Giáo dục

Miệt mài làm shipper, chàng trai đậu đại học ở tuổi 26 với số điểm cao ngất

10/09/2021, 01:00

Đậu đại học ở tuổi 26 với số điểm cao ngất nhưng cuộc đời của Vương Vĩ mới thực sự khiến cho người ta thêm phần ngưỡng mộ.

Trong số những người có thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học tại Trung Quốc năm nay, có một chàng trai 26 tuổi tên Vương Vĩ, đạt 623 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học, dư 226 điểm so với điểm đầu vào của Đại học Hồ Bắc.

Điều đáng kinh ngạc hơn nữa, Vương Vĩ sau khi biết kết quả thi đại học của mình, vẫn tiếp tục công việc giao đồ ăn (shipper) như mọi ngày.

Vương Vĩ cho biết: “Tôi không cảm thấy khó khăn, tôi chỉ muốn làm việc chăm chỉ để trả tiền sinh hoạt và học phí, sau đó sẽ tập trung vào việc học của mình”.

Cuộc đời của Vương Vĩ khiến ai cũng phải bất ngờ

Khi tìm hiểu về Vương Vĩ, mọi người bất ngờ khi biết tiểu sử của chàng trai 26 tuổi này không hề đơn giản.

img

Trên thực tế, Vương Vĩ đã từng đậu đại học vào năm 2013 nhưng sau đó vì ham chơi mà bỏ học.

Sau những tháng ngày lăn lộn kiếm sống, anh nhận ra nếu không có một tấm bằng trong tay, không có kiến thức sẽ rất khó để tồn tại.

Trải qua những tháng ngày gian khổ anh mới càng thêm trân trọng giá trị của việc học. Vì thế, anh quyết định học tập chăm chỉ để quay trở lại trường học một lần nữa.

Vương Vĩ khi tự đánh giá về bản thân mình đã nói: “Cuộc đời tôi giống như một đồng xu, có mặt tích cực và tiêu cực”. Anh cũng hy vọng rằng, câu chuyện về anh sẽ như một lời cảnh báo dành cho các bạn trẻ.

Năm 2013, Vương Vĩ được nhận vào trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc ngành kỹ thuật thực phẩm với số điểm 590.

img

Việc đậu đại học đã khiến anh ngủ quên trên chiến thắng, hoang mang không biết mục tiêu của mình là gì, tương lai sẽ như thế nào, ngày nào cũng chìm đắm trong game.

Vào năm cuối đại học, vì thi rớt hầu hết các môn nên nhà trường buộc phải cho anh thôi học.

Nghỉ học, Vương Vĩ phải lăn lộn ngoài đời để kiếm sống. Trải qua muôn vàn khó khăn, anh nhận ra một quy luật của xã hội, đó là “ở thời đại này, học tập vẫn là con đường tốt nhất”.

Khi anh quyết định thi đại học lần nữa, một số người cho rằng anh đang bị ám ảnh về trình độ học vấn.

Thế nhưng anh cho biết: “Học vấn đối với một kẻ nghèo như tôi thực sự rất quan trọng. Tôi không cao cũng chẳng đẹp trai. Tôi không có điều kiện gia đình tốt cũng chẳng có tài năng gì cả. Vậy nên học tập chính là con đường tốt nhất”.

Sau khi xác định mục tiêu của cuộc đời mình, Vương Vĩ bắt tay vào hành động. Thế nhưng, đối với một người khi đang đi làm, việc ôn thi quả thật không hề dễ dàng.

Ban đầu, anh tận dụng thời gian rảnh giữa các lần đi giao đồ ăn để học nhưng nhận ra cách học này không hiệu quả. Sau đó, anh quay trở lại trường học ở tuổi 25, dành 1 năm để tập trung ôn thi.

img

Sau khi suy nghĩ, Vương Vĩ phân tích điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Sau 1 năm kiên trì, thành tích của anh đứng đầu lớp luyện thi.

Kết quả kỳ thi tuyển sinh năm nay là minh chứng rõ ràng nhất cho những gì anh cố gắng không ngừng nghỉ suốt thời gian qua. Điểm số của anh thậm chí còn cao hơn so với lần thi đầu tiên.

Có thể nói rằng, chính những năm tháng năm lộn ngoài đời, thấu hiểu được sự cực khổ của việc không có kiến thức lẫn bằng cấp, anh mới nhận ra giá trị của việc học.

Tin tức về Vương Vĩ ngập tràn trên rất nhiều tờ báo lớn ở Trung Quốc. Người ta ca ngợi anh là một người truyền cảm hứng cho giới trẻ. Vào đại học ở tuổi 26 quả thực khiến cho người khác phải ngưỡng mộ.

Anh cho biết, việc xác định mục tiêu phấn đấu cũng là quá trình tự xây dựng tâm lý cho bản thân mình.

Chính vì thế, bỏ qua rào cản tuổi tác, anh vẫn tự tin mình có thể thích nghi cùng với những bạn học đáng tuổi em của mình.

Không phải ai cũng có nghị lực cao như Vương Vĩ, có thể tự vực dậy tâm lý, “ngã ở đâu đứng dậy ở đó”, quyết tâm làm lại cuộc đời của mình.

Câu chuyện của Vương Vĩ đã cho thấy có ít nhất 2 yếu tố khiến một người có thể lội ngược dòng trước sóng gió cuộc đời.

1. Bản thân tự nhận thức được vấn đề của chính mình

Tiến sĩ Kenneth Ginsberg tại Đại học Pennsylvania đã phát hiện ra rằng: “Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một đứa trẻ không phải việc giáo viên truyền thụ kiến thức, mà đó là việc bản thân trẻ có nhận thức được vấn đề của chính mình hay không”.

Khi nhận thức được bản thân có những vấn đề gì, trẻ cần được trau dồi những phẩm chất như tự tin, khả năng thích ứng, sự linh hoạt, tinh thần tự chủ, ham học, có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.

Nếu một đứa trẻ chỉ biết chiến thắng mà chưa từng đối mặt với thất bại, khó khăn, thử thách, chúng sẽ khó tạo ra sự đột phá trong cuộc sống của mình.

Vì vậy, khi con cái còn nhỏ, bố mẹ ngoài việc trau dồi cho trẻ kiến thức còn phải chú trọng đến nhân cách của trẻ.

2. Có mục tiêu và kế hoạch trong cuộc sống

Tiến sĩ Kenneth cho rằng, bố mẹ nên ngừng việc chú ý đến thành tích của con cái sau tuổi 18.

Bố mẹ không nên gieo vào đầu con cái suy nghĩ nhất định phải vào cho bằng được một trường đại học tốt thì mới kiếm được việc làm sau này.

Bố mẹ nên định nghĩa cuộc đời của con cái như một chạy đua marathon, dùng tầm nhìn dài hạn để giúp trẻ hoạch định cuộc đời của mình.

Mỗi khi đối mặt với sai lầm, thất bại, chỉ có nghị lực, bình tĩnh đối mặt mới có thể vượt qua nỗi đau này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.