Xã hội

Mẹ tài xế container Lê Ngọc Hoàng gửi đơn khiếu nại, xin được gặp con

05/05/2019, 09:40

Mẹ tài xế container Lê Ngọc Hoàng trong vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc đã gửi đơn khiếu nại về việc không được thăm con tại trại tạm giam.

img
Mẹ tài xế container Lê Ngọc Hoàng khóc nghẹn khi kể về cậu con trai duy nhất

Ngày 5/5, trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thực (SN 1960, trú thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) - mẹ tài xế container Lê Ngọc Hoàng trong vụ xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cho biết, bà vừa có đơn khiếu nại Quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên về việc không cho bị can Lê Ngọc Hoàng thăm, gặp thân nhân. Đây là lần hai, bà gửi đơn khiếu nại về vấn đề này.

Trước đó, ngày 1/4, theo thông báo của cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, do tính chất phức tạp của vụ án, cần có thêm thời gian để điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ hoàn chỉnh hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật, nên đã gia hạn tạm giam tài xế container Lê Ngọc Hoàng thêm 3 tháng (từ ngày 11/4-9/7/2019). Cùng với thông báo gia hạn tạm giam Lê Ngọc Hoàng, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên cũng có thông báo số 619/TB-CSĐT trả lời bà Thực: Chưa cho gia đình bị can Lê Ngọc Hoàng thăm gặp.

img
Quyết định giải quyết khiếu nại do Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Phổ Yên ký ngày 30/4

Ngay sau đó, bà Thực đã có đơn khiếu nại thông báo số 619/TB-CSĐT của Công an thị xã Phổ Yên về việc giải quyết đơn xin thăm gặp tài xế Hoàng. Và tới ngày 30/4, cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên có văn bản trả lời: Do đây là vụ án có tính chất phức tạp, việc cho bị can Hoàng gặp thân nhân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tra vụ án nên chưa cho gia đình thăm gặp.

“Lần cuối gia đình được thăm gặp Hoàng là ngày 6/12/2018. Tôi đồng ý tính chất của vụ án này là phức tạp và nghiêm trọng. Nhưng hiện hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án đã bị hủy, quay trở về điều tra lại từ sơ thẩm. Điều đó có nghĩa là con tôi chưa bị coi là có tội, chưa hề có phán quyết nào đối với con trai tôi. Vậy thì việc gặp con trai tôi có ảnh hưởng nghiêm trọng nào đến quá trình điều tra vụ án?”, bà Thực thắc mắc.

Trong đơn khiếu nại lần thứ hai gửi đến các cơ quan chức năng, bà Thực cũng nêu rõ: “Gia đình chúng tôi là thân nhân, là những người lao động quanh năm chỉ biết làm lụng kiếm sống, chúng tôi không phải đối tượng nguy hiểm, cũng không có hành vi nào quá khích hay có khả năng gì để ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ án, tại sao lại ngăn cản quyền được gặp con trai của tôi? Chúng tôi mong muốn được gặp người thân của mình để biết tình hình hiện tại của Lê Ngọc Hoàng và cam kết sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc thăm gặp người bị tạm giam, không gây rối, không có các hành vi gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án”.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, vào sáng 19/11/2016, Ngô Văn Sơn (ở Yên Phong, Bắc Ninh) điều khiển chiếc xe Toyota Innova mang BKS 99A - 142.53 chở theo 10 khách đi từ Bắc Ninh lên TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) để ăn cưới. Chiều cùng ngày, Sơn lùi xe trên cao tốc theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Định (do nhầm đường) thì va chạm với xe đầu kéo do Lê Ngọc Hoàng điều khiển. Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong và 6 người khác bị thương.

Tại phiên sơ thẩm, TAND Tx. Phổ Yên tuyên phạt Sơn 10 năm tù, Hoàng 8 năm tù. Ngày 2/11/2018, tại phiên phúc thẩm, TAND giảm án cho Sơn xuống còn 9 năm tù; Hoàng còn 6 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ngày 30/11/2018, Uỷ ban thẩm phán của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã họp và thống nhất chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên huỷ 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm của 2 cấp toà Thái Nguyên đã tuyên để trả hồ sơ, điều tra lại vụ TNGT nghiêm trọng này.

Tới thời điểm này, Lê Ngọc Hoàng đã bị tạm giam gần 27 tháng.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thiện Hiệp, Công ty Luật TNHH Việt Tâm, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội là luật sư bào chữa miễn phí cho bị can Lê Ngọc Hoàng cho biết, tại điểm d, Khoản 1, Điều 9 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam: “Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự”, việc gặp thân nhân của người bị tạm giam cũng được quy định rõ ràng tại Khoản 1 Điều 22 của Luật này: “Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ”.

Theo Quyết định giải quyết khiếu nại mà Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên gửi bà Thực, thì căn cứ điểm a, Khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có quy định Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giam trong trường hợp: Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

“Nếu thân nhân của bị cáo Hoàng không vi phạm các quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, không phải đối tượng nguy hiểm, cũng không có hành vi nào quá khích hay có khả năng gì để ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ án, thì không cần thiết áp dụng ngăn cản thăm gặp”, luật sư Hiệp cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.