Thị trường

Mở cửa kinh tế: Doanh nghiệp sẵn sàng nhưng cần “mệnh lệnh” xuyên suốt

14/09/2021, 11:31

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ, đã sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch bệnh, nhưng cần "thông" tư duy quản lý cấp địa phương thì mới thành công...

Tín hiệu tốt để mở cửa nền kinh tế

Tháng 8, xuất khẩu da giày chỉ giảm 38,2% là “may mắn” nhờ các doanh nghiệp (DN) phía Bắc “kéo” lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất thì việc mở cửa dần kinh tế là giải pháp “cấp máu” kịp thời để giữ DN, giữ nền kinh tế.

Đó là những mong mỏi khẩn thiết của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam chia sẻ với PV Báo Giao thông trong bối cảnh, những tháng còn lại của năm là mùa sản xuất cao điểm giao hàng cho mùa đông ở Mỹ và châu Âu.

img

Dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc ảnh hưởng tiêu cực sản xuất kinh doanh; Nhưng ngay tại Hà Nội, vẫn xảy ra việc thôn vẫn tự lập chốt cứng, hàn bằng que sắt cố định ngay trong đêm khiến DN cung ứng hàng hóa thiết yếu phải ngừng hoạt động.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, đây là thời điểm tốt, tín hiệu tốt để mở cửa trở lại nền kinh tế. Đừng chậm trễ thêm nữa!

“Nếu việc chậm mở của sản xuất, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ đối mặt với việc “đối tác chuyển đơn hàng” và mất luôn mối làm ăn khi tình trạng thiếu hàng và tăng giá ở châu Âu và Mỹ khiến họ phải phải bằng mọi giá tìm nguồn cung”, bà Xuân bày tỏ.

Là DN có 6 nhà máy sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu đi thị trường châu Âu và Mỹ, ông Thân Văn Hùng, Tổng Giám đốc công ty CP Visimex cũng cho biết, đây là thời điểm "vàng" để khôi phục lại nền kinh tế sau thời gian chịu tác động mạnh của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Theo ông Hùng, thời điểm cuối năm là thời điểm tăng tốc của nền kinh tế, đây cũng là thời điểm đơn hàng nhiều, nhu cầu tăng cao để phục vụ cho nhiều ngày lễ cuối năm của các nước châu Âu.

Bởi vậy, tháng 9, tháng 10 là lúc DN cần sắp xếp ổn định về cả tinh thần, cơ cấu, tổ chức....để tăng tốc sản xuất. Nhờ đó, mới giữ chân được đối tác trong những kế hoạch đơn năm sau.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho biết, các công ty trong ngành đang cực kỳ kiệt quệ, có những đơn vị đã đóng cửa ba tháng nay. Do đó, VITAS đã kiến nghị năm vấn đề tới Thủ tướng Chính phủ và các địa phương để phục hồi lại sản xuất.

Theo VITAS, quan trọng nhất là phải xác định tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn là sống chung với dịch bệnh bởi thực tế đã chứng minh rằng: Không thể chối bỏ sự tồn tại của dịch bệnh này và cũng không thể đưa ra phương pháp nào để triệt tiêu chúng.

“Tôi cho rằng không thể đóng cửa mãi vì nguy cơ đứt gãy nguồn cung của ngành công nghiệp dệt may và nhiều ngành khác là cực kỳ lớn. Chúng tôi đang chịu rất nhiều áp lực khi khách hàng đang dần dần rút đơn hàng, chuyển sang các thị trường như Trung Quốc và một số nước khác”, ông Giang nêu thực tế.

Cần “mệnh lệnh” xuyên suốt

Các DN, Hiệp hội nhận định, từ những vướng mắc về việc cấp “giấy đi đường”, từ việc “ngăn sông cấm chợ”, hay việc “tỉnh lộ thông nhưng thôn lộ, ấp lộ tắc”... cho thấy sự thiếu đồng bộ từ các cấp. Do đó, để sớm hồi phục nền kinh tế, thì cần có “mệnh lệnh” xuyên suốt...

Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, thời gian vừa qua, nền kinh tế bị ảnh hưởng phần lớn do doanh nghiệp bị “ngăn sông cấm chợ”. Tức là nơi cho lưu thông, nơi đóng chặt khiến họ không thể thực hiện mục tiêu “3 tại chỗ”, chán nản khi không thể làm gì.

Như vậy, để mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải dỡ bỏ ngay rào cản này. Để làm được điều này, bà Xuân đề nghị cho doanh nghiệp được góp ý rộng rãi các văn bản chính sách để tránh trường hợp khi ra rồi áp dụng không được thì lại thu hồi, gây khó khăn cho DN.

“Phải có một mệnh lệnh từ trên xuống và đưa vào văn bản để chỉ đạo thống nhất chứ không chung chung là khuyến khích, tạo điều kiện, giao trách nhiệm cho địa phương tự thực hiện để xảy ra tình trạng mỗi nơi một kiểu như thời gian vừa qua”, bà Xuân nhấn mạnh.

Còn trong việc lưu thông, đại diện Lefaso góp ý: Cần mở đồng bộ, tránh tình trạng nơi mở nơi không mở sẽ không triển khai được sản xuất, bởi chuỗi cung ứng không phải ở một tỉnh mà rải rải ở nhiều địa phương.... khi thực tế có những xã, phường chặt tới mức gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của nhà kinh doanh, người dân. Nhưng cấp trên cũng đành “bó tay”.

Đó cũng là những góp ý của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang để mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo ông Giang: Làm sao các địa phương phải thực sự thấu hiểu, phải làm theo một chương trình hành động, xuyên suốt từ trên xuống dưới và địa phương nào cũng giống như địa phương nào...

Đại diện các DN, Hiệp hội cũng đề nghị có hướng dẫn, chỉ đạo chung để những công nhân đã tiêm mũi 1, mũi 2 được tạo điều kiện được đi làm để không lãng phí nỗ lực “miễn dịch cộng đồng” trên cơ sở được hướng dẫn đào tạo về các giải pháp y tế tại chỗ, để mỗi DN đều biết cách xử lý vấn đề. Lúc này, DN sẽ yên tâm mở cửa trở lại, còn nhà nước cũng được giảm tải nguồn lực.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, vấn đề đưa lao động trở lại nhà máy cần phải làm ngay. DN cần có tính toán, kiến nghị để có sự phối hợp của Chính phủ, địa phương để đưa công nhân quay trở lại thành phố.

"Để tổ chức lại sản xuất, cần nguồn lực lao động rất lớn. Song, lượng người lao động đã dịch chuyển trong làn sóng dịch Covid-19 vừa qua đang bị kiểm soát chặt chẽ ở các địa phương, tạo ra đứt gãy về nguồn lực và không có nguồn lực này thì dây chuyền sản xuất không thể hoạt động được", bà Xuân nói.

Còn Tổng Giám đốc công ty CP Visimex cho rằng, mấu chốt chính nhất chính là lên các phương án rủi ro vì đã mở cửa nền kinh tế thì DN đang đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Cụ thể, có dự phòng nhân sự để có thể thay phiên nhau, lên chính sách khuyên khích họ sẵn sàng tham gia; Đồng thời dự phòng chuỗi logistics; Các dịch vụ phụ trợ; Dự phòng rủi ro của đối tác cả cung ưng nguyên liệu và đầu ra sản phẩm...

Mặt khác, dự phòng các tình huống xấu nhất có thể xẩy ra và phương án xử lý để không bị động. Từ đó, có kiến nghị kịp thời đến các cấp liên quan xử lý tháo gỡ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.