Ngày 16/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan.
Hội đồng xét xử dành nhiều thời gian thẩm vấn người liên quan để làm rõ tổng số tiền hơn 410 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm đứng tên bà Đàm Thị Trinh (mẹ ruột của Chủ tịch Công ty Việt Á Phan Quốc Việt).
Theo nội dung kháng cáo, bà Trinh đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy lệnh kê biên 52 sổ tiết kiệm đứng tên mình. Bà này lý giải, trong giai đoạn từ năm 2008 - 2018, bà cho con trai vay tiền và vàng để duy trì hoạt động kinh doanh.
Về nguồn gốc số tiền, bà Trinh khai đó là tài sản tiết kiệm, dành dụm sau nhiều năm kinh doanh và vay mượn thêm một số người, có trường hợp có giấy vay tiền hoặc lập vi bằng. Ngoài ra, bà còn được gia đình cho 1.000 cây vàng làm của hồi môn. Sau đó, bà sử dụng để cho Phan Quốc Việt vay.
Đến tháng 10/2021, Phan Quốc Việt chuyển lại cho bà Trinh 450 tỷ đồng. Với số tiền này, bà dùng một phần để trả nợ, còn lại mang đi gửi ngân hàng thông qua 52 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 400 tỷ đồng.
Bổ sung cho bà Trinh, luật sư của gia đình Phan Quốc Việt đã xuất trình các tài liệu chứng minh cho những gì bà Trinh trình bày ở trên. Qua xem xét, hội đồng xét xử nhận thấy giấy tờ do luật sư và bà Trinh cung cấp được lập từ một phía, nên tòa sẽ xem xét về giá trị pháp lý.
Khi thẩm vấn bị cáo và người liên quan, hội đồng xét xử cũng giải thích theo bản án sơ thẩm, số tiền mà Phan Quốc Việt chuyển cho bà Trinh có nguồn gốc do thu lời bất chính qua việc tiêu thụ kit test Covid-19, do đó tòa sơ thẩm tuyên cần thu hồi.
Bên cạnh đó, chủ tọa khẳng định, việc bà Trinh cho con trai vay tiền là quan hệ khác. Bà cho Phan Quốc Việt mượn 400 tỷ hay 1.000 tỷ thì bà đòi nợ con trai sau.
Đáp lại, bà Trinh khai bản thân không biết số tiền đó có phải tài sản bất hợp pháp hay không, chỉ biết rằng bà cho con trai vay nên Việt chuyển tiền là để trả nợ.
“Tôi không liên quan đến hành vi phạm tội của Việt, đề nghị tòa tuyên hủy kê biên 52 sổ tiết kiệm. Tôi cũng mong được trả lại số tiền này để trả nợ vì vợ chồng tôi đều đã già”, bà Trinh trình bày.
Trong khi đó, Phan Quốc Việt thừa nhận đã vay tiền của bà Trinh, sau đó Việt 2 lần chuyển tiền để trả nợ trong năm 2021. Theo lời khai của Việt, Công ty Việt Á có nhiều nguồn thu, trong đó gồm cả tiền bán kit test xét nghiệm.
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử về lý do vay tiền từ năm 2008 nhưng đến năm 2021 mới trả, Phan Quốc Việt phân trần, bị cáo đầu tư nhiều dự án lớn nên tiền đều nằm trong các dự án, không thể rút ra. Mãi đến năm 2021, Việt mới có khoản thu từ việc bán kit test và trang thiết bị y tế rồi trả nợ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Việt) cũng nêu nội dung kháng cáo về việc đề nghị hủy kê biên 2 sổ tiết kiệm có tổng trị giá 20 tỷ đồng đứng tên con trai của họ.
Theo chị Thủy, khoản tiền trong 2 sổ tiết kiệm này có được sau quá trình vợ chồng chị kinh doanh và để dành. Hồi tháng 9/2021, Phan Quốc Việt chuyển cho vợ 20 tỷ đồng, sau đó chị Thủy gửi vào ngân hàng thông qua các sổ tiết kiệm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận