cứu thời gian dài thì phương án cải tiến quản lý sân bay trước hiểm họa tự nhiên được chú trọng. Một số biện pháp cơ bản được đưa ra bao gồm: Dọn sạch cỏ, lắp đặt các thiết bị như hệ thống nhận diện vật thể lạ (FOD); sử dụng pháo sáng hoặc chó... để đuổi chim.

Năm 2014, Sân bay Dayton International (Mỹ) là sân bay thương mại đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp trồng lại cỏ tại phi trường để ngăn các loại chim lớn như ngỗng tiếp cận sân bay. Dựa theo đặc tính sợ nơi có cỏ cao của những loại chim này, Sân bay Dayton áp dụng trồng thử nghiệm 300 acres (1km2) sân bay bằng cỏ cao và đặt ra mục tiêu sẽ phủ cỏ trên 2.200 arces (9km2) trong sân bay.

Ngoài ra, nhiều sân bay trên thế giới như: Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc), Logan Airport, Miami... (Mỹ), Sân bay Al Maktoum International Airport (Dubai)... đang áp dụng hệ thống phát hiện vật thể lạ (FOD) để phòng ngừa các rủi ro trên sân bay bao gồm hiểm họa từ động vật. Điển hình, Sân bay Logan Airport vừa lắp đặt hệ thống FOD, trong đó các bộ cảm biến được gắn trên các cột đèn cách nhau 60m ở cả hai bên đường băng. Cảm biến liên tục quét, khi phát hiện vật thể lạ, sẽ có hệ thống định vị (GPS) xác định vị trí chính xác của vật thể lạ và nhân viên sân bay sớm có biện pháp khắc phục. Dự án này tiêu tốn khoảng 1,7 triệu USD, trong đó 1/2 số tiền sẽ do FAA chi trả.

Khi đốc thúc Cảng hàng không Đào Viên lắp đặt hệ thống FOD, ông Lee Kun-tse, một nghị sĩ Đài Loan nói: ”Không giải quyết những vấn đề này, chẳng lẽ cảng hàng không để hành khách mỗi lần đến sân bay đều phải lên chùa cầu nguyện trước?”.

Ngoài những biện pháp kể trên, các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải thiết lập dữ liệu lưu trữ về các loài chim di cư, thói quen sinh sống gần các sân bay, khung thời gian hoạt động của chim.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.