Bất động sản

Mê Linh, Hà Nội: Nhiều lô đất phải đấu giá lại vì nhà đầu tư "chạy làng"

08/10/2021, 18:25

14/21 lô đất tại Mê Linh, Hà Nội phải đấu giá lại do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

14/21 thửa phải đấu giá lại

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh xác nhận, một số nhà đầu tư sau khi trúng đấu giá đất đã không nộp tiền và phải huỷ kết quả đấu giá. Những lô đất này sẽ tổ chức đấu giá lại theo quy định.

Cũng theo vị đại diện, giá đất trên địa bàn huyện Mê Linh dao động từ 5 triệu - 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi hỏi về giá đất mà các nhà đầu tư trên đã trúng thì vị này từ chối với lý do không nắm được.

img

Hạ tầng khu đất đấu giá thôn Phú Mỹ xã Tự Lập

Trước đó, Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 Quốc gia phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng 21 thửa đất thuộc thị trấn Quang Minh, xã Tự Lập và xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Trong đó, có 14 thửa đất được bán đấu giá lại do người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá.

Cụ thể, 7 thửa đất tại điểm X5, X6, tổ dân phố số 10 (nay sáp nhập vào Tổ dân phố số 9), thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đất có diện tích từ 101,2 - 118,5m2. Giá khởi điểm từ 10 - 16 triệu đồng/m2; 7 thửa đất tại thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội có diện tích từ 75 - 108m2 được bán đấu giá với giá khởi điểm 10 triệu đồng/m2.

Đáng nói, tình trạng tương tự đang "rộ" lên ở nhiều địa phương khác. Đơn cử như: 35 lô đất tại huyện Quảng Xương, 46 lô đất tại Thọ Xuân của tỉnh Thanh Hoá; 29 lô đất tại Lạng Giang, Bắc Giang...

Cần rút ngắn thời gian đóng tiền và nâng tiền ký quỹ

Ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, việc hủy kết quả trúng đấu giá QSDĐ nói trên là do hết thời gian theo quy định của pháp luật. Kể từ khi trúng đấu giá đến khi hết hạn nộp tiền mà người trúng đấu giá không nộp, hoặc nộp không đủ số tiền trúng đấu giá, bắt buộc UBND huyện phải có thông báo hủy kết quả trúng đấu giá.

Theo ông Dự, nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ gây lãng phí nguồn lực chung của xã hội và ảnh hưởng tới kế hoạch ngân sách, phát triển của địa phương đã đề ra trước đó.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Khắc Tiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nghị định 126 của Chính phủ quy định, chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo; chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng việc dễ dàng tham gia đấu giá và thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính dài để tranh thủ “lướt sóng”, chờ bán qua tay kiếm lời, làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch ngân sách địa phương.

Vị luật sư cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan quản lý nhà nước cần bám sát tình hình thực tế, có các biện pháp như hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, nội quy đấu giá, nâng giá trị phần trăm đặt cọc và rút ngắn thời gian nộp tiền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.