Bên lề

Minh bạch bán vé bóng đá, tại sao không?

12/12/2018, 10:39

Những ngày qua, hình ảnh đoàn người gồm chủ yếu là thương binh lớn tuổi gây náo loạn trụ sở VFF...

1_zing

Hàng trăm thương binh tập trung bên trong cổng Liên đoàn bóng đá Việt Nam để mua vé ưu tiên. Ảnh: Zing

Họ tụ tập đòi mua vé xem trận chung kết AFF Cup 2018 cùng thái độ hung hăng, gây mất trật tự và đe dọa an ninh. Thậm chí, một nhóm thương binh còn mua bia, rượu, đồ ăn tới… liên hoan ngay tại sảnh chính trụ sở VFF.

Nhiều ý kiến cho rằng, những người lính già này đã làm xấu hình ảnh Bộ đội cụ Hồ, xấu màu áo họ từng khoác lên vai để vào sinh ra tử nơi chiến trường. Đó là chưa kể đa phần sau khi có vé đều chủ động bán lại để kiếm chênh lệch. Nhưng nhìn từ góc độ người hâm mộ bóng đá Việt Nam, hành vi của họ giống như tức nước vỡ bờ, trước sự thiếu minh bạch của VFF khi phân phối vé.

Không phải đến bây giờ, câu chuyện vé mới trở nên nóng sốt. Gần như ở các giải đấu lớn có tuyển Việt Nam tham dự, vé luôn là vấn đề nhức nhối. Vấn đề không phải nằm ở hình thức bán vé bởi bán vé trực tiếp hay online, việc sở hữu tấm vé với người hâm mộ cực kỳ khó khăn. Có chăng, khi chuyển sang bán trực tuyến, hình ảnh xếp hàng, chen lấn, xô đẩy đã được triệt tiêu. Nhưng hình ảnh nhóm thương binh “quậy” trụ sở VFF còn để lại ấn tượng xấu xí gấp bội.

Sân Mỹ Đình có sức chứa 40 nghìn chỗ ngồi nhưng VFF thông báo chỉ bán online 10.300 vé. Vậy 29.700 nữa VFF bán cho ai, qua những kênh nào? Ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký VFF khẳng định, họ phân phối số vé còn lại cho Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á, CĐV đội khách, nhà tài trợ giải đấu, nhà tài trợ đội tuyển, các đối tác, các tổ chức thành viên, các CLB, cầu thủ… tất cả đều minh bạch. Tuy nhiên, VFF lại không thể đưa ra con số cụ thể, thể hiện sự minh bạch. Cộng thêm việc mua vé online giống như chơi xổ số, còn vé chợ đen vẫn được rao bán la liệt, giá cao gấp 10 lần, người hâm mộ có quyền đặt ra câu hỏi: Liệu VFF có tuồn vé ra chợ đen? Nhưng khi cố gắng liên lạc để tìm câu trả lời từ VFF, Báo Giao thông không nhận được hồi âm.

Nhìn sang Malaysia, trận chung kết lượt đi, Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) bán ra khoảng 80 nghìn vé, gần hết sức chứa sân Bukit Jalil. Nhưng do nhu cầu quá lớn, nhiều người vẫn phải săn vé chợ đen với giá cao hơn từ 2-3 lần. Tuy vậy, FAM không hề phải hứng chịu sự chỉ trích nào.

Nói vậy để thấy rằng, kể cả khi việc bán vé được minh bạch, nạn phe vé vẫn rất khó dẹp. Đơn giản, đó là quy luật thị trường, có cầu ắt có cung, cầu càng cao thì giá càng cao. Tại World Cup 2018, giá vé chợ đen ở trận chung kết cao nhất lên tới hơn 40 nghìn USD, gấp gần 40 lần giá niêm yết của FIFA. Nhưng đặt ngược lại vấn đề, nếu lượng vé phân phối tới tay người hâm mộ cao hơn, việc mua vé dễ dàng hơn, làn sóng phản đối VFF chắc chắn không lớn đến thế.

Tại World Cup 2018, những người đặt vé đều được cấp mã số. Phải có mã số này mới được nhập cảnh vào Nga và mua vé tại hàng trăm địa điểm khác nhau. Còn ở Thái Lan, việc phân phối vé được Liên đoàn Bóng đá Thái Lan hợp tác với một công ty chuyên nghiệp, chuyên biệt. Trình độ khoa học công nghệ của VFF có thể chưa đáp ứng được việc bán vé giống như Nga nhưng học theo Thái Lan hẳn không quá khó. Vấn đề chỉ là VFF có muốn làm hay không, có muốn minh bạch hay không?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.