Xã hội

Miền Trung chủ động phòng chống, sẵn sàng ứng phó khi bão Noru đổ bộ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã vào Đà Nẵng chỉ đạo các tỉnh miền Trung chủ động chống bão.

Chiều 25/9, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do ông Lê Minh Hoan, Phó Ban Thường trực, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT dẫn đầu kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng).

img

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó bão Noru tại Đà Nẵng

Báo cáo đoàn công tác, Đại tá Hồ Sĩ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng cho biết, đã hướng dẫn cho tất cả tàu thuyền neo đậu an toàn trong âu thuyền Thọ Quang. Có 18 chiếc tàu dầu đã được đưa ra ngoài để phòng chống cháy nổ.

Đối với các tàu nhỏ, ghe, thúng không vào neo đậu trong âu thuyền, các đồn biên phòng huy động lực lượng cùng ngư dân đưa lên bờ để tránh bão.

"Đến hiện tại, công tác phòng chống lụt bão đối với tàu trong bờ đã đảm bảo", Đại tá Hậu cho hay.

img

Gấp rút đưa thuyền, thúng của ngư dân Đà Nẵng lên bờ tránh bão

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo thì còn 35 chiếc tàu của Đà Nẵng đang hoạt động trên biển. Có 7 tàu gần bờ, các tàu còn lại đã liên lạc được, hướng dẫn cho ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm và đang di chuyển vào bờ.

Đại tá Hồ Sĩ Hậu cho biết thêm, từ 16h30 ngày 25/9, Biên phòng Đà Nẵng đã thông báo cấm người, tàu thuyền xuất bến khai thác và làm dịch vụ khai thác hải sản hoạt động trên biển cho đến khi có thông báo mới.

img

Đà Nẵng kiên quyết không để ngư dân ở lại trên tàu, thuyền trước khi bão Noru đổ bộ

Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý Đà Nẵng phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi bão đổ bộ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Đà Nẵng cương quyết không để ngư dân ở lại trên tàu, thuyền trước khi bão vào.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trước khi bão đổ bộ 1 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng sẽ dùng biện pháp mạnh, yêu cầu tất cả ngư dân lên bờ để đảm bảo an toàn.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, đối với các vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở tại huyện Hòa Vang đã có những phương án để di dời dân và các địa điểm di dời cũng hoàn thành.

Được biết, từ ngày mai, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các vị trí trọng yếu trên địa bàn các tỉnh miền Trung gồm: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ngày 25/9, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, Phó Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định sẽ cấm tàu thuyền ra khơi từ 6h sáng 26/9 để đảm bảo an toàn và ứng phó với bão Noru sắp đổ bộ vào đất liền.

Qua kiểm đếm tàu thuyền, đến chiều tối cùng ngày, có 100 tàu cá của ngư dân Bình Định ở trong khu vực nguy hiểm của bão Noru, hiện các lượng chức năng đã liên lạc và kêu gọi 54 tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tiếp tục liên lạc với các tàu còn lại.

Chiều 25/9, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã họp trực tuyến với các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão Noru.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, Bình Định là một trong 4 địa phương ở vùng tâm bão, cảnh báo mức độ thiên tai cấp 4. Chúng ta mới có các phương án di dời dân ở trong điều kiện thiên tai bình thường, do vậy hết sức lưu ý trong tình huống xấu hơn phải có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, ngoài việc di dời dân ở các khu vực nguy hiểm, chúng ta phải rà soát các khu du lịch ven biển, phải thông tin kịp thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án ứng phó và di dời khách du lịch đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chỉ đạo, ngay sau cuộc họp này, toàn tỉnh dừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung cho công tác ứng phó với bão Noru. Đồng thời kích hoạt phương án ứng phó thiên tai cấp độ 4. Hoài Nhơn hiện là địa phương có nhiều tàu cá trong vùng nguy hiểm, do vậy chính quyền các cấp của thị xã phải khẩn trương thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến các nơi an toàn.

Chiều 25/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thuỷ sản. Trong đó có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.

Tính đến chiều 25/9, Thừa Thiên Huế còn 6 phương tiện với 52 lao động hoạt động thuỷ sản trên biển chưa vào bờ, dự kiến số phương tiện với lao động này sẽ vào bờ tránh trú an toàn vào sáng 26/9.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công điện về việc chủ động ứng phó với bão Noru, trong đó yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trước 7h ngày 26/9, tổ chức quản lý và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá.

Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi.

Thừa Thiên Huế cũng đã có phương án dự trữ lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn…

UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.

Bao Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về cơn bão số 4 mang tên Noru này!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.