Giao thông

Minh bạch đầu tư BOT giao thông (Bài 1)

30/05/2016, 06:02

Gần đây, dư luận nghi ngờ về các dự án đầu tư BOT giao thông không minh bạch. Sự thật có phải như vậy?

1

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án BOT khi đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng còn khoảng 1,5 giờ thay vì 2,5 giờ như trước đây - Ảnh: Tạ Tôn

Gần đây, dư luận lên tiếng nghi ngờ về các dự án đầu tư BOT giao thông không minh bạch. Sự thật có phải như vậy? Quy trình triển khai các dự án này lâu nay ra sao, lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng, vận hành thu phí, bảo trì như thế nào? Báo Giao thông khởi đăng loạt bài “Minh bạch đầu tư BOT giao thông” làm rõ những vấn đề này. 

Bài 1: BOT giao thông được đầu tư, xây dựng thế nào?

Danh mục đầu tư các dự án BOT phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Việc lựa chọn nhà đầu tư, quản tiến độ, chất lượng công trình cũng được Bộ GTVT triển khai chặt chẽ, không phân biệt ngân sách hay BOT.

Cấp thiết đầu tư hạ tầng bằng vốn xã hội hóa

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, từ những ngày đầu triển khai kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015, ngành GTVT phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nguồn vốn đầu tư bị thiếu hụt trầm trọng, là rào cản lớn nhất.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, hàng trăm công trình giao thông phải dừng, đình hoãn, giãn tiến độ. “Nguồn vốn vay ODA ưu đãi cho ngành GTVT liên tục bị cắt giảm, vốn ngân sách cho bảo trì rất thiếu, trong khi số lượng phương tiện vận tải tăng nhanh khiến hệ thống đường bộ xuống cấp nghiêm trọng. Nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông khi đó cấp bách hơn lúc nào hết”, ông Huy chia sẻ.

Đầu năm 2012, Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 13, trong đó đề ra mục tiêu trọng tâm về hạ tầng giao thông. Triển khai chủ trương này, tại các phiên họp thường kỳ năm 2013, 2014 và 2015, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đa dạng hóa hình thức huy động vốn, đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP).

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Kết quả, trong 5 năm 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng đầu tư hơn 60 dự án BOT và BT. “Hiện tại, 26 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, còn lại 36 dự án đang triển khai đầu tư. Các dự án đưa vào sử dụng cơ bản đảm bảo chất lượng, triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành”, ông Huy nói.

2

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT - Ảnh: Tạ Tôn

Quản chặt BOT như công trình ngân sách

Liên quan đến quy trình đầu tư các dự án BOT, BT, ông Huy khẳng định, tất cả các khâu từ chủ trương đầu tư, quá trình triển khai xây dựng, khai thác vận hành đều được thực hiện chặt. Trước hết, danh mục đầu tư các dự án phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương. Sau đó, Bộ GTVT công bố công khai danh mục các dự án để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu.

“Quy trình lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành công khai, minh bạch trên cơ sở nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng được yêu cầu về tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đối với dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Còn lại, dự án nào có từ hai nhà đầu tư trở lên, Bộ GTVT tiến hành đấu thầu rộng rãi”, ông Huy nói.

Để ngăn nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, chỉ trông chờ vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, Bộ GTVT ban hành Quyết định 8003 quy định về năng lực tài chính của các nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Các nhà đầu tư phải đóng 100% vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi thành lập doanh nghiệp dự án và dự án chỉ được ký hợp đồng chính thức khi nhà đầu tư đã góp đủ 100% vốn chủ sở hữu. Trường hợp nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu về vốn chủ sở hữu, hợp đồng ký tắt không còn hiệu lực và Bộ GTVT có quyền thay thế nhà đầu tư khác, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và nhà đầu tư không được đền bù bất kỳ chi phí nào đã bỏ ra.

Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, tổ công tác liên ngành gồm đại diện các Bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và chính quyền địa phương nơi dự án đi qua tiến hành đàm phán với nhà đầu tư về hợp đồng dự án với các nội dung liên quan đến phương án tài chính, mức thu phí, thời gian hoàn vốn… rồi mới tiến tới ký tắt hợp đồng dự án khi các bên đạt được thỏa thuận.

“Hợp đồng chính thức giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư chỉ được ký kết khi dự án được Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời nhà đầu tư phải góp đủ vốn chủ sở hữu và ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng theo quy định”, ông Huy nói.

Còn theo ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, quá trình triển khai, từ phương án thiết kế kỹ thuật, thi công, giá thành xây dựng… các dự án BOT đều được rà soát, thẩm tra chặt giống như các công trình sử dụng Ngân sách Nhà nước. Cụ thể, ngày 4/10/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3085 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban QLDA đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT. “Quy định này được ví như chiếc “gậy” để đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của nhà đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình”, ông Hiển nói và cho biết, bất cứ dự án nào manh nha dấu hiệu chậm tiến độ đều được chấn chỉnh ngay.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty XDCTGT4 cho biết, kể từ năm 2012, các quy định về quản lý đối với dự án BOT ngày càng hoàn thiện. “Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015, ở tất cả các khâu từ lựa chọn nhà đầu tư, công tác khảo sát thiết kế, lập dự toán, đến nghiệm thu quyết toán đều được thực hiện giống như đối với công trình sử dụng ngân sách”, ông Nghĩa nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, từ công đoạn lập danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức BOT, Bộ GTVT đều công khai rộng rãi để các nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm tìm hiểu. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tất cả các khâu từ thiết kế, thi công,… đều được Bộ GTVT rà soát, thẩm tra rất chặt.

Thời điểm đó, dự án nào manh nha chậm tiến độ, lãnh đạo Bộ GTVT xử lý, chấn chỉnh ngay. Nhiều đơn vị thi công yếu kém không đảm bảo tiến độ bị cắt giảm, điều chuyển khối lượng, thậm chí bị thay thế. Điển hình vào tháng 7/2014, ngay khi phát hiện tình trạng thi công yếu kém của các nhà thầu tại dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đoạn Buôn Hồ - Buôn Ma Thuột theo hình thức BOT, lãnh đạo Bộ GTVT đã lập tức yêu cầu nhà đầu tư Quang Đức thay thế toàn bộ nhà thầu bằng các đơn vị thi công khác có năng lực và kinh nghiệm hơn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.