Tài chính

Mở cửa kinh tế, những đòi hỏi từ thực tế: Nỗi lo thiếu vốn lưu động

27/09/2021, 10:00

Để vận hành trở lại, vấn đề “tiền đâu” là nỗi lo của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng đã gần được bao phủ, dòng chảy kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn, thậm chí nhiều nước đã có sức bật nhanh khi phục hồi.

Nền kinh tế không thể tiếp tục chờ đợi một ngày “sạch bóng” Covid-19 mới hoạt động trở lại. Vậy để vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… cần chuẩn bị gì, những khó khăn, vướng mắc nào cần tháo gỡ ngay?

Kỳ 1: Nỗi lo thiếu vốn lưu động

Để vận hành trở lại, vấn đề “tiền đâu” là nỗi lo của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

img

Cùng với thúc đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Doanh nghiệp khát vốn

Công ty VMPC (Hà Nội) đang “khát” vốn để mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, khi xuất khẩu giảm thêm 6% thời gian gần đây và giảm mạnh 60-70% kể từ khi bùng phát dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Vinh Huỳnh, Phó giám đốc công ty cho biết, 10 năm qua, hoạt động xuất khẩu bột khoáng sản sang thị trường Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka luôn tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên gần đây, cước vận chuyển tăng đột biến từ 300 USD/container 20 feet lên tới 3.000 USD; nhiều đơn bị huỷ, chậm, khách hàng không chấp nhận tăng giá… khiến chi phí giao mỗi chuyến hàng tăng thêm cả trăm triệu đồng.

“Càng bán hàng càng lỗ nhưng phải chấp nhận để giữ chân đối tác, giữ chân thị trường bởi chỉ cần một lỗi nhỏ là họ sẵn sàng bỏ mình để chọn đối tác khác”, ông Huỳnh nói và cho biết công ty đã mất gần 60 tỷ đồng doanh thu thời gian qua.

Bởi vậy, để hoạt động trở lại, cần nhất lúc này là vốn lưu động. Công ty đã lên kế hoạch vay 10 tỷ đồng với lãi suất 7%/6 tháng.

10 tỷ đồng này là chi phí thiết yếu nhất để vận hành bộ máy khoảng 6 tháng với kịch bản là được mở cửa trở lại, không phải đền bù hợp đồng và không rủi ro giá bán thấp hơn giá đầu vào.

Lãnh đạo một công ty chuyên sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay là lưu thông hàng hoá.

Hoạt động kinh doanh của họ đã “đóng băng” tại nhiều địa phương khi loạt chi nhánh phải ngừng hoạt động hoàn toàn nhiều tháng nay, khiến hàng nghìn lao động không có việc làm.

Để vận hành lại các chi nhánh và hệ thống sản xuất, công ty cần nguồn vốn khoảng vài nghìn tỷ đồng.

“Dù sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu nhưng chúng tôi cũng “bó tay” khi các thôn lập chốt cứng không qua được. Mỗi ngày, hàng chục tấn nông sản thối rục vì không thể vận chuyển qua chốt của các thôn”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Đã liên hệ với ngân hàng để vay vốn nhưng lãnh đạo công ty cho biết thủ tục gặp khó khăn do công ty đang có một khoản nợ 200 tỷ đồng; chưa kể hoạt động của công ty bị đánh giá là lĩnh vực có tính rủi ro cao, trong khi tài sản thế chấp bị định giá thấp, phần lớn tài sản là thuê trang trại nông nghiệp để làm nhà xưởng, khu sản xuất...

“Nếu không tiếp cận được nguồn vốn mới, công ty sẽ không thể trả lãi khoản vay cũ cũng như chi phí duy trì hàng tỷ đồng mỗi tháng, thậm chí sụp đổ cả hệ thống sản xuất nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và lưu thông hàng hoá khó khăn trong vài tháng tới”, vị lãnh đạo lo lắng và cho hay, giải pháp của công ty hiện nay là “vừa làm vừa nghe ngóng”, kêu gọi nhân viên chấp nhận giảm lương hoặc nghỉ không lương.

Để vận hành trở lại, vấn đề “tiền đâu” là nỗi lo của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, vấn đề tài chính là cốt lõi nhất để doanh nghiệp mở cửa trở lại hiện tại.

Trong khi chi phí đều tăng như test Covid-19 cho người lao động, trung bình 3 triệu đồng/người/tháng và chi phí phòng dịch khác.

Thậm chí ngay cả khi doanh nghiệp phải đóng cửa vẫn có nhiều khoản chi phí phải trả như trả lương ngừng việc, tiền thuê đất, lãi vay ngân hàng, chi phí điện, nước…

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng chia sẻ, với những doanh nghiệp lớn, dù sụt giảm doanh thu thì họ vẫn có thể gượng dậy được ngay bởi họ có khