Thông tin doanh nghiệp

MB bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp cao

15/03/2022, 16:44

Ông Nguyễn Xuân Học vừa được bổ nhiệm làm thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin Tập đoàn - Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)

Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quân Đội (MB) vừa ban hành quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Học (SN1980) làm Thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Công nghệ thông tin tập đoàn - Ngân hàng MB. Quyết định có hiệu lực từ 14/3/2022.

img

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)

Về kết quả kinh doanh của MB, kết thúc năm 2021, quy mô tổng tài sản của ngân hàng và các công ty con (MB Group) đạt 607.000 tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2020, lợi nhuận hợp nhất ở mức 16.527 tỷ đồng.

Với kết quả này, MB nằm trong nhóm ngân hàng thương mại top đầu về các chỉ số hiệu quả, chất lượng hoạt động. Chỉ số ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) hợp nhất của ngân hàng lần lượt đạt 2,4% và 23,49%.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất duy trì ở mức thấp, chỉ 0,9%, riêng ngân hàng là 0,68%. Quỹ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng MB gần 400%, hợp nhất gần 268% (gần 300%), là 1 trong 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành.

Các giới hạn an toàn được đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, riêng hệ số an toàn vốn CAR ở mức 11%. CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng trưởng ấn tượng, dẫn đầu thị trường, tỷ lệ tăng từ 41% lên 49%, quy mô CASA đạt gần 190.000 tỷ đồng.

Theo công bố của MB, các công ty thành viên của tập đoàn cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao năm 2021, với tổng doanh thu của 6 công ty thành viên ước đạt 18.221 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng kỳ, hoàn thành 104,3% kế hoạch.

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về MB, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, MB duy trì đà tăng trưởng tốt 2 tháng đầu năm 2022 với tín dụng tăng 6% và lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 3.500 tỷ đồng.

MB hiện có một số kịch bản cho 2022, dựa trên các mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Với kịch bản cơ sở là tăng trưởng tín dụng và huy động đạt lần lượt ở mức 15% và 6,8%, lợi nhuận trước thuế MB có thể tăng 20% lên 19.800 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE (lợi nhuận/vốn sở hữu) 23% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, CIR (chi phí/thu nhập) duy trì thấp hơn 29% đối với ngân hàng mẹ, số lượng khách hàng cá nhân là 13-14 triệu khách.

Tuy vậy, theo ước tính của SSI, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của MB sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD), nhờ tăng trưởng tín dụng cao và áp lực chi phí dự phòng giảm mạnh.

Theo SSI, vị thế vốn của MB trong năm 2021 giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2022. Nếu kinh tế phục hồi, ước tính tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống nói chung và MB nói riêng sẽ tăng so với năm 2021.

Cũng theo báo cáo của SSI, NIM (biên lãi ròng) của MB khá ổn định ở mức 5,1%; CASA (tiền gửi không kỳ hạn) trung bình cả năm sẽ ở quanh mức 42% - 44%; ROE có thể đạt 26,3%, tương đương mức cao thứ 2 toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.