Y tế

Miền Bắc quay quắt nắng nóng, bác sĩ cảnh báo hôn mê vì say nắng, sốc nhiệt

25/06/2020, 10:56

Trong những ngày cao điểm nắng nóng hoành hành miền Bắc, có người nhập viện, hôn mê vì say nắng, sốc nhiệt.

img
Bác sĩ A9 BV Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân bị sốc nhiệt

Nắng nóng hoành hành, dễ sốc nhiệt, say nắng

Dự báo thời tiết 25/6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt 37-40 độ, có nơi trên 40 độ.

Đợt nắng nóng ở Bắc Bộ, Hà Nội và Trung Bộ còn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 7.

Tin từ Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, trong những ngày cao điểm nắng nóng gần đây, mô hình bệnh tật cũng có sự thay đổi theo hướng gia tăng các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Khoa cũng đã tiếp nhận và điều trị cho một số bệnh nhân liên quan trực tiếp đến thời tiết nắng nóng như say nắng, sốc nhiệt.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, mới đây, Khoa Cấp cứu tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam, trên 40 tuổi đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng. Bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu A9 thì đã rơi vào tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt trên 41 độ C, mất nước nghiêm trọng. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Bệnh nhân được bóp bóng qua mask, đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hạ sốt, truyền dịch, chụp CT não và làm các xét nghiệm đánh giá. Kết quả chụp phim CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương phù não và các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể. Với nỗ lực của các y bác sĩ và gia đình bệnh nhân đã được cứu sống nhưng không tránh khỏi các di chứng về ý thức và vận động.

Bác sĩ A9 khuyến cáo gì?

PGS. Chi cho biết cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh 37 độ C. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể chúng ta vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường vào cho nên nguy cơ tăng thân nhiệt do ở lâu trong môi trường nắng nóng là rất cao. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể chúng ta sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết để giữ thân nhiệt như thở nhanh, dãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể...

Tuy nhiên, nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó sẽ không còn hiệu quả, khi nhiệt độ tăng lên trên 41 độ C kéo dài, nó sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật.

Theo khuyến cáo của BS. Chi, 4 nhóm đối tượng cần đặc biệt lưu ý trong những ngày nắng nóng. Nhóm đối tượng bắt buộc phải làm việc kéo dài ở ngoài trời khi thời tiết nắng nóng; Thứ hai là các bệnh nhân mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh lý hô hấp mạn tính; Thứ 3 có thể để ý đến là các cháu nhỏ chưa có ý thức về thời tiết nên các cháu mải vui chơi, hoạt động kéo dài trong thời tiết nắng nóng thì sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng. Nhóm thứ 4 là người già, sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém nên dễ bị thiếu nước,..

Các bác sĩ lưu ý, trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời cố gắng tránh thời điểm từ 11-15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể, uống đủ nước để phòng mất nước. Bên cạnh đó, mọi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh có tác dụng thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa...

Mới ở nơi nắng nóng nhiệt độ cao vào không nên tắm ngay bằng nước lạnh, nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt độ, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong cũng không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột, đặc biệt chú ý khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.