Chất lượng sống

“Mẹ muốn nghe nhịp đập trái tim Hải An thêm lần nữa”

27/02/2018, 07:29

“Nếu không vướng luật giới hạn độ tuổi được hiến tạng, bé Hải An còn di nguyện được hiến toàn bộ nội tạng".

16

Bạn bè, người thân Hải An tới đưa tiễn “thiên thần nhỏ” về cõi vĩnh hằng

Tháng ngày kiên cường chiến đấu với u não

Lần giở từng tấm ảnh của con gái nhỏ Hải An, đôi tay người mẹ khẽ run lên. Miệng nở nụ cười nhưng đôi mắt chị ngấn lệ. “Mẹ thương và nhớ con gái quá”, chị Nguyễn Trần Thùy Dương (mẹ bé Hải An) khe khẽ buông lời.

Thước phim về chuỗi ngày hai mẹ con bên nhau kiên cường cùng chiến đấu với căn bệnh u não của bé Hải An cứ chầm chậm trôi, hiện hữu như mới ngày hôm qua. Túc trực bên con trong suốt những ngày nằm viện, chị Thùy Dương tâm sự: “Cứ hai tiếng lại lay con dậy một lần, vì sợ con sẽ mãi lịm đi trong giấc ngủ. Thời gian khi con chưa hôn mê, sự xâm lấn của các tế bào ung thư khiến con đau đớn. Thế nhưng, cứ mỗi lần vậy, con bé lại hé đôi môi xinh xinh bảo “mẹ ơi, con chịu đựng được”, hay thi thoảng con bé vẫn nói “mẹ cố gắng lên nhé”. Những lời thủ thỉ đó không cho phép tôi gục ngã”, chị Dương tâm sự.

Sáng ngày 26/2, chị Nguyễn Trần Thùy Dương đã chính thức đăng ký hiến tạng và hiến xác cho y học sau khi mình nằm xuống. Chị Dương chia sẻ: “Chính An đã truyền sức mạnh và lời hứa “mẹ con mình cùng làm”. Em muốn thực hiện hết di nguyện để con được vui ở một chân trời khác”.

Theo lời chị Dương, bắt đầu từ nốt ruồi trên cơ thể của bé An, chị theo dõi và nhận thấy ngày một tăng kích thước và sắc màu sậm dần. Một dấu hiệu mà một người làm trong ngành Y như chị hiểu rằng đó là điều bất ổn. Khi Hải An 5 tuổi, chị Dương cho con đi tầm soát ung thư và kết quả chỉ số báo hiệu ung thư có tăng. Tiếp đó là chuỗi ngày gia đình đưa Hải An đi thăm khám, để xác định bệnh. Đến khi các dấu hiệu thể hiện rõ, tháng 9/2017, An bắt đầu liệt dây thần kinh số 6 rồi lần lượt đến dây số 7… gia đình chính thức nhận kết quả con bị u não. Các bác sĩ đều lắc đầu không thể can thiệp mổ vì u nằm ở vị trí rất nguy hiểm, nên An được gợi ý điều trị xạ trị.

Tuy nhiên, rất nhanh, đến đầu tháng 1/2018, bé An buộc phải nhập viện tiến hành cuộc phẫu thuật dẫn lưu, rồi chuyển xuống điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện K T.Ư. “Lúc này, mình những tưởng con bé sẽ sớm khỏe có thể được can thiệp xạ trị, không ngờ, những dấu hiệu xấu nhất của căn bệnh u não xuất hiện”, chị Dương chia sẻ.

TS. Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K T.Ư, người trực tiếp điều trị cho An cho biết, khi đến viện vào cuối năm ngoái, tình trạng của cháu đã nặng, đau đầu nhiều, liệt nửa người, liệt nhiều dây thần kinh sọ, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ) ăn qua xông, thở oxy... Kết quả xét nghiệm cho thấy bé mắc u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm ở trẻ em, điều trị vô cùng khó khăn.

“Tôi đã hội chẩn với các thầy thuốc là những chuyên gia đầu ngành bên Mỹ nhưng họ nói vũ khí điều trị duy nhất với trường hợp của cháu là xạ trị. Nhưng do u quá to, gây biến chứng phù não, gây liệt nên rất khó. Do không thể xạ được, các bác sĩ hàng ngày chăm sóc giảm nhẹ cho bé bằng giảm đau, thở oxy, truyền dịch, truyền đạm, truyền thuốc bổ, nuôi ăn đường tĩnh mạch...”, BS. Hương chia sẻ.

Di nguyện của thiên thần

Chị Dương chia sẻ, quyết định hiến tạng sau khi bé An ra đi được sự đồng tình và là di nguyện của con. Chị chỉ là người thực hiện di nguyện đó để An thanh thản tung đôi cánh thiên thần bay về chốn thiên đường. Chị Dương bảo, từ bé, An luôn được mẹ cho đi đến lớp học y của mẹ. Khi bắt đầu hiểu chuyện và xem được một đoạn clip hình ảnh bác sĩ cúi đầu chào các thai nhi, bé An đã từng hỏi mẹ: “Vì sao các bác sĩ lại cúi chào các em bé?”. Chị Dương đã giảng cho con nghe, đó là vì các em bé đã hiến mình cho khoa học y học. Đây cũng chính là các thai nhi bị sẩy và được các bà mẹ chấp nhận hiến cho nghiên cứu khoa học. Và còn nhiều người khác cũng sẵn sàng hiến đi một phần cơ thể để cứu người. Cũng từ đó, bé Hải An cũng thấm nhuần tư tưởng về nghĩa cử cao đẹp, hiến nội tạng để tiếp tục sống lại lần nữa.

Cũng trong thời gian con nằm viện, chứng kiến những bạn nhỏ khác buộc phải cưa tay, chân, khoét nhãn cầu do bệnh tật, chị Dương quyết định hiến mô tạng của con. Vào những phút cuối của An, chị Dương đã gọi cho Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng Quốc gia với chia sẻ được hiến tạng của bé An. “Em chỉ muốn nghe tim con mình được đập một lần nữa trên cơ thể một bé khác. Thế nhưng điều mong mỏi này không được thực hiện vì luật đã quy định chỉ nhận tạng hiến từ người đủ 18 tuổi”, chị Dương chia sẻ.

“Mẹ xin lỗi con vì di nguyện của con không thành hiện thực, chỉ có thể hiến được giác mạc. Con hãy tặng lại đôi mắt, ánh sáng cho các bạn khác”, lời cuối chị Dương rủ rỉ bên tai cô con gái nhỏ Hải An.

Trong suốt cuộc chuyện trò, mỗi lần nhắc về cô con gái nhỏ, đôi môi chị lại khẽ mỉm cười, tự hào. Nhưng giọt nước mắt chị đã trào ra khi chị chia sẻ: “Có người đã bình luận ác ý cho rằng tôi tự đánh bóng mình khi quyết định chấp nhận hiến đôi giác mạc của con gái nhỏ Hải An. Nhưng tôi tin rằng mình đã làm đúng di nguyện của con và con cũng sẽ tự hào và vui vẻ vì những điều tôi đã thực hiện”.

Những ngày này, khi hậu sự của An đã được chu toàn, chị Dương nhận được rất nhiều câu hỏi về việc hiến tạng. Đã có bệnh nhi gọi cho Dương bày tỏ: “Cô ơi, con mắc ung thư, nhưng muốn làm mẹ con bất ngờ, con muốn mẹ được nghe tim con đập lần nữa. Vì vậy con mong được như em An, được hiến một phần cơ thể, nguyện vọng của con có được chấp nhận không cô?”

Chị Thùy Dương cho hay: “Thông qua chuyện Hải An, tôi mong muốn bộ luật về hiến, ghép tạng được sửa đổi, trên cơ sở chấp nhận việc đăng ký hiến tạng của các em nhỏ, để các con có quyền được hiến tạng cứu giúp người khác. Đó là hành động rất nhân văn”.

Chiều 26/2, hai bệnh nhân đã được ghép giác mạc từ giác mạc hiến của bé Hải An tại Bệnh viện Mắt TƯ. Cả 2 ca ghép đều diễn ra thành công.TS BS. Lê Xuân Cung, Phó trưởng khoa Kết giác mạc, BV Mắt TƯ cho biết 2 người may mắn nhận được giác mạc là 1 bệnh nhân 42 tuổi mắc bệnh loạn dưỡng giác di truyền và 1 bệnh nhân trên 70 tuổi bị bệnh sẹo đục giác mạc. Hai bệnh nhân được ghép có thể nhìn sáng hơn và dần dần, khoảng 1 tháng sau sẽ nhìn rõ như người bình thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.