An ninh hình sự

“Mắt thần” vạch trần tội phạm

08/06/2015, 06:13

Nhờ hiệu quả từ mô hình lắp camera phòng chống tội phạm ở quận Gò Vấp, TP HCM nhiều tê nạn giảm rõ rệt.

92
Hình ảnh từ các camera được truyền về cơ quan công an 

Nhờ hiệu quả từ mô hình lắp camera phòng chống tội phạm trên địa bàn, các tuyến đường ở quận Gò Vấp, TP HCM trước đây có nhiều tệ nạn xã hội và mất ANTT giờ đã giảm đi rõ rệt. Cơ quan chức năng đang nghiên cứu để nhân rộng mô hình này.

Dẹp tệ nạn xã hội

Địa bàn phường 12, quận Gò Vấp vốn nổi tiếng là nơi tập trung nhiều khu “đèn đỏ”, dãy nhà trọ phức tạp. Điển hình là hai tuyến đường Tân Sơn, Phan Huy Ích. Mặc dù công an phường đã nhiều lần ra quân nhưng các tệ nạn mại dâm, hút chích, trộm cắp, mất TTATGT vẫn vượt ngoài tầm kiểm soát.

Nhân rộng mô hình

Sau hai năm triển khai, hiện toàn phường 12, quận Gò Vấp đã lắp 246 camera, tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Đặc biệt, các tệ nạn đã chấm dứt 100%. Khu “đèn đỏ” giờ đây đã đóng cửa, chuyển qua hoạt động kinh doanh khác. Đại úy Lã Mạnh Hảo, Phòng Tham mưu Công an quận Gò Vấp cho biết: “Mô hình này đã được toàn quận đem vào áp dụng. Dự kiến trong tháng 7 tới sẽ tổ chức hội nghị sơ kết về tính hiệu quả từ việc lắp camera phòng chống tệ nạn và nghiên cứu nhân rộng”.

Sau thời gian dài nghiên cứu, tháng 8/2013, phường 12 quyết định thử nghiệm lắp đặt camera chống tội phạm tại một đường hẻm và ba khu nhà trọ có tệ nạn phức tạp nhất. Sau một tuần thử nghiệm, tình hình tệ nạn tại các khu vực này giảm đáng kể. Theo quan sát của PV, hệ thống camera được gắn đầu đường đã truyền hình ảnh về trụ sở Công an phường 12. Nhờ đó mà công an phường phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng đang hoạt động tại khu “đèn đỏ”. Đặc biệt, nhiều trường hợp vi phạm ATGT cũng được phát hiện nhờ “mắt thần” này.

Cụ thể, lúc 6h ngày 26/3, camera đã ghi nhận một vụ TNGT giữa hai xe máy tại đường Phan Tư Giản. Sau khi gây tai nạn khiến nạn nhân bị thương nặng, đối tượng gây tai nạn đã bỏ chạy. Dù camera không ghi hình được biển số xe, đặc điểm nhận dạng của người gây tai nạn, tuy nhiên qua hệ thống camera trên các tuyến đường khác, Công an phường đã phát hiện được đường đi của đối tượng. Từ đó, truy lùng ra đối tượng là người cùng địa bàn phường 12. Ngay sau đó, đối tượng được mời lên Công an phường xử lý.

Tương tự, tại địa bàn phường 11, nhờ “mắt thần”, Công an phường đã quan sát được vụ trộm tại shop túi xách số 606 Quang Trung. Sau khi điều tra, đã phát hiện được thủ phạm là người đang sống tại phường 7, quận Gò Vấp.

93

Trên các tuyến đường, con hẻm gắn camera đều ghi rõ “Tuyến đường gắn camera quan sát phòng chống tội phạm”

Người dân hưởng ứng

Có mặt tại phường 12, quận Gò Vấp, địa bàn đầu tiên lắp thí điểm và thành công với mô hình này, khi PV Báo Giao thông hỏi thăm, người dân ai nấy đều hồ hởi. Theo quan sát, trên toàn địa bàn phường 12, chỉ một con hẻm nhỏ đã được trang bị tới bốn camera. Các chủ nhà trọ cũng hưởng ứng, ủng hộ việc lắp camera trong khu trọ. Chị Dương Ngọc Mỹ (khu phố 1, phường 12) chia sẻ: “Trước đây, khu phố thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp, cướp giật. Nhưng từ ngày có camera, tình hình ANTT được đảm bảo hơn hẳn, chúng tôi yên tâm sinh sống. Đặc biệt là các khu nhà trọ, ngày trước phức tạp lắm, không quản lý nổi, bây giờ đã nền nếp hơn nhiều, không còn tình trạng trộm cướp, mất đồ nữa”.

Anh Nguyễn Văn Khỏe, đang buôn bán tại khu phố 6, phường 11 cũng chung niềm vui này: “Hồi trước tiệm hay bị mất vặt lắm, kể từ ngày gắn camera, không tên trộm nào dám mò tới nữa”.

“Không vi phạm quyền riêng tư”

Trao đổi với Báo Giao thông về một số tranh cãi trong việc gắn camera làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dân, Trung tá Lê Thành Hưng, Trưởng Công an phường 12 khẳng định: “Việc này không vi phạm quyền riêng tư. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của người dân và sự hưởng ứng của chủ trọ thì không có vấn đề gì về xâm phạm quyền riêng tư được”, Trung tá Hưng nói. Cũng theo ông Hưng, chính người dân và chủ trọ đã bỏ tiền để mua và lắp đặt camera. Trên các tuyến đường, con hẻm gắn camera đều ghi rõ “Khu vực gắn camera chống tội phạm” để cảnh báo rõ ràng. Toàn bộ hệ thống camera đều được gắn tại các trụ điện, bờ tường, chứ không gắn trong nhà dân. Một số khu nhà trọ hoặc khu vực thường xuyên xảy ra tệ nạn đều được sự đồng ý của người dân mới gắn trước cửa nhà để tiện trong việc quản lý.

Đối với ý kiến cho rằng mô hình này chỉ “phòng chứ không chống”, tội phạm vẫn có thể di chuyển và hoạt động tại những địa điểm khác, Trung tá Hưng bày tỏ quan điểm: “Chẳng hạn như tệ nạn mại dâm. Đây là hoạt động bị cấm, vì vậy cần có cả phòng và chống. Chủ trương của chúng tôi là phòng, nếu xảy ra vi phạm sẽ sử dụng camera để làm bằng chứng. Thấy camera, những người hoạt động loại hình này tự giác sợ và rút đi. Vì vậy, nếu thấy hiệu quả, các phường và quận khác có thể đưa vào áp dụng”.

Luật gia Đặng Đình Đạo, Phó Chánh văn phòng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP HCM - T.Ư Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: “Tại những nơi công cộng, vì mục đích bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng, Nhà nước hoàn toàn có quyền gắn camera để giám sát hoạt động của công dân. Việc làm này nhằm mục đích phát hiện những vi phạm pháp luật, trong đó có việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm. Tuy nhiên, đối với các không gian riêng, những khu vực thuộc sở hữu tư nhân, cơ quan Nhà nước chỉ được gắn camera giám sát khi được sự đồng ý của chủ sở hữu. Do vậy, khi đưa mô hình này vào thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định cụ thể, chi tiết, chặt chẽ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.