Quân sự

Máy bay siêu âm Đài Loan gặp nạn,phi công 9X tử vong khi nhảy dù xuống biển

30/10/2020, 10:00

Phi công trẻ Chu Kuan-meng đã cố gắng điều khiển chiếc máy bay tránh xa khu vực dân cư để hạn chế thương vong.

img
Máy bay F-5E của Đài Loan.

Truyền thông Đài Loan ngày 29/10 cho hay, một phi công của Lực lượng Không quân của hòn đảo đã mất mạng sau khi chiếc máy bay chiến đấu F-5 của anh ta bị rơi không rõ lý do ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan vào sáng thứ Năm (29/10).

Theo thông cáo báo chí của Cơ quan Quốc phòng Đài Loan (MND), lực lượng kiểm soát mặt đất đã mất liên lạc với một máy bay chiến đấu F-5E khi nó đang bay huấn luyện ngoài khơi ở Đài Đông.

Quân đội Đài Loan cho biết phi công đã phóng thành công khỏi máy bay phản lực trước khi va chạm và nhanh chóng được lực lượng cứu hộ tiếp cận.

Tuy nhiên, phi công, được xác định là Chu Kuan-meng, đã ở trạng thái ngừng tim trước khi được đưa đến cơ sở cấp cứu (OHCA) và được đưa đến bệnh viện Mackay Memorial để điều trị.

img
Hình ảnh Chu Kuan-meng khi nhảy dù xuống biển.

Tuy nhiên, các bác sĩ đã không thể hồi sức cho Chu Kuan-meng và anh chính thức được tuyên bố qua đời lúc 9:27 sáng, CNA đưa tin.

Quân đội Đài Loan cho biết khi Chu Kuan-meng nhận thấy có vấn đề nghiêm trọng với máy bay của mình, anh đã cố gắng hết sức để điều khiển máy bay ra khỏi khu dân cư gần đó để tránh thương vong cho dân thường.

Theo quân đội Đài Loan, Chu Kuan-meng sinh năm 1991, tốt nghiệp khóa 2013 Học viện Không quân Đài Loan, đã tích lũy được 700 giờ bay.

F-5E là sản phẩm máy bay chiến đấu liên doanh vào năm 1973 giữa Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Đài Loan (AIDC) và Tập đoàn Northrop. Tổng cộng đã có 242 chiếc F-5 được trang bị hai động cơ J58-GE-21A, được sản xuất.

img
Phi công Đài Loan thiệt mạng Chu Kuan-meng.

Chiếc máy bay đầu tiên được chuyển giao cho Không quân Đài Loan vào năm 1974, và chiếc máy bay này vẫn đang được sử dụng để huấn luyện cho đến ngày nay.

Chu là cũng là tay guitar của ban nhạc rock có tên "Tiger Band", nơi hội tụ các phi công đồng nghiệp của anh tại căn cứ không quân Zhi-Hang ở Đài Đông.

Chu Kuan-meng đã sáng tác bài hát "Blue Sky" cho nhóm "Tiger Band", theo thông tin từ một cuộc phỏng vấn với Cơ quan thông tấn quân đội Đài Loan thực hiện vào tháng 4 năm nay.

img
Máy bay siêu âm F-5E của Không quân Đài Loan.

Chu Kuan-meng ra đi để lại cha mẹ, vợ và một cô con gái mới vừa tròn một tuổi.

img
Máy bay F-5 phiên bản một chỗ ngồi.

F-5 là một loại tiêm kích siêu âm hạng nhẹ hai động cơ được sử dụng rộng rãi, do hãng Northrop tại Hoa Kỳ thiết kế và chế tạo bắt đầu vào thập kỷ 1960.

Hàng trăm chiếc F-5 vẫn đang hoạt động trong biên chế một số lực lượng không quân trên thế giới đầu thế kỷ XXI, và F-5 cũng được dùng làm mẫu cho một số thiết kế máy bay khác.

Dự án F-5 bắt đầu trong một chương trình máy bay tiêm kích hạng nhẹ do hãng Northrop đầu tư vào thập kỷ 1950. Thế hệ đầu tiên là F-5A Freedom Fighter, bắt đầu hoạt động vào thập kỷ 1960.

Trên 800 chiếc đã được chế tạo cho đến năm 1972 tại các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù Không quân Hoa Kỳ không có nhu cầu đối với một máy bay tiêm kích hạng nhẹ, nhưng F-5 vẫn được sử dụng trong vai trò huấn luyện và khoảng 1.200 chiếc T-38 Talon được phát triển từ khung của F-5 đã được chế tạo cho vai trò huấn luyện.

Thế hệ thứ hai F-5E Tiger II được cải tiến cũng được sử dụng chính trong các nước đồng minh của Mỹ nhưng với số lượng giới hạn, những chiếc F-5E hoạt động trong hàng không quân sự Mỹ với nhiệm vụ làm máy bay huấn luyện và đóng giả làm máy bay đối phương.

F-5E Tiger II đã được chế tạo trên 1.400 chiếc mọi phiên bản, việc sản xuất kết thúc vào năm 1987. Rất nhiêu chiếc F-5 khác hiện vẫn đang tiếp tục hoạt động trong thập kỷ 1990 và 2000, sau khi trải qua rất nhiều chương trình nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu trong môi trường chiến đấu luôn thay đổi. F-5 cũng được phát triển thành một phiên bản trinh sát chuyên dụng có tên RF-5 Tigereye.

Mỗi chiếc F-5E có chi phí chế tạo khoảng 2,1 triệu USD (tính theo thời giá đầu thập niên 1970).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.