Ẩm thực

Mê mẩn bánh mì cay Hải Phòng

18/02/2017, 20:05
image

Bánh mì cay Hải Phòng có nguồn gốc từ một quán nhỏ ở ngõ Khánh Lạp trên đường Hàng Kênh từ những năm 80.

banh mi cay Hai Phong chi có mot thu nhan duy nhat

Bánh mỳ cay Hải Phòng chỉ có một thứ nhân duy nhất là patê.

Đó là những chiếc bánh mì chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, phần nhân là một lớp patê, tương ớt. Là một phần tuổi thơ của những người dân Hải Phòng, món ăn giản dị, rẻ tiền đều khiến những người phương xa tới mê mẩn.

Được biết, bánh mì cay Hải Phòng có nguồn gốc từ một quán nhỏ ở ngõ Khánh Lạp trên đường Hàng Kênh từ những năm 80. Trải qua mấy chục năm, bánh được bán phổ biến khắp các ngõ phố thành phố Cảng và lan rộng ra nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội với tên gọi gắn liền địa danh thân thương: “Bánh mì Hải Phòng”. Còn khi về thành phố Cảng, dân bản địa sẽ dẫn bạn đi ăn bánh mì cay nức tiếng ở Hàng Kênh, ở Cát Cụt, ngõ chợ Cột Đèn... và bạn sẽ hiểu vì sao chiếc bánh nhỏ xíu với duy nhất một món nhân “nghèo nàn” lại khiến người ta yêu thích thế.

Theo người bán bánh mì thâm niên hơn 20 năm ở tiệm bánh ngõ chợ Cột Đèn, để có patê ngon, phải chọn loại gan và thịt lợn tươi. Thịt lợn đem luộc và xay nhuyễn cùng gan rồi được hấp cách thủy khoảng 4 - 6 tiếng đồng hồ. Khi khách tới, người bán hàng thoăn thoắt xẻ dọc chiếc bánh bé xíu bằng hai ngón tay, quết vào ruột một lớp patê có dắt chút mỡ trắng mềm mịn.

Ai từng ăn bánh mì Hải Phòng đều nhận ra rằng bánh mì nơi đây chỉ có duy nhất nhân patê bên trong chứ không có thêm bất cứ nguyên liệu nào khác như: Xúc xích, chả, giò cũng như các loại rau, dưa góp như bánh mì ở nhiều nơi. Ngoài chút nhân là patê, người bán còn tra một chút tương ớt mà ở Hải Phòng người ta vẫn gọi là chí chương. Cái tên “chí chương” nghe vui tai được cho rằng, do những người gốc Hoa sống ở Hải Phòng truyền lại; được làm từ ớt, cà chua tươi bỏ hạt, tỏi băm nhuyễn và được gia giảm theo công thức gia truyền. “Ăn bánh mì Hải Phòng mà không kèm chí chương thì mất đi nửa độ ngon”, những người bạn ở đây bảo tôi như vậy. Bánh sau khi tra nhân, được nướng bằng bếp than, giòn và nóng hổi. Patê cùng lớp mỡ mềm mịn tan ra, tạo thành một mùi thơm rất quyến rũ cùng chút chí chương cay nồng với màu đỏ tươi bắt mắt.

Khách đến mua bánh nườm nượp, học sinh, sinh viên, người lớn, trẻ nhỏ. Người gọi vài ba cái ăn tại chỗ, người gọi hàng chục chiếc gói kèm chí chương mang về nhà. Những người ở xa như tôi cũng mang món quà đường phố thân thương ấy về sau lời dặn của người bán có thể bảo quản trong tủ lạnh và cho vào lò vi sóng hay áp chảo tới khi vỏ bánh giòn, có mùi thơm là dùng được.

Bánh mì cay chỉ vài nghìn, giá “mềm” như patê béo ngậy đang tan chảy trong miệng; mộc mạc, bình dị nhưng đã trở thành nét đặc trưng của ẩm thực đường phố Hải Phòng. Nếu bạn được thưởng thức bánh mì cay bên bếp than rực lửa hồng một ngày đông, bạn có lẽ cũng sẽ như tôi, mê mẩn những chiếc bánh nhỏ xíu thân thương ấy...

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.