Vận tải

Miền Nam vẫn tăng phụ thu vé xe 30/4, Hà Nội giữ nguyên

16/04/2018, 10:00

“Vì sao bến xe ngoài Hà Nội không có phụ thu chiều rỗng mà trong Nam lại phụ thu đến 40%?”

6

Bến xe miền Đông đề nghị cho phép được phụ thu 30 - 40% giá vé tùy từng chặng - Ảnh: Tạ Tôn

Đầu năm 2018, liên quan đến hoạt động vận tải Tết, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: “Vì sao bến xe ngoài Hà Nội không có phụ thu chiều rỗng mà trong Nam lại phụ thu đến 40%?”, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ. Mặc dù vậy, ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 này, các bến xe tại khu vực TP.HCM vẫn tiếp tục đề nghị tăng phụ thu với mức cao.

TP.HCM: Đề nghị tăng phụ thu đến 40%

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vào ngày cuối tuần, người lao động được nghỉ 4 ngày (từ 28/4 - 1/5), do vậy lượng người đổ ra các bến xe dự báo sẽ rất đông. Bến xe Miền Đông đề nghị cho phép được phụ thu 30-40% giá vé (tùy theo khu vực) để chủ động điều động và bán vé cho xe tăng cường trái tuyến, xe hợp đồng, xe buýt tăng cường, vì các xe này không được xếp khách chiều vào (chạy rỗng một chiều) cũng như gặp một số khó khăn khi hoạt động trên lộ trình mới.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, dự báo năm nay sản lượng tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Ngày cao điểm nhất rơi vào 28/4 với 52.500 lượt khách, tương đương khoảng 1.750 lượt xe ra - vào bến, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. “Lượng khách tập trung chủ yếu vào các tuyến đường có cự ly trung bình ngắn và các khu vui chơi giải trí trên các tuyến từ Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên trở vào phía Nam, khu vực miền Tây và nhất là các tuyến đi, đến trung tâm du lịch như: Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang”, ông Huy nói.

Ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị vừa có văn bản yêu cầu tất cả các bến xe, các doanh nghiệp vận tải, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, hiệp hội taxi... phải phục vụ tốt nhất nhu cầu của hành khách trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp không tăng giá xe so với ngày thường. Cũng theo ông Hà, các bến xe trên địa bàn phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát các xe ra - vào bến; từ chối phục vụ các phương tiện và chủ phương tiện đưa xe không bảo đảm điều kiện, các xe không có bình cứu hỏa hoặc có bình cứu hỏa nhưng không đáp ứng được điều kiện theo quy định...

Tương tự, tại bến xe Miền Tây, lãnh đạo bến xe cho biết, dự báo lượng hành khách đi các tỉnh miền Tây dịp giỗ Tổ Hùng Vương tăng từ 8-10% và dịp lễ 30/4 và 1/5, tăng từ 1-3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, ngày cao điểm dịp giỗ Tổ Hùng Vương là thứ tư 25/4 (ngày 10/3 Âm lịch), lượng hành khách đạt từ 36.000 - 38.000 khách; cao điểm dịp Lễ 30/4 và 1/5 là ngày 28/4 (thứ bảy), lượng hành khách đạt từ 58.000 - 60.000 khách.

Lý giải về việc “phụ thu” giá vé, một cán bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết, một số doanh nghiệp tăng giá vé theo luật giá và theo thực tế từng tuyến đường. Ví dụ, một nhà xe chạy về Quảng Bình có 50 khách. Khi chạy ngược lại chỉ có 10 khách, chủ xe tính toán chi phí, xăng dầu sau đó đề xuất tăng giá để đáp ứng chiều thấp điểm bù đắp một phần chi phí. Do vậy, DN phải điều chỉnh và kê khai lại giá. Doanh nghiệp kê khai lại giá với Sở GTVT, Sở xác nhận và DN công bố giá niêm yết cho người dân. Việc tăng giá vé có thể chỉ có một số chuyến hoặc một số doanh nghiệp tăng hơn so với ngày thường, không phải tất cả các tuyến.

Cũng theo cán bộ này, phụ thu nhưng thực chất là điều chỉnh đăng ký giá vé. Không chỉ có TP HCM mà các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước… cũng đang thực hiện tăng giá vé (phụ thu) những ngày cao điểm lễ, Tết. Việc kê khai phải phù hợp, có đủ cơ sở và đây là cách làm của TP HCM nhiều năm nay.

“Trước đó, Bộ GTVT yêu cầu không phụ thu nhưng không hướng dẫn chi tiết mà chỉ đề nghị địa phương thực hiện kê khai theo quy định. Trên cơ sở đó, Sở đang tiếp nhận các đề xuất của DN và thực hiện kê khai theo quy định, phù hợp”, cán bộ này lý giải và cho biết, hiện Bộ GTVT đã tổng kết và có chỉ đạo các sở xem xét đánh giá nguyên nhân để thống nhất nguyên tắc điều hành chung của cả nước. Sở GTVT TP HCM cũng đang báo cáo lại một số kinh nghiệm cũng như một số các tuyến điều chỉnh tăng giá ngày lễ, Tết trên tinh thần hạn chế tăng giá vé để không ảnh hưởng đến người dân, ngoại trừ một số tuyến DN chứng minh được việc tăng giá là phù hợp. Nếu DN không điều chỉnh giá vé sẽ không huy động được xe, không tăng cường được xe phục vụ người dân.

Sở GTVT cũng đang dự thảo văn bản đề xuất về một số đặc thù của thành phố trong việc tăng giá vé, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT thống nhất cách điều hành, chỉ đạo chung. Chẳng hạn, một tuyến từ tỉnh A đến tỉnh B hiện nay việc tiếp nhận kê khai cần có sự đồng bộ và liên thông các tỉnh, tiến tới cần phải có các phần mềm chung để điều hành giá niêm yết.

