Chuyện dọc đường

Mẹ sẽ sớm về khi dịch bệnh tan

Ngày BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư sớm quyết định phải cách ly y tế khi phát hiện ra ổ dịch, cũng là ngày tôi nhận lệnh tăng cường “chiến đấu” tại đây.

img

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Kim Chung đang thực hiện cách ly

Không một phút chần chừ, vì tôi hiểu, với những ai đã chọn ngành y là luôn xác định sẵn sàng phải đối mặt với dịch bệnh. Vậy là mái ấm nhỏ với con thơ bỏ lại sau lưng với lời dặn dò vội vã “mẹ sẽ sớm về khi dịch bệnh tan”.

Những ngày qua quả là những ngày thật nhiều cảm xúc. Thương con trai bé bỏng lèo nhèo “em nhớ mẹ, mẹ về với em” sau mỗi cuộc điện thoại muộn. Thương con gái lớn vừa làm chị vừa làm mẹ chăm cho em giấc ngủ, miếng ăn thay mẹ vắng nhà. Nỗi nhớ nhà, nhớ con càng tăng lên gấp bội.

Nhưng tôi thầm nghĩ, mình còn may mắn gấp bội khi bên cạnh có không ít đồng nghiệp buộc phải cách ly khi mới ngày đầu trở lại công việc sau thời gian thai sản. Mẹ trong viện căng tròn bầu sữa buộc phải vắt bỏ, con thơ vừa tròn 6 tháng ngằn ngặt khóc vì thiếu hơi mẹ, khát sữa.

Trong trận chiến tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư lần này, tôi cảm thấy áp lực đè nặng trên vai khi làm việc trong ngay giữa tâm dịch, nơi đang bị cách ly y tế, nơi mà nguồn lây luôn lẩn khuất. Và chỉ bất cẩn chút thôi, không biết mai liệu mình có thành bệnh nhân Covid-19 hay không...

Chính vì lẽ đó, sau mỗi ca trực, tôi cũng như các đồng nghiệp ai lại về vị trí đó, không tiếp xúc, không trò chuyện tâm sự, tất cả trao đổi với nhau bằng ánh mắt và những cái vẫy tay động viên nhau qua ô cửa từ tầng này sang tầng khác.

Lịch trình đều dặn ngày 8 tiếng chăm bệnh nhân, công việc của chúng tôi gần như không ngơi tay bởi đặc thù của Khoa cấp cứu toàn những bệnh nhân nặng. Tất cả mọi việc liên quan đến bệnh nhân đều một tay điều dưỡng chăm sóc. Từ thuốc thang, ăn uống, đến mọi hoạt động vệ sinh cá nhân, tắm rửa lau chùi…

Khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ là đồng nghĩa với việc nhịn ăn, nhịn uống và cả nhịn tiểu. Mồ hôi ròng ròng dưới tiết trời đầu hè 36 - 37 độ C. Hai tiếng 1 lần, nhân viên y tế thay nhau tạm thay ca 5 - 10 phút để nghỉ ngơi vì mất nước, vì ngột ngạt. Tất cả đều phải đảm bảo đúng quy trình phòng, chống lây nhiễm Covid-19. Và không ai được phép gục ngã.

Ba ngày 1 lần, tất cả nhân viên y tế ở đây đều được xét nghiệm để sàng lọc Covid-19. Và tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm khi nhận kết quả âm tính. Bởi có như vậy, tôi mới được tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh, được tiếp tục là điểm tựa cho các bệnh nhân nơi đây.

Công việc vẫn ngày nối ngày khi các bệnh nhân nặng vẫn tiếp tục được chuyển đến.

Lời hẹn “trở về bên con” vẫn chưa định ngày. Nhưng tôi luôn tin cuộc chiến này rồi sẽ sớm kết thúc. Để cuộc sống của tôi, của các đồng nghiệp đang ngày đêm trên tuyến đầu, của mọi người dân sớm trở lại bình thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.