Tài chính

Mở cửa kinh tế: Cách nào giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp?

06/10/2021, 08:02

Hàng loạt chi phí đầu vào tăng vọt khiến doanh nghiệp điêu đứng, chật vật xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Việc này có thể tác động tới mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2021.

Chi phí đầu vào đồng loạt đội giá

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cộng thêm nhiều chi phí phát sinh khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” để phải đảm bảo phòng dịch khiến việc mở cửa trở lại của doanh nghiệp (DN) cũng là một thách thức.

img

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics cho rằng, có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm cả trăm nghìn tỷ đồng mỗi tháng nếu cho họ tự test Covid-19. Ảnh: Tạ Hải

Theo đó, 9 tháng đầu năm, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản phẩm công nghiệp tăng lần lượt 2,82% và 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất cũng tăng 4,87%. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,66%; Dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,18...

Ông Trần Ngọc Ngũ, đại diện Công ty CP Erosun Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, giá cước vận tải quốc tế và nội địa tăng mạnh khiến cho lợi nhuận của công ty giảm mạnh.

Một container 40 feet vận chuyển từ Malaysia về Việt Nam đã tăng từ 300 USD lên mức 3.000 USD và duy trì trong nhiều tháng nay.

Cùng đó, cước vận chuyển nội địa cũng đã tăng gấp 3. Đơn cử một chuyến hàng đi Bắc Giang những ngày giãn cách đã lên đến 2,2 triệu đồng thay cho mức 700 nghìn đồng/xe 1,75 tấn những tháng đầu năm.

Chưa kể, giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu của công ty là các thiết bị bằng kim loại cũng đã tăng thêm 20% trong bối cảnh giá sắt thép kim loại trên toàn cầu tăng mạnh.

“Ước tính, chi phí đầu vào tăng hơn 40%, bao gồm chi phí xét nghiệm, duy trì hoạt động 3 tại chỗ. Nhẩm tính, mỗi tháng khoản chi thêm cho chi phí đầu vào mất vài trăm triệu đồng”, ông Ngũ nói và cho biết, một sản phẩm bán ra trong thời điểm này, doanh nghiệp sẽ giảm lợi nhuận bằng số chi phí đầu vào tăng thêm bởi giá bán ra đã được điều chỉnh tăng 20% vào năm ngoái.

Hiện việc sản xuất chỉ mở “cầm chừng” chứ chưa dự báo được tình hình sản xuất kinh doanh để ra chiến lược giá.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Vương, Giám đốc Công ty CP Giấy Việt Pháp chia sẻ, do giá cước logistics quốc tế và giá nguyên vật liệu tăng cao, nguyên liệu bột giấy và giấy từ nước ngoài 2 tháng nay không thể nhập khẩu nên công ty phải tìm nguồn trong nước thay thế.

Trong khi đó, so năm ngoái, giá trong nước cũng đã tăng mạnh. Nguyên liệu giấy bán ra từ 5 triệu đồng lên 7 triệu đồng/tấn, bột giấy từ 10-12 triệu đồng lên mức 15 triệu đồng/tấn.

Lý do là chi phí vận tải tăng mạnh, chi phí xét nghiệm duy trì sản xuất 3 tại chỗ cũng khiến giá đội lên cao.

“Cước vận chuyển đã tăng khoảng 40%, từ mức 400 nghìn đồng/tấn lên 600 nghìn đồng/tấn. Chi phí nhân công tăng hơn 4 triệu đồng/người, trong đó chi phí xét nghiệm mức 2 triệu đồng/người, chi phí trả lương và sinh hoạt 3 tại chỗ tăng thêm 2 triệu đồng/người”, ông Vương dẫn chứng.

“Không gói hỗ trợ nào bằng giảm chi phí xét nghiệm”

Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, chi phí an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) quá lớn là nguyên nhân chính khiến 80% các nhà máy sản xuất da giầy tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… - những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giầy lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do không cân đối được lợi nhuận kinh doanh.

Theo đại diện hiệp hội, các DN dù đã chuẩn bị kế hoạch khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới nhưng quy định xét nghiệm định kỳ nói trên lại chưa được thay đổi khiến họ không mặn mà.

Báo cáo từ Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam - VCCI cũng nêu rõ, với nhóm các DN trên 500 lao động, có 44,44% số DN tăng chi phí ATVSLĐ từ 10-20% và có 5,56% số DN tăng chi phí ATVSLĐ từ 20-30%.

“Trong bối cảnh sản xuất khó khăn, thậm chí phải thu hẹp sản xuất, việc tăng thêm các chi chí ATVSLĐ, đặc biệt là chi cho các biện pháp phòng dịch như chi phí test Covid-19, đảm bảo ATVSLĐ khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “2 điểm đến 1 cung đường”... đang là gánh nặng đối với nhiều DN. Theo các hiệp hội và DN, nguồn lực của các DN đang cạn kiệt do phải chi phí rất nhiều cho phòng chống dịch. Điều này cũng là nguyên nhân khiến giá đầu vào tăng cao”, VCCI thông tin.

Trong khi đó, thực tế, các doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” đang gặp khó khăn trong việc hạch toán các chi phí phát sinh khi thực hiện “3 tại chỗ” vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp bởi không thể có hóa đơn, chứng từ.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho rằng, thực tiễn cho thấy, để duy trì hoạt động kinh tế thì phải “thông” được hoạt động lưu chuyển hàng hóa và giảm tối đa chi phí cho DN.

Theo ông Nghĩa, hiện nay, dù nhiều địa phương đã có những quy định mới để mở cửa trở lại nền kinh tế, tuy nhiên, quy định xét nghiệm khi vận chuyển hàng hóa gần như không thay đổi và chưa có chuyển biến tích cực so với thời điểm cao điểm dịch.

Vấn đề xét nghiệm lái xe hiện đang được các địa phương áp dụng không đồng nhất về phương pháp xét nghiệm, thời hạn kết quả xét nghiệm.

Ông Nghĩa ước tính, với trung bình khoảng 200 nghìn đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp có giá trị trong vòng 72 giờ thì chi phí xét nghiệm trực tiếp cho một lái xe vào khoảng 2 triệu đồng/tháng/10-12 lần xét nghiệm.

Ngoài ra, chưa kể các chi phí gián tiếp khác như vì một lý do nào đó mà xe sẽ phải ở lại thêm ngày như chờ xét nghiệm ở địa phương hoặc xe bị hỏng hóc... thì tiền ăn và tiền nghỉ phải chi thêm cả triệu đồng mỗi ngày.

“Chi phí xét nghiệm lái xe phục vụ việc lưu chuyển hàng hóa là một chi phí rất lớn, lớn hơn cả mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng”, ông Nghĩa nói.

Trong khi đó, hợp đồng vận chuyển hàng lại thường ký theo năm, đối tác nước ngoài sẽ không chấp nhận khoản phát sinh, do vậy chi phí này doanh nghiệp phải gánh.

Ví dụ, vận chuyển một chuyến hàng từ TP.HCM đến Móng Cái, cước vận tải 1 chiều ngưỡng hơn 30 triệu đồng thì hiện nay lợi nhuận bị thâm hụt từ 10-20% (theo chi phí phát sinh), tương đương 3-6 triệu đồng.

“Với mức chi phí xét nghiệm lái xe của Delta ngưỡng 300 triệu đồng/tháng/150 đầu xe, lợi nhuận sụt giảm cũng tương ứng”, ông Nghĩa nói và cho biết, nếu ước lượng với khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa trên cả nước đang phải xét nghiệm với tần suất 3-5 ngày/lần thì con số chi phí lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Đây là con số khổng lồ. Nếu bỏ được khoản chi phí này thì đây chính là một khoản hỗ trợ mà không có “gói” hỗ trợ nào lớn bằng!

Bởi vậy, theo ông Nghĩa, việc nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm này thực sự cấp bách khi việc này giúp trực tiếp tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm.

Giám đốc một công ty chế biến nông sản tại Long An (sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng hoa quả sấy, bánh kẹo…) cho biết, công ty tổ chức “3 tại chỗ” cho khoảng 500 lao động trong tổng số 2.500 lao động.

Tính riêng chi phí xét nghiệm trong hơn 2 tháng qua đã ngốn hơn 1 tỷ đồng.

Vị giám đốc cho biết, dù sắp tới sẽ bỏ hoạt động “3 tại chỗ”, tuy nhiên, việc xét nghiệm vẫn phải tuân thủ do phần lớn người lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine như yêu cầu, thậm chí có người còn chưa được tiêm mũi 1.

Chi phí này khiến giá thành sản xuất tại nhà máy tăng khoảng 15%, nếu tính chi phí vận chuyển tăng khoảng 40-50% đến các điểm phân phối, trung bình sản phẩm bán ra sẽ tăng khoảng 12-15 nghìn đồng/kg/sản phẩm.

“Giá thành tăng, doanh nghiệp có tăng giá bán ra?”, trả lời câu hỏi của Báo Giao thông, nhiều DN cho biết, trước mắt sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ để thiết lập lại thị trường. Tuy nhiên, ở bài toán kinh doanh thì việc tăng giá đầu ra theo biến động đầu vào phải theo một ngưỡng quy định để đảm bảo quỹ dự phòng rủqqi ro cho hoạt động lâu dài. Bởi vậy, việc tăng giá sẽ là kịch bản khó tránh.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính:
Giá cả có thể tăng ngắn hạn và cục bộ

Trong ngắn hạn, về tổng thể, Covid-19 khiến thu nhập của người dân sụt giảm, nhu cầu yếu nên giá cả chưa tăng mạnh.

Đối với một số nguyên vật liệu như nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giá có thể tăng mạnh nhưng tỷ trọng của các mặt hàng này trong rổ hàng hóa CPI (chỉ số giá tiêu dùng) không lớn.

Do đó, lạm phát trung bình năm 2021 chỉ khoảng hơn 2% bởi sẽ có những yếu tố tạo thuận lợi cho kiểm soát lạm phát như: Nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế như nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu... vẫn được điều hành đảm bảo.

Do ảnh hưởng của Covid-19 và giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên giá một số lương thực, thực phẩm tăng cao, song sự tăng giá này chỉ ngắn hạn và diễn ra cục bộ tại một số địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.