Chuyện dọc đường

Mẹ và lời bài hát “Mang tiền về cho mẹ”

08/01/2022, 10:24

Bài hát “Mang tiền về cho mẹ” đang gây sốt, khiến nhiều người đang tranh cãi về chuyện đạo hiếu. Nhưng mẹ cần nhiều thứ khác, không hẳn là tiền.

"Mang tiền về cho mẹ

Đừng mang ưu phiền về cho mẹ…".

(trích lời bài hát “Mang tiền về cho mẹ”)

“Tôi năm nay 40 tuổi mà mỗi lần về thăm mẹ là lấy cái món này món kia của mẹ đi. Mẹ tui vẫn cứ vui khi tui về. Không hề có chuyện đem tiền về cho mẹ vui.

Bản thân tui. Nếu con tui sau này mà mang tiền về cho tui thì tui sẽ thấy rất... lo cho nó. Tui dám tin rằng 80% cha mẹ trên đời này không mong con mình về là mang tiền về.

Chỉ cần con sống tốt, sống có ích, sống bình yên hạnh phúc là mẹ vui gấp mấy lần tiền”, một bạn đọc bình luận như vậy trên Facebook về lời bài hát “Mang tiền về cho mẹ”.

img

Người mẹ chờ đợi từ con mình những thứ khác, không hẳn là tiền. Ảnh minh họa

Tôi xin không bàn về lời bài hát này, chỉ biết, đây là bài hát đang hot và được nhiều bạn trẻ xem là hiện tượng. Càng nghe bài hát, tôi càng muốn nói về câu chuyện của mình…

Cận Tết. Đang lúi cúi lựa vài giò lan, bất chợt ngẩng lên nhìn bên kia đường, tôi ngẩn người!

Bên đó, có mẹt hàng rong nho nhỏ. Bày la liệt trên vỉa hè đủ món xanh đỏ, nào là những chú chuột, con voi… Cô “chủ hàng” liên tục lên dây thiều, cho mấy con thú đồ chơi nhún nhảy liên hồi, mời gọi khách.

Nhưng đó không phải là thứ khiến tôi chú ý. Kế bên, thằng bé chừng bốn tuổi, gầy gò, đen đủi, ngồi xổm lặng lẽ nhai ổ bánh mì không, chẳng chú ý gì đến dòng xe cộ vun vút, cũng “vô cảm”với mấy món đồ chơi nhún nhảy kế bên.

Thằng bé ấy giống hình ảnh của tôi 40 năm trước quá! Hồi đó, tôi cũng hay theo mẹ đi mua hàng rồi bán lại.

Mẹ đi đâu lấy hàng cứ mặc, cứ bỏ tôi lại với gói xôi, hay cục phấn để ngồi vẽ ngoằn ngoèo, bao lâu cũng được! Mà thời xưa cũng ít ai đi dụ khị, bắt cóc trẻ con. Cứ nhờ bà bán hàng nào cạnh đấy trông hộ là xong.

Còn nhỏ nhưng tôi cũng cảm nhận được mẹ mình cực khổ lắm mới lo được cho mấy anh em. Làm sao dám quấy, chẳng tiếng khóc nhè. Được đi với mẹ đã là cái thú.

Thích nhất là lúc ngồi xe đò liên tỉnh. Mấy cái ao cá, những đám ruộng xanh thì con gái, những chú cò trắng bay lả… vùn vụt trôi qua tầm mắt.

Và ghét nhất là lúc chờ mẹ lấy hàng! Cảnh vật cố định, chỉ toàn người và xe! Ngồi đó một mình thin thít, nhưng đành chịu.

Một tay mẹ xốc vác, lần hồi nuôi cả bốn anh em ăn học cho có cái bằng cầm tay mà đi xin việc, vào đời. Hồi tôi mới lên Sài Gòn học, mẹ tôi chẳng yên tâm. Tháng sau, bà đã giao nhà cho ba tôi rồi lên theo. Sẵn trông luôn mấy anh, chị tôi cũng đang học trên này.

Lạ nước lạ cái, vậy mà vài ngày sau bà đã có “việc làm”. Sáng sớm, bà lụi cụi đổ mấy mẻ rau câu vào những cái khuôn ngộ nghĩnh, mang ra chợ bày bán… “Cái gì thấy kiếm tiền được là mình làm, mắc cỡ gì. Chừng nào làm bậy mới sợ”, bà hay nói vậy.

Cũng may, hồi ấy, đám bạn tôi chẳng ai gọi mẹ tôi là bà bán hàng rong, và cũng chẳng ai bắt đi xin giấy chứng nhận vệ sinh, cấm đoán như có lúc một số tỉnh thành đề xuất.

Nên những chuyến đi buôn, những mâm rau câu… ấy đã giúp anh em tôi không phải bỏ học giữa chừng. Và cũng chẳng ai nề hà, mắc cỡ với bạn bè khi mẹ kêu ra chợ giúp. Đó là những đồng tiền lời “trong sạch”, chẳng phải nhờ gian lận, tư tham…

Thằng bé bên đường chợt ngừng nhai bánh mì, nhìn chăm chăm khi tôi chợm băng qua. Ánh mắt nó sáng lên khi tôi ngồi trước mấy con thú. “Năm mươi lăm ngàn một con, anh ơi!”, mẹ nó chào hàng.

Mẹ nó phải chạy đi đổi tờ 500.000 đồng sau khi lục tung các túi. Thằng bé vẫn ngồi cạnh với ổ bánh mì, giữ đống đồ chơi. Tôi nhét vội cho nó tờ 20.000 đồng, chỉ xe bánh bao, thấy nó cười tít mắt.

Nó liếc sang xe bánh bao, lại ngoảnh sang mấy gian hàng bên kia, rồi cúi xuống nhìn tờ giấy bạc. Ngày mai, chắc nó lại vẫn phải nhai bánh mì, khi mà mẹ nó vẫn chạy ăn từng bữa với mẹt hàng rong!

Chẳng biết khi lớn lên, thành đạt, nó có dám kể với chúng bạn rằng, nó đã từng theo mẹ đi bán hàng rong hay không nữa. Không biết chừng, mới có được “ba đồng”, nó đã cấm mẹ nó đi bán để khỏi muối mặt với người này, kẻ khác.

Và nó sẽ đòi đem tiền về cho mẹ để mẹ đừng đòi buôn đòi bán gì cho mất mặt. Sao cũng được, chỉ biết là nhờ mẹt hàng ấy, nó lớn lên từng ngày.

Những con thú đồ chơi vẫn nhún nhảy vô cảm. Không xa đằng kia, chợ Tết không bao ngày nữa sẽ bắt đầu náo nhiệt.

Và riêng mẹ tôi, tôi biết, chẳng bao giờ cần tiền của tôi. Con thương thì mẹ hạnh phúc, không thương thì mẹ buồn, vậy thôi. Mẹ chỉ muốn tôi và các anh chị nên người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.