Tài chính

Mở cửa kinh tế: Doanh nghiệp muốn kế hoạch mở cửa rõ ràng, cụ thể

11/10/2021, 10:00

Hiện độ phủ vaccine khá cao, nhiều doanh nghiệp đạt 80-100%, nên cần sớm có kế hoạch mở cửa một cách toàn diện, đơn giản hóa các thủ tục.

Kỳ 6: Doanh nghiệp muốn kế hoạch mở cửa rõ ràng, cụ thể

Quay cuồng sắp xếp kế hoạch, dây chuyền, nhân công để giữ đơn hàng, doanh nghiệp mong muốn các địa phương nhanh chóng mở cửa trở lại, tạo hành lang để họ được chủ động, linh hoạt kế hoạch sản xuất nhằm giữ đơn hàng, giữ khách, giữ thị trường…

img

Doanh nghiệp mong muốn nới khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất

Chia đơn, tăng ca, tăng lương, thưởng

Ngay sau khi một số tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, Công ty CP May 10 ngay lập tức thiết lập lại chuỗi sản xuất nhằm giữ các đơn hàng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, trước kia, công ty thường có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ 3 - 6 tháng, nhưng hiện đã chuyển sang thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày, huy động làm thêm giờ hàng ngày hoặc làm thêm một vài chủ nhật trong tháng bù đắp những thiếu hụt do không giao hàng kịp của những lần giãn cách trước.

“Vừa qua, nhiều nhà máy trực thuộc công ty phải tạm đóng cửa ảnh hưởng lớn đến tiến độ giao hàng. Một số phải hủy và đền hợp đồng, số khác phải mất thêm nhiều chi phí để thực hiện đúng tiến độ”, ông Việt nói.

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam cho biết, giữ được đơn hàng qua mùa dịch, doanh nghiệp (DN) đã đạt thắng lợi 50%.

Hơn nữa, giữ được đơn hàng chính là phát triển được đơn hàng mới. Do đó, việc quan trọng nhất của DN hiện tại là thiết lập lại bộ máy để giữ được tối đa các đơn hàng.

Thời gian dịch vừa qua, dù công ty vận hành lỗ do phát sinh quá nhiều chi phí nhưng may mắn là vẫn giữ được 70% đơn hàng sản xuất các thiết bị cơ khí.

Hiện, những cơ sở ở Hà Nội, TP.HCM đang được sản xuất lại, công nhân được động viên làm thêm giờ để kịp cho những đơn hàng gần đến hạn.

Công ty cũng đàm phán với đối tác chia nhỏ đơn để phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời phòng trường hợp phải thực hiện giãn cách trở lại.

“Công nhân được phân nhóm, khoán thời gian theo đơn. Mỗi giờ làm thêm sẽ được trả gấp đôi lương giờ và làm thêm vào ngày nghỉ lễ sẽ được trả 200% lương ngày”, ông Kết nói và cho biết, kế hoạch này rất được ủng hộ bởi người lao động muốn được làm nhiều giờ hơn sau thời gian dài nghỉ dịch, còn công ty lại dễ kiểm soát đơn hàng.

Công ty May 10, SKD Việt Nam chỉ là 2 trong số nhiều DN đang tìm mọi cách xoay xở để giữ đơn hàng trong bối cảnh khó khăn bủa vây vì Covid-19.

Theo kết quả khảo sát tháng 9 của Hiệp hội Dệt may (Vitas) và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), gần 70% DN dệt may và da giày bị nhãn hàng phạt vì giao hàng chậm trong năm 2021, hơn 12% nhãn hàng hủy đơn hàng, yêu cầu DN phải đền hợp đồng.

Nhiều đơn hàng cũng bị dịch chuyển cho đối tác khác, ở quốc gia khác mà Nike là một trường hợp điển hình.

Cũng theo kết quả khảo sát, gần 50% DN da giày, dệt may cho biết, họ chậm giao hàng do các đợt giãn cách xã hội kéo dài, thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển tăng gấp đôi, chưa kể chi phí vận tải, logistics cũng bị đội lên chóng mặt.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, linh hoạt

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho biết, để “cứu” các đơn hàng, cơ quan chuyên môn cần có kế hoạch mở cửa sản xuất trở lại càng sớm càng tốt, trong đó kế hoạch mở cửa phải rõ ràng và có thời gian cụ thể.

