Giao thông

Miền Bắc không tăng, sao miền Nam tăng giá vé xe Tết?

27/02/2018, 06:02

Câu hỏi này được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt ra ngay sau khi nghe báo cáo công tác vận tải Tết...

9

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban Bộ GTVT tháng 2

Gắn camera tại các điểm để quản lý xe dù, bến cóc

Khẳng định vận tải Tết đã thông thoáng hơn, người dân đi lại thuận tiện hơn, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, tình trạng xe dù bến cóc vẫn còn. “Liệu có gắn camera tại các điểm để quản lý xe dù, bến cóc được không? Chúng ta có thể thành lập một trung tâm quản lý, điều hành. Ngồi tại chỗ có thể kiểm tra, kiểm soát cơ bản được tình hình. Các hình ảnh vi phạm sẽ được lưu lại với ngày, giờ cụ thể để làm chứng cứ xử phạt?”, Bộ trưởng gợi ý.

Cũng liên quan đến hoạt động vận tải Tết, Bộ trưởng nêu vấn đề: “Bến xe ngoài Hà Nội không có phụ thu chiều rỗng, cả năm giá vé như nhau. Ngay tại bến xe “nóng” nhất là Mỹ Đình, giá vé cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong Nam lại khác. Tình trạng nâng giá vé để bù chiều rỗng khá phổ biến. Phải kiểm tra xem tại sao có tình trạng này xảy ra, tại sao miền Bắc không tăng mà miền Nam lại tăng giá cao như vậy, tới 30 - 40%”, Bộ trưởng yêu cầu.

Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, do việc tổ chức vận tải hợp lý nên tất cả các bến xe trong cả nước đều đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Tương tự, do tổ chức tốt công tác bán vé trước cho khách đi tàu với nhiều hình thức như bán vé điện tử, bán vé qua mạng, bán vé lưu động, bán vé tận cơ quan, trường học nên tình trạng cò vé đã giảm đáng kể.

“Dịp Tết Nguyên đán 2018, Tổng công ty Đường sắt VN bố trí 22 đoàn tàu khách, phục vụ hơn 60 nghìn lượt hành khách, tăng 5 đoàn tàu và tăng 5,9% lượng hành khách vận chuyển so với cùng kỳ năm 2017”, ông Ngọc thông tin.

Về hàng không, từ ngày 13-19/2 (tức từ 28 tháng Chạp đến 4 tháng Giêng), hàng không điều hành hơn 13,3 nghìn chuyến bay hạ/cất cánh, tăng 9,2% với hơn 1,98 triệu hành khách qua cảng, tăng 13,5%. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt hơn 975 nghìn khách, tăng 23,1%.

Đáng lưu ý, trong giai đoạn Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng của thời tiết xấu tại CHK Vinh, Đồng Hới, Thọ Xuân, Huế, nhiều chuyến bay bị chậm chuyến. Đặc biệt, trong ngày 19/2/2018, 5 chuyến bay đến Vinh đã phải chuyển sân hạ cánh xuống Nội Bài. 6 chuyến bay khai thác sau 20h30 đều bị hủy và chậm chuyến kéo dài.

Đề xuất miễn thu tiền qua trạm BOT toàn bộ ngày lễ, Tết

Báo cáo tình hình hoạt động của các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trong dịp Tết vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết: “Cơ bản các trạm thu phí hoạt động bình thường”.

“Tại một số trạm có hiện tượng ùn xe do lưu lượng tăng đột biến. Cụ thể như Pháp Vân - Cầu Giẽ bị ùn tắc tại nút Pháp Vân, Liêm Tuyền và trên một số đoạn của cao tốc trong ngày 19/2 (tức mùng 4 Tết). Cũng trong ngày này, trạm T3 trê QL51 ùn tắc hơn 3km, phải xả trạm 2 giờ. Đặc biệt, trạm cầu Rạch Miễu trên QL60 ùn tắc phải xả trạm 5 lần trong các ngày 9,10,11,17 và 19/2”, ông Huyện thông tin.

Đáng nói, dịp Tết năm nay có trạm Cầu Rác (tránh Hà Tĩnh) và BOT QL1 Sóc Trăng, BOT Bạc Liêu, BOT QL1 qua Bình Thuận, chủ đầu tư chủ động mở trạm không thu tiền tại một số thời điểm trong Tết nên không xảy ra ùn tắc. Từ đây, ông Huyện đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu quy định tạm dừng thu (xả trạm) một số ngày trước, trong và sau các ngày lễ lớn tại các trạm thu giá cửa ngõ thành phố lớn để giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại được thuận tiện.

Chỉ đạo vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Rút kinh nghiệm trong năm tới phải bố trí thanh tra giao thông, nhân viên các chi cục túc trực để thực hiện chủ trương xả trạm, tuyệt đối không để ùn tắc kéo dài”.

Ủng hộ đề xuất xả trạm BOT, không thu tiền trong những dịp lễ, Tết để người dân đi lại thuận tiện hơn, song Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đặc biệt về mức độ ảnh hưởng đến phương án tài chính để sao cho hài hoà lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, báo cáo Bộ xem xét, quyết định.

Về vấn đề này, trước đó, Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc cho biết, trong tháng 3/2018, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập và trình quyết toán 7 dự án vốn XDCB. Các Ban QLDA kiểm tra và trình 2 dự án BOT gồm dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới, cải tạo QL3 Km75-Km100 và dự án QL1 đoạn qua Cai Lậy.

Cũng trong tháng 3, các cơ quan thẩm tra phê duyệt 5 dự án vốn XDCB. Vụ Tài chính tổ chức thẩm tra quyết toán 3 dự án BOT  để duyệt trong tháng 4 theo kế hoạch (gồm dự án tuyến tránh Sóc Trăng; dự án đường HCM đoạn QL32 đến Hương Nộn; dự án QL26).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.