An ninh hình sự

Mất tiền tỷ vì mắc lừa công an rởm

07/07/2024, 08:30

Các đối tượng ngang nhiên giả danh cán bộ công an để thực hiện những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Chiêu lừa tinh vi

Một ngày trung tuần tháng 6/2024, ông N.V.T và vợ là bà V.N.P (ở phường Đức Giang, quận Long Biên, TP Hà Nội) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. 

Ở đầu dây bên kia, giọng người đàn ông tỏ vẻ nghiêm trọng, giới thiệu anh ta là cán bộ thuộc cơ quan cảnh sát điều tra, nói rằng vợ chồng ông T cùng người thân bị tình nghi liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy.

Mất tiền tỷ vì mắc lừa công an rởm- Ảnh 1.

Một trường hợp cụ già sau khi được lực lượng chức năng giải thích đã thoát khỏi cú lừa của các đối tượng xấu.

"Họ còn thông báo vợ tôi đang đứng tên một tài khoản ngân hàng và bị nợ với khoản vay hàng chục triệu đồng", bị hại chia sẻ.

Để cho vợ chồng ông T tin tưởng, đối tượng thứ nhất chuyển tiếp cuộc gọi cho người thứ 2 và cũng giới thiệu là cán bộ điều tra. Người này yêu cầu ông T chuyển khoản 3 tỷ đồng để "cơ quan công an kiểm tra xác minh", chứng minh ông cùng bà P không vi phạm pháp luật.

Khi chuyển tiếp cuộc cho đối tượng thứ 3, người này sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn. Đó là dùng ứng dụng Deepfake (giả lập hình ảnh và giọng nói khi thực hiện cuộc gọi video) để nói chuyện, uy hiếp vợ chồng ông T.

Thấy người gọi video mặc trang phục giống công an, ông T cùng vợ tin đó là cán bộ điều tra, nên vô cùng lo lắng. Ngay sau đó, hai vợ chồng dắt nhau ra một chi nhánh ngân hàng ở Long Biên, làm thủ tục rút hơn 3 tỷ đồng tiền tiết kiệm.

Quan sát 2 vị khách trong bộ dạng bất thường yêu cầu chuyển khoản số tiền khá lớn mà không nêu rõ lý do chuyển tiền, một nhân viên giao dịch tại ngân hàng nghi họ bị kẻ gian lừa đảo, lập tức thông báo cho Công an phường Đức Giang hỗ trợ. Nhờ lực lượng chức năng giải thích, vợ chồng ông T đã tỉnh ngộ và hủy giao dịch.

Không may mắn như trường hợp của vợ chồng ông T, cuối tháng 6 vừa qua, bà L.T.H (SN 1969, ở quận Long Biên) hốt hoảng đến trụ sở Công an phường Bồ Đề gửi đơn trình báo về việc bị mất tiền. Bà H kể đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi điện thoại của một đối tượng nam giới tự xưng là cán bộ công an. Anh ta thông báo bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền.

Sau đó, đối tượng yêu cầu bà cho anh ta biết thông tin tài khoản ngân hàng và gửi mã OTP qua điện thoại để "cơ quan công an" xác minh. Như bị "thôi miên", bà H răm rắp làm theo hướng dẫn. Đến khi phát hiện tài khoản bị ai đó rút 1,5 tỷ đồng, nạn nhân đến cơ quan công an trình báo.

Chân tướng những kẻ mạo danh

Đầu tháng 5/2024, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử nhóm bị cáo dùng thủ đoạn gọi điện thoại giả danh công an để đe dọa, uy hiếp 3 phụ nữ lớn tuổi tại Hà Nội chuyển khoản tổng cộng hơn 700 triệu đồng.

Các bị cáo này gồm: Lê Văn Trình (SN 1975, bị phạt 16 năm tù), Nguyễn Đình Quang (SN 1994, lĩnh 14 năm 6 tháng tù) và Đào Viết Điệp (SN 1990, lĩnh 2 năm tù). Họ cùng trú huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Theo bản án, 3 bị cáo nêu trên thay nhau gọi điện thoại giả danh cán bộ công an, thông báo tài khoản của người bị hại liên quan đến các tổ chức phạm tội. Khi nạn nhân lo lắng, chúng đe dọa, yêu cầu bị hại chứng minh họ trong sạch bằng cách chuyển tiền trong tài khoản đến tài khoản mà các đối tượng chỉ định để phục vụ "công tác điều tra". Song thực chất là để chiếm đoạt.

Sau khi nhận được tiền, Trình và đồng phạm chia nhỏ dòng tiền rồi chuyển lòng vòng qua các tài khoản khác nhau. Cuối cùng, các đối tượng đến các trụ ATM để rút tiền mặt và chia nhau.

Lê Văn Trình và 2 đồng phạm chỉ là 3 trong số rất nhiều đối tượng chuyên giả mạo công an, gọi điện lừa người dân để chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua.

Những ai dễ bị lừa?

Theo đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), thời gian qua, đơn vị này tiếp nhận rất nhiều trình báo về việc một số người gọi điện thoại giới thiệu là cán bộ công an yêu cầu người dân cung cấp thông tin về căn cước, tài khoản ngân hàng... để xác minh liên quan đến các vụ án không có thật.

Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng công nghệ Deepfake để thực hiện các cuộc gọi video với hình ảnh, khuôn mặt giả lập bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). "Deepfake đang là mối đe dọa bởi các đối tượng sử dụng AI để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả mạo, thậm chí sao chép chân dung rồi thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến", đại diện đơn vị phân tích.

Để nhận diện kẻ giả mạo, cơ quan chức năng chỉ ra một số kỹ năng để người dân không bị mất mát tài sản. Theo đó, khi nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, người dân trước tiên cần liên lạc trực tiếp với người đòi chuyển tiền đó xem có đúng là họ không.

Ngoài ra, Bộ Công an khẳng định các đơn vị khi làm việc với công dân đều yêu cầu làm việc trực tiếp, tại trụ sở công an và không bao giờ làm việc qua điện thoại.

Còn theo chuyên gia tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu, nhiều đối tượng phạm tội chọn cách giả danh công an nhằm dễ tạo được lòng tin từ phía người dân, qua đó chúng có thể chiếm đoạt được tài sản.

"Tại Hà Nội, mới đây có 2 người dân trình báo bị lừa 18 tỷ đồng và 15 tỷ đồng sau khi họ nhận được cuộc gọi điện thoại của kẻ giả danh cán bộ công an", ông Hiếu thông tin.

Theo ông Hiếu, thông thường các đối tượng dùng thủ đoạn giả mạo cơ quan công an nói rằng bị hại hoặc người nhà vô tình liên quan đến đường dây tội phạm như ma túy, rửa tiền… Từ đó, chúng thao túng tâm lý khiến các nạn nhân từng bước chuyển tiền. Thủ đoạn này các đối tượng chủ yếu nhằm vào những người cao tuổi, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc những người ít tiếp xúc, theo dõi thời sự.

Để tránh bị lừa tiền, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu khuyến cáo người dân không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, tài khoản/mật khẩu/OTP cho người khác; đặc biệt không truy cập vào các đường link mà người lạ gửi. Bên cạnh đó, mọi người cần chủ động tăng cường bảo mật các thông tin quan trọng như thẻ căn cước, tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, số điện thoại hay địa chỉ cư trú…

Đặc biệt, khi nghe các cuộc gọi bất thường hoặc nhận được tin nhắn, đường link mà nghi ngờ là hoạt động lừa đảo, người dân không làm theo hướng dẫn, trình báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.