Đến nay dù đã có chuyện hủy đơn hàng, chuyển đơn hàng nhưng chưa có việc dịch chuyển các nhà máy của DN FDI khỏi Việt Nam. Bởi, việc dịch chuyển một nhà máy đang hoạt động tại quốc gia này sang một quốc gia khác không đơn giản, có thể mất hàng năm vì phải làm nhiều thủ tục cả phía bên chuyển và bên nhận.
Việt Nam gặp khó khăn hơn trong năm 2021, nhưng so với các nước xung quanh, chẳng hạn như Trung Quốc khi đang trong bối cảnh thiếu điện trầm trọng, hay các nước khác về dịch bệnh, hay chính trị thì Việt Nam vẫn được xem là môi trường đầu tư hấp dẫn. Các nhà đầu tư FDI, trong đó có Hiệp hội các DN Nhật Bản đều khẳng định Việt Nam là một nơi đầu tư tốt và phần lớn các DN đều muốn tăng vốn đầu tư ở Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài


Theo bà Xuân, hiện độ phủ vaccine khá cao, nhiều DN đạt 80 - 100%, nên cần sớm có kế hoạch mở cửa một cách toàn diện, đơn giản hóa các thủ tục mở cửa, tránh tình trạng mỗi địa phương một kiểu để việc tiêm vaccine có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, để các DN Việt làm kịp các đơn hàng cho đối tác, nhà chức trách cần nghiên cứu bỏ quy định số giờ làm thêm trong 1 tháng, để tạo điều kiện cho DN được chủ động, linh hoạt kế hoạch sản xuất, phù hợp với thực tiễn chạy đua “trả nợ” đơn; nới khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất, để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt lao động trầm trọng do dịch Covid-19 gây ra.

Ngoài ra, theo bà Xuân, khi DN có kế hoạch làm thêm giờ thì dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Điều này giúp DN chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc theo tình hình thực tế của DN về nguyên liệu và lực lượng lao động.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), việc chuyển đơn hàng hay hủy đơn hàng có thể xảy ra ở các tập đoàn lớn hoặc DN FDI bởi những DN này có rất nhiều nhà máy ở nhiều quốc gia khác nhau.

Khi Việt Nam đứt gãy chuỗi cung ứng thì họ sẽ phải chuyển đơn hàng đi các nước khác. Hoặc ngược lại, nếu các nước khác khó khăn thì đơn hàng cũng có thể chuyển cho Việt Nam.

Đơn cử như năm 2020, cho đến đầu năm 2021, tình hình Việt Nam tốt hơn, chúng ta cũng đã nhận được các đơn hàng từ các nước khác.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển đơn hàng hiện nay cho thấy, các DN của chúng ta đang bị tổn thương. Chúng ta đừng để tạo thành tiền lệ đánh giá môi trường kinh doanh xấu, dù là do tác động của dịch bệnh.

Đưa ra các giải pháp phù hợp để giữ chân DN FDI là rất cần thiết, nếu không sẽ xảy ra sự dịch chuyển thực sự.

Thực tế cho thấy 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chung rất thấp nhưng tăng trưởng về xuất khẩu vẫn rất khả quan. Trong đó, khu vực FDI tăng trưởng cao, xuất siêu lớn, bù đắp được cho nhập siêu cao của DN trong nước.

“Điều này có nghĩa, tình hình trong nước khó khăn nhưng đơn hàng xuất khẩu của DN FDI đang “kéo” tăng trưởng”, GS. Nguyễn Mại nói và khẳng định, đây cũng là lúc chúng ta cần tìm kiếm thị trường mới, tranh thủ các cơ hội mới. Đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA...

Đồng thời, giải pháp cần nghĩ tới đầu tiên đó là một kế hoạch hành động giữ chân người lao động, bởi nếu có đơn hàng mà không có người làm thì không giải quyết được vấn đề gì.

Kỳ 1: Nỗi lo thiếu vốn lưu động

Kỳ 2: DN thiếu lao động trầm trọng

Kỳ 3: Doanh nghiệp đôn đáo lo đầu vào, xoay xở tìm đầu ra

Kỳ 4: Làm gì để doanh nghiệp khôi phục sản xuất?

Kỳ 5: Cách nào giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.