Trước đó, đầu năm 2018, liên quan đến hoạt động vận tải Tết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề: “Bến xe ngoài Hà Nội không có phụ thu chiều rỗng, cả năm giá vé như nhau. Ngay tại bến xe “nóng” nhất là Mỹ Đình, giá vé cơ bản ổn định. Tuy nhiên, trong Nam lại khác. Tình trạng nâng giá vé để bù chiều rỗng khá phổ biến. Phải kiểm tra xem tại sao xảy ra tình trạng này, tại sao miền Bắc không tăng mà miền Nam lại tăng giá cao như vậy, tới 30-40%”.

Hà Nội: Cam kết không tăng giá vé

Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, dịp lễ 30/4 và 1/5, một số tuyến dự kiến lượng hành khách tăng mạnh như: Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hoá, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên... Đợt nghỉ lễ dự kiến lưu lượng hành khách bắt đầu tăng cao từ chiều tối 27/4 đến hết ngày 28/4.

Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, Công ty CP Bến xe Hà Nội đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp 600 phù hiệu xe tăng cường mỗi đợt giải tỏa khách. Đồng thời, đơn vị cũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội và CATP Hà Nội tổ chức phân luồng giao thông trong dịp lễ, cho phép xe có phù hiệu xe tăng cường của Sở GTVT đi trong nội thành để đến các bến xe kịp thời giải toả khách. Cụ thể, bến xe Giáp Bát sẽ tăng cường 230 lượt xe trong dịp này, bến xe Gia Lâm tăng cường 70 lượt  xe, bến xe Mỹ Đình tăng cường thêm 225 lượt xe.

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, cũng như mọi năm, đơn vị yêu cầu các bến xe đề nghị các doanh nghiệp vận tải không tăng giá vé so với ngày thường. “Việc người dân có bị thu quá giá không do quản lý của các bến xe và người dân có vào bến mua vé không. Người dân cần vào bến mua vé, nếu bị thu giá cao hơn cần có ý kiến hoặc gọi vào đường dây nóng của Hà Nội để xử lý”, ông Toàn nói.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, bến sẽ tăng 230 lượt xe, với 4 tuyến chính là: Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định. Cũng theo ông Thành, về công tác bán vé, bến đã chuẩn bị đầy đủ các phương án với phương châm phục vụ hành khách đi hết trong ngày, không để xảy ra tình trạng hành khách phải chờ qua đêm tại bến xe.

“Giá vé phụ thuộc vào các doanh nghiệp, nhưng bến xe sẽ giám sát theo giá niêm yết trên quầy vé để đảm bảo hành khách mua được vé đúng với giá niêm yết. Đến giờ, vẫn chưa thấy doanh nghiệp nào thông báo tăng giá”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cũng khẳng định, công tác phục vụ sẽ được thực hiện tốt nhất để đảm bảo người dân đi lại được thuận tiện, an toàn. Bến sẽ cùng với các đơn vị xe buýt tăng chuyến kết nối giữa các bến xe trong những ngày đầu và ngày cuối của đợt nghỉ lễ để đưa đón khách vào và ra khỏi bến nhanh chóng, tránh tình trạng ùn ứ do tập trung đông người. Cùng đó, giá vé cũng sẽ được kiểm soát chặt để người dân yên tâm vào bến mua vé.

Đường sắt không lo thiếu vé tàu

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để phục vụ nhu cầu hành khách đi lại dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tăng cao, ngành Đường sắt đã tăng hàng chục chuyến tàu với khoảng 30.000 chỗ đi các tuyến ngoài các mác tàu chạy hàng ngày. Cụ thể, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội lập thêm 29 đoàn tàu với 15.172 vé đi các tuyến; Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy thêm 28 đoàn tàu đi từ ga Sài Gòn đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn và ngược lại trong các ngày từ 26/4 - 1/5 với khoảng 13.000 chỗ. Trong đó, đoàn tàu chạy tuyến TP HCM - Nha Trang và ngược lại tăng nhiều nhất với 17 chuyến. Tuyến Hà Nội - Vinh chạy thêm 8 đoàn tàu chiều Hà Nội - Vinh trong các ngày từ 24 - 28/4 với tổng cộng 4.652 vé. Chiều ngược lại Vinh - Hà Nội, chạy thêm 8 đoàn tàu trong các ngày 30/4 và 1/5 với tổng cộng 4.652 vé. 

Các tuyến Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Thanh Hóa đều lập thêm tàu. Ngoài ra, từ ngày 25/4 đến hết ngày 14/5, còn có tàu TP HCM - Quảng Ngãi (SE25,26) và tàu du lịch Nha Trang - Huế (NH1, NH2).

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, công ty thực hiện tăng, giảm giá vé linh hoạt theo mác tàu, ngày khởi hành. Theo đó, tăng giá vé chiều đi, ngày đi cao điểm, hút khách, giảm giá vé cung chặng và ngày thấp điểm theo thị trường; có chính sách ưu đãi cho khách tập thể, khách đoàn và khách mua vé trước nhiều ngày, giảm đến 50%.

“Chúng tôi quan điểm tăng giá phải phù hợp với thị trường và làm thế nào để hút khách, không phải vì doanh số rồi khách bỏ đường sắt. Vì thế, chúng tôi cũng phải tính toán cân đối trong mặt bằng chung với các phương tiện khác sao cho phù hợp, cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích với các khách hàng là các đơn vị du lịch, lữ hành đã ký kết hợp tác với các hiệp hội du lịch các tỉnh và công ty. Nói chung, chỉ tăng từ 7-10%”, ông Tuấn nói.

Thanh Thúy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.