Tài chính

Mở cửa kinh tế: Hạch toán chi phí phòng dịch vào chi phí sản xuất

18/10/2021, 06:36

Để duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp tại TP.HCM phải bỏ thêm vài tỷ đến vài chục tỷ đồng chi cho phòng dịch mỗi tháng.

Kỳ 8: Hạch toán chi phí phòng dịch vào chi phí sản xuất

Bởi vậy, TP.HCM vừa đề xuất với Chính phủ cho phép đưa toàn bộ chi phí phát sinh của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hạch toán vào chi phí sản xuất.

img

Để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí phòng, chống dịch rất lớn (Trong ảnh: Công nhân Công ty May Đức Bổn (Khu chế xuất Tân Thuận) thực hiện sản xuất 3 tại chỗ)

Tăng chi phí hàng tháng

Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh “3 tại chỗ” bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định, doanh nghiệp đã phải chi trả nhiều khoản phát sinh rất lớn như: Chi phí cho các khoản xét nghiệm y tế, tiền ăn (3 bữa/ngày) và thu nhập tăng thêm cho lao động. Chỉ riêng 3 khoản này đã tiêu tốn của doanh nghiệp rất nhiều tiền, chưa kể thay đổi cơ cấu sản xuất, thiết kế lại nhà xưởng, trang bị cho công nhân chỗ ăn, chỗ ở…

Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Trung Hiếu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, để duy trì hoạt động vận tải và logistics trong những tháng vừa qua, mỗi tháng công ty của ông phải tiêu tốn 5-7 tỷ đồng, trong đó, chi phí xét nghiệm cho nhân viên là nhiều nhất.

Cụ thể, công ty có khoảng 500 nhân viên, cứ 3 ngày xét nghiệm một lần (mỗi tháng một người xét nghiệm 10 lần), vị chi mỗi tháng phải làm xét nghiệm 5.000 lượt.

Giá xét nghiệm y tế từng thời điểm có khác nhau nhưng bình quân là 250.000 đồng/lần. Như vậy, chỉ riêng tiền xét nghiệm cho mỗi nhân viên khoảng 2,5 triệu đồng, với 500 nhân viên, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 1,25 tỷ đồng.

Ngoài ra, mỗi nhân công phải được bảo đảm ăn 3 bữa/ngày; tiền làm ngoài giờ, chi phí phun khử khuẩn, thiết bị bảo hộ y tế, người làm vệ sinh, tổ chức căng-tin ăn uống... Các khoản này cũng tốn hơn 1 tỷ đồng. “Chỉ là duy trì hoạt động dịch vụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng và mất khách hàng chứ đừng nói lời lãi gì ở đây. Nhìn vào là biết chúng tôi lỗ nặng rồi”, ông Trung nói.

Tương tự, ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc Công ty Gemadept cho biết, với cả nghìn nhân viên đang làm việc cảng ở Cái Mép - Thị Vải và nhân viên logistics, trong những tháng qua, mỗi tháng công ty phải chi hơn 40 tỷ đồng cho công tác chống dịch và thực hiện “3 tại chỗ”.

Tất cả những chi phí này hiện công ty vẫn đang phải tự hạch toán vì chưa có hướng dẫn nào khác.

Lãnh đạo một doanh nghiệp phục vụ hàng hoá tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho biết, trung bình mỗi tháng công ty phải bỏ ra chi phí tăng thêm cho công tác chống dịch khoảng 14 tỷ đồng, trong đó chi phí xét nghiệm cho hàng trăm nhân viên gần 8 tỷ đồng.

Đại diện doanh nghiệp này phản ánh: “Có những chi phí rất vô lý. Chẳng hạn mỗi ngày phải phun khử khuẩn tốn mấy trăm nghìn đồng, rất không cần thiết nhưng không thực hiện thì y tế địa phương không duyệt phương án an toàn cho công ty hoạt động”.

Cần đưa vào chi phí sản xuất

Ông Nguyễn Xuân Châu, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Việt Long Sài Gòn cho biết, với 80 công nhân hoạt động 3 tại chỗ trong suốt 3 tháng qua, chi phí cho công tác chống dịch tại doanh nghiệp trong những tháng vừa qua là rất lớn.

Theo ông Châu, điều bất hợp lý là các chi phí này chưa được tính vào là chi phí sản xuất: “Cần đưa chi phí phòng, chống dịch vào chi phí phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vì trên thực tế những chi phí này này để phục vụ sản xuất, kinh doanh”.

Tương tự, một lãnh đạo công ty phục vụ hàng hoá ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho rằng, trước đây mỗi năm công ty nộp cho ngân sách thành phố gần 200 tỷ đồng, trong giai đoạn khó khăn này, Nhà nước cần có những chính sách hợp lý hỗ trợ để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Cụ thể ở đây là cho phép hạch toán các chi phí phòng, chống dịch vào chi phí sản xuất kinh doanh.

“Hơn 14 tỷ đồng so với số thuế hàng năm công ty nộp vào ngân sách không phải là quá lớn, nhưng với doanh nghiệp thì số tiền đó hiện nay rất quan trọng. Bởi nếu không được hạch toán, công ty phải chi trả toàn bộ, kinh phí đó phải co kéo, cắt giảm từ các khoản khác, tính ra cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động”, vị này nói.

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, qua các buổi đi kiểm tra thực tế về công tác tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp, lãnh đạo TP.HCM đã thấy các doanh nghiệp phải gồng gánh rất nhiều.

“Để làm việc “3 tại chỗ”, mỗi tháng công ty phải bỏ ra chi phí gần 3 triệu đồng/nhân viên. Có doanh nghiệp hàng chục nghìn lao động, tính ra chi phí rất lớn”, bà Thắng nói và cho biết, ở TP.HCM, những doanh nghiệp phải duy trì sản xuất với con con số công nhân trên dưới chục ngàn người không hiếm, nhất là ở các KCN-KCX.

Thấu hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ cho phép đưa toàn bộ chi phí phát sinh của doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch được hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời, thành phố kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng, giảm 30% thuế giá trị gia tăng từ 1/10 - 31/12/2021, miễn tiền chậm nộp thuế phát sinh của năm 2020, 2021 cho các doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020…

Kỳ 1: Nỗi lo thiếu vốn lưu động

Kỳ 2: DN thiếu lao động trầm trọng

Kỳ 3: Doanh nghiệp đôn đáo lo đầu vào, xoay xở tìm đầu ra

Kỳ 4: Làm gì để doanh nghiệp khôi phục sản xuất?

Kỳ 5: Cách nào giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp?

Kỳ 6: Doanh nghiệp muốn kế hoạch mở cửa rõ ràng, cụ thể

Kỳ 7: Doanh nghiệp khát vốn lãi suất thấp

Cần có chứng từ hợp lệ

Liên quan tới việc quyết toán thuế đối với các chi phí phòng chống dịch Covid-19, thông tin với Báo Giao thông, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, tổng cục đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, trong đó nêu rõ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp chi cho công tác phòng chống dịch khi có hoá đơn, chứng từ hợp lệ thì được khấu trừ khi tính chi phí chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong trường hợp doanh nghiệp chỉ có phiếu thu, không có hoá đơn, trong phiếu thu này phải ghi rõ các thông tin đúng với chi phí thực tế, hợp lý, hợp lệ.

Các chứng từ được coi là hợp lý, hợp lệ đều được quy định rõ trong Nghị định 119/2018/NĐ-CP và Nghị định 123/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng hoá đơn.

“Với các chứng từ là các khoản doanh nghiệp đã chi thực tế cho công tác phòng chống dịch nhưng chưa được ghi nhận là hợp lý, hợp lệ theo quy chuẩn, doanh nghiệp cần liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ để hoàn thiện chứng từ. Bởi cơ sở y tế khi cung cấp dịch vụ, thu tiền nhưng không xuất hoá đơn là sai”, vị này khuyến nghị.

Đối với vấn đề khoản chi của doanh nghiệp hỗ trợ cho cá nhân người lao động trong xét nghiệm hay điều trị Covid-19, hỗ trợ cách ly, hoặc chi phí phát sinh khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”… có bị tính vào chi phí chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động hay không, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn về vấn đề này.

Theo đó, các khoản chi này không bị tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. “Vì các khoản này bản thân người lao động không mong muốn được hưởng mà là chi phí doanh nghiệp bỏ ra, hỗ trợ người lao động trong quá trình phòng, chống dịch bệnh”, đại diện Tổng cục Thuế nói.

Lưu Thủy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.