Xã hội

Miền Trung vẫn canh cánh nỗi lo "thủy điện"

05/11/2014, 20:02

Thủy điện về miền Trung càng nhiều, bão, lũ, sạt lở đất đá… càng thêm khốc liệt. Sau mỗi cơn thịnh nộ của thiên nhiên, nhiều làng mạc đã biến thành vùng "tử địa", sau nhiều năm vẫn chưa khắc phục nổi.

Kỳ 1: Lũ qua 5 năm vẫn chưa thể gượng dậy

Bão lũ đã đi qua, nhưng những vùng đất ấy vẫn hoang tàn, vắng vẻ, người dân dù đã rời đến khu tái định cư mới vẫn ám ảnh khôn nguôi trước sự thảm khốc của thiên tai có tác nhân thủy điện.

Xóm Trường “tử địa” trơ lại những vết tường bị nước lũ cuốn phăng
Xóm Trường “tử địa” trơ lại những vết tường bị nước lũ cuốn phăng

“Tử địa” xóm Trường

Gần tròn năm năm sau trận lũ lịch sử, chúng tôi trở lại xóm Trường (thôn Triêm Đức, Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên). Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Nguyễn Đức Thi kể lại, trận lũ lớn đêm 2/11/2009 ấy đã khiến gần 20 người bị lũ cuốn chết, tài sản các hộ dân đều bị hư hại, nhiều người dân phải bỏ làng tới nơi ở mới.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, 45 hộ dân dần ổn định cuộc sống ở nơi tái định cư. Con đường bê tông dẫn thẳng vào dãy nhà hơn 40 ngôi nhà kiên cố được xây dựng từ sự trợ giúp của các tổ chức. Chị Thảo, người dân ở đây bảo, mất nhiều năm khó khăn, thiếu thốn vì nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, đến nay, mọi người mới bước đầu “bắt nhịp” cuộc sống mới. Trong khi đó, xóm Trường cũ giờ cỏ mọc um tùm kín những lối ra vào, bên những nền nhà đổ nát. “Giờ cuộc sống người dân gắng gượng lắm mới chỉ bằng như năm năm trước”, chị Thảo nói.

Thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có gần 60 nghìn người dân thuộc hơn 17.200 hộ ở cả 9 huyện, thị xã, TP sống trong vùng ảnh hưởng lũ lụt, sạt lở, lũ quét, triều cường trong mùa mưa bão năm 2014. Trong đó, hơn 7 nghìn hộ với gần 29.500 nhân khẩu cần được sơ tán.

Nhà chị Thảo cách “vùng tử địa” xóm Trường hơn cây số. Đêm lũ định mệnh ấy, gia đình chị Thảo có năm người bị nước lũ cuốn trôi, tử vong. “Đêm tối, nước ập đến, phá bung nhà cửa. Nước từ khắp các ngả sông Kỳ Lộ như đổ hết vào xóm Trường. Những mái nhà cao lớn chỉ phút chốc bị dòng nước đục ngầu, chảy xiết phủ đến nóc. Nhiều mảng tường bị sập đổ, tiếng la hét thất thanh vọng cả một xóm. Ba tôi, hai chị em dâu gần nhà, hai đứa cháu trai bị nước lũ ập vô, nhấn chìm”, chị Thảo nghẹn giọng.

Anh Võ Minh Thanh, chồng chị Thảo nhớ lại: “Con Thái nhà tôi lúc đó ba tuổi nổi bềnh trên mặt nước, kịp bám vào cây dừa thoát chết. Chị Mai tôi đang mang bầu bị cô lập giữa dòng nước lũ, cứu được chị nhưng cái thai bị hư”.

Còn đó nhiều “xóm Trường”

Theo ông Thi, hiện không còn xóm Trường dưới vùng trũng của nước lũ nhưng trên địa bàn vẫn nhiều hộ có nguy cơ ngập lụt, nước lũ chia cắt mỗi khi mùa mưa lớn như ven  sông Kỳ Lộ, dọc các thôn Phước Hạ, Kim Đức, Phú Sơn...

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Phú Yên nhận định: Vấn đề gây bức xúc dư luận tại Phú Yên mỗi mùa mưa bão là việc xả lũ của các công trình thủy điện. Trên địa bàn tỉnh có ba công trình thủy điện chính đều trên lưu vực sông Ba là Krông H’Năng, sông Ba Hạ và Sông Hinh. Nếu xả lũ, thủy điện Krông H’Năng sẽ xả vào hồ chứa của thủy điện sông Ba Hạ, lưu lượng xả lũ tối đa của hai công trình lên tới gần 36 nghìn m3/giây.

Biểu đồ ngập lụt cho thấy: Nếu lưu lượng lũ xả 4 nghìn m3/giây, nhiều vùng đất sản xuất của người dân dọc sông Ba bị ảnh hưởng; lũ xả 6 nghìn m3/giây, nhiều vùng dân cư bị ngập; xả trên 10 nghìn m3/giây, cả TP Tuy Hòa và hàng loạt các địa phương khác ngập nặng. Chưa kể, công trình thủy điện An Khê-Ka nak (Gia Lai) lấy nước từ sông Ba và đưa nước vận hành vào sông Côn (Bình Định), nhưng khi xả lũ thì xả về sông Ba làm cho vấn đề xả lũ thủy điện trên lưu vực sông Ba vốn phức tạp, nay lại càng khó điều tiết. Khi đó, thật khó nói hết sẽ có bao nhiêu “tử địa xóm Trường” nữa sau những trận lũ dữ định mệnh.

Trong khi đó, dù đã có quy trình song việc vận hành liên hồ chứa dành cho các công trình thủy điện trên lưu vực sông Ba vẫn chưa quy củ. Các công trình thủy điện cũng chưa xây dựng bản đồ xả lũ hàng năm để tạo điều kiện di dời dân cư cho chính quyền các địa phương vùng xung yếu.

Ngân Hà -Lệ Văn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.