Bạn cần biết

Mẹ quên tiêm phòng, trẻ ho gà ồ ạt nhập viện

16/03/2017, 13:13

Tiêm phòng vaccine ho gà được coi là phương pháp hữu hiệu nhất trong phòng bệnh.

24

Triệu chứng của ho gà dễ lẫn với các bệnh hô hấp khác nên cần đưa trẻ đến bệnh viện để phát hiện bệnh sớm.

Trẻ sơ sinh mắc ho gà, tỉ lệ tử vong đến 90%

Ngày 12/3, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại BV Nhi T.Ư, Phòng cấp cứu nơi đây đang có 6 bệnh nhi ho gà được điều trị. Hầu hết, các bệnh nhi đều phải dùng máy thở. Chị Nguyễn Thị O. (Thạch Thất, Hà Nội) mẹ của bệnh nhi Trịnh Thành N. mới 1 tháng tuổi rơm rớm nước mắt cho biết: “Ở nhà cháu ho, trớ nhiều, gia đình cứ ngỡ do sặc sữa và thời tiết thất thường nên cứ để ở nhà theo dõi. Đến khi con ho từng cơn không dứt, mới đưa vào viện, lúc đầu con được điều trị bên hô hấp, sau mới phát hiện chính xác mắc ho gà. Đêm qua cháu đã ngừng thở hai lần”. Chị O. nói chưa dứt câu thì con chị lại lên cơn ho sặc sụa, chiếc máy thở dường như bất lực, cả phòng lại nháo nhào gọi bác sĩ cấp cứu.

Cũng có con nằm điều trị tại đây, chị Trần Thu T. (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: “Cháu bị sinh non nên thể trạng rất yếu, khi cháu bị ho gia đình cũng chỉ nghĩ là bị hô hấp bình thường. Tự điều trị 10 ngày rồi nhưng con ho không dứt, sau mỗi lần ho, con tím tái cả người. Hoảng quá mới đưa con lên thẳng Viện Nhi. Các bác sĩ chẩn đoán con đã viêm phổi nặng, phải điều trị tích cực”.

Nằm giường bên cạnh, bé Ngọc V. (5 tháng tuổi) nằm li bì. Chị Nguyện Thị A. (Hồng Kì, Sóc Sơn), mẹ bé V. cho biết: “Khi thấy con bị ho, gia đình tôi đã đưa cháu lên bệnh viện huyện để khám, đi đi lại lại ba lần, bác sĩ chỉ bảo là viêm phổi và cho thuốc về uống. Ai ngờ, con ho ngày càng nặng hơn, khi đưa lên đây, các bác sĩ đã bảo cháu bị chớm viêm não, biến chứng của ho gà rồi”.

Theo BS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, chỉ trong hai tháng đầu năm 2017, tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 50 trẻ mắc bệnh ho gà có biến chứng nặng, trong đó có 5 ca tử vong. Đa phần trẻ đến viện khi đã ở giai đoạn nặng do trước đó điều trị nhầm với những bệnh khác. Lý giải điều này, BS. Lâm cho biết, triệu chứng của ho gà dễ lẫn với các bệnh hô hấp khác như: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên… cùng với thời gian ủ bệnh dài nên càng khó nhận biết sớm. Trong khi đó, đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao, diễn tiến bệnh nặng rất nhanh, nhất là đối với trẻ dưới 1 tuổi. Nếu không được điều trị kịp thời, ho gà dễ gây nên các biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi nặng, viêm não, xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải… Thậm chí, ở trẻ sơ sinh tỉ lệ tử vong có thể lên đến 90%.

Nhiều trẻ mắc khi chưa đến tuổi được tiêm phòng

Đó là nhận định của BS. Nguyễn Văn Lâm với số bệnh nhi nhập viện điều trị ho gà trong thời gian qua. Cùng quan điểm, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho hay, hai tháng đầu năm, toàn quốc số trẻ mắc ho gà tăng nhanh; Trong đó, 80% số ca mắc ho gà là ở miền Bắc, chủ yếu trẻ dưới 3 tháng tuổi. Đây là độ tuổi trẻ chưa đến lịch tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh ho gà (lịch tiêm vaccine có phòng bệnh ho gà ở trẻ gồm 3 mũi tiêm, khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi), do vậy, bản thân trẻ không có miễn dịch, hoặc không nhận được miễn dịch từ cơ thể mẹ nên dễ nhiễm bệnh. “Nguyên nhân chính gây bệnh là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis. Đồng thời, miền Bắc đang trong thời tiết ẩm ướt, lạnh, rất lý tưởng để vi khuẩn này phát triển”, ông Phu cho biết.

Theo BS. Lâm, giải pháp phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất chính là tiêm phòng vaccine ho gà. Chính vì vậy, chị em khi mang thai nên tiêm phòng vaccine ho gà để tạo hệ miễn dịch bệnh cho con từ ngay khi lọt lòng mẹ. Hiện, vaccine Adacel (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm chung cho người lớn (từ 6-64 tuổi). Vaccine này cũng có thể tiêm cho phụ nữ mang thai. “Để phòng bệnh ở trẻ nhỏ, hiện, Bộ Y tế đang giao một số đơn vị như: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Cục Quản lý dược… nghiên cứu để vận động đối tượng phụ nữ mang thai tiêm vaccine Adacel với hình thức dịch vụ, giá khoảng hơn 600 nghìn đồng/liều”, ông Phu nói.

Theo khuyến cáo của BS. Lâm, trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà thì việc phát hiện sớm bệnh là điều quan trọng nhằm tránh những biến chứng đáng tiếc cho trẻ. Bệnh ho gà thường có diễn biến khởi đầu, bệnh nhi ho kéo dài 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà khó do triệu chứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường, do vậy cần cho trẻ đến cơ sở uy tín khám để loại trừ. Khi bệnh tiếp diễn từ 1-2 tuần kế tiếp, sẽ thấy bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa khó kìm hãm, thở rít như tiếng gà gáy. Sau những cơn ho, trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở. Nếu để lâu dần gây suy hô hấp, bệnh thường diễn biến nặng, dễ gây tử vong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.