Điều tra

Mất nhà vì “nhắm mắt” ký ủy quyền thế chấp

28/05/2017, 07:15

Vì cần tiền, ông Thi đã vay của bà H. theo đơn đề nghị vay vốn ngắn hạn có con dấu của bà H.

2

Đơn thư khiếu nại của người dân gửi cơ quan chức năng

Báo Giao thông nhận được đơn kêu cứu của vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Thi, trú tổ 2, khối Đuống, Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội) và bà Phạm Thị Khoái, cùng trú tại tổ 2 khối Đuống, phản ánh việc bị thi hành án oan sai.

Cần tiền bị đưa vào tròng

Trong đơn, ông Thi và bà Khoái cho biết, ngày 31/3/2006, do có nhu cầu vay tiền nên gia đình ông đã vay của bà Nguyễn Thị H. (lúc này là giám đốc một công ty có trụ sở ở Ba Đình, Hà Nội) theo đơn đề nghị vay vốn ngắn hạn có con dấu của bà H. Khi đó, bà H. đọc cho ông Thi viết giấy này với nội dung: Gia đình ông nhờ bà Nguyễn Thị H. cho gia đình tôi thế chấp tài sản với công ty để vay số tiền 380 triệu đồng. Tài sản thế chấp là mảnh đất có diện tích 183m2 tại địa chỉ Tổ 2, khối Đuống. Thời hạn vay là 24 tháng, lãi suất cho vay theo lãi suất của ngân hàng, thanh toán tiền lãi suất vào ngày 30 hàng tháng cho công ty. Thời hạn xin vay theo thỏa thuận giữa công ty và gia đình theo hợp đồng tín dụng giữa công ty và ngân hàng.

Gia đình bà Phạm Thị Khoái (chồng là ông Toàn đã chết) vay bà H. tổng số tiền 350.000.000 đồng cũng với nội dung thỏa thuận tương tự.

“Vì không hiểu biết pháp luật nên ngày 13/9/2007 bà H. tiếp tục lừa dối chúng tôi ký hợp đồng ủy quyền vào buổi tối tại Phòng Công chứng số 5 TP Hà Nội mà chúng tôi không được biết. Nội dung ủy quyền như thế nào, chỉ ký mà không đọc, không được giải thích. Sau đó, chúng tôi cũng không được nhận bất kỳ bản hợp đồng ủy quyền nào từ phòng công chứng cũng như từ bà H. Lúc đó, vì cần được vay tiền nên chúng tôi ký. Sau khi vay tiền, chúng tôi đề nghị bà H. được trả cả gốc và lãi số tiền vay 380.000.000 đồng nhưng bà không đồng ý và lảng tránh suốt”, ông Thi cho hay.

Tá hỏa khi nhận tin nhà bị phát mại

Cho đến ngày 26/12/2016  là ngày gia đình ông Thi và bà Khoái xin được bản photo công chứng các hợp đồng ủy quyền tại các phòng công chứng khác nhau thì mới phát hiện các nội dung hợp đồng không đúng với ý chí của họ. Trước đó, họ nhận được thông báo của cơ quan thi hành án yêu cầu phát mại nhà vì đồng ý cho người khác thế chấp nhà. Kể từ khi nhận được các văn bản của Cục Thi hành án TP Hà Nội, họ liên tục đề nghị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cung cấp tài liệu, thông tin nhưng đều bị từ chối.

Giữa tháng 5 vừa qua, gia đình ông Thi và bà Khoái đã có đơn gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án cho hoãn thi hành án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân trong khi chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết vụ án. Trước đó, họ cũng đã có đơn gửi Chánh án TAND Tối cao đề nghị xem xét tái thẩm quyết định của tòa án về việc phát mại tài sản.

“Ngày 26/12/2016, chúng tôi mới biết bị bà H. lừa đảo, tự ý lấy tài sản của chúng tôi thế chấp ngân hàng vay hơn 3,2 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình cho vay  chúng tôi không hề được biết và không được thông báo từ ngân hàng, các cơ quan liên quan. Nhà chúng tôi được định giá bao nhiêu và được cho vay bao nhiêu chúng tôi không hề biết”, bà Khoái cho hay.

Đến khi ngân hàng khởi kiện ra tòa yêu cầu trả tiền, bà H. tiếp tục lừa hai gia đình ông Thi và bà Khoái ký hợp đồng ủy quyền cho bà L. (được giới thiệu là luật sư của công ty bà H.) để giải quyết trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 gia đình và tham gia phiên tòa. “Và họ đã làm được quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa. Các bên thỏa thuận với nhau bà H. sẽ là người nhận nghĩa vụ trả nợ toàn bộ số tiền, đến ngày 30/6/2011 bà  H. không thể trả nợ thì ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự phát mại tài sản đảm bảo là tài sản của hai gia đình chúng tôi”, ông Thi nói và cho rằng việc ủy quyền thế chấp, ủy quyền tham gia phiên tòa là do mình bị lừa dối. “Chúng tôi thay nhau đi tìm bà H. nhưng không có kết quả. Hiện bà H. đã bán nhà và bỏ trốn, chúng tôi đứng trước nguy cơ mất nhà.

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện gia đình ông Thi và bà Khoái chỉ có tài sản duy nhất là mảnh đất tại địa chỉ trên. Trong khi họ lại không được biết về quá trình thế chấp, cho vay tín dụng tại ngân hàng, không được tòa án triệu tập lấy lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, những người sinh sống tại địa chỉ của các gia đình; như vậy là vi phạm tố tụng dân sự và xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tình ngay nhưng lý gian

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những vụ việc tương tự như trên rất nhiều. Thực tế, hiện nay còn rất nhiều trường hợp người dân chưa ý thức được hậu quả pháp lý về sau. Khi cần tiền thì thông qua môi giới uỷ quyền cầm sổ đỏ, đất đai cho đơn vị thứ 3 để được vay tiền. Sau một thời gian đơn vị thứ 3 không có tiền trả ngân hàng, nên ngân hàng đã đến yêu cầu thu hồi nợ, siết nhà, đất lúc này người dân mới tá hoả kêu oan.

“Dù gì, mình cũng là người đồng ý cho bên thứ 3 đi thế chấp có uỷ quyền, công chứng đủ thủ tục pháp lý trong hợp đồng thế chấp cũng có điều khoản ghi rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên, vì vậy rất khó cho bên đã ủy quyền. Và trên thực tế đã có nhiều trường hợp mất nhà, mất đất vì “bút sa gà chết” mà không biết kêu ai”, Luật sư Thơm cảnh báo.

Theo luật sư, liên quan đến việc thế chấp tài sản, người dân cần phải hiểu rõ hậu quả pháp lý trong việc thế chấp quyền sử đất, sử dụng nhà cho bên thứ 3. Và cần phải xác định nếu trong trường hợp bên thứ 3 không có khả năng trả nợ thì mình phải đứng ra trả nợ thay bằng tài sản thế chấp đó. Vì vậy, việc thế chấp như vậy rất rủi ro. “Chỉ trong trường hợp cần làm rõ việc ngân hàng nhận thế chấp bên thứ 3 không đúng quy định của pháp luật thì hợp đồng thế chấp đó vô hiệu, không có giá trị pháp luật. Và chủ nhà chứng minh được bên thứ 3 được uỷ quyền có dấu hiệu lừa đảo thì hợp đồng thế chấp sẽ bị vô hiệu, không có giá trị pháp luật”, luật sư Thơm nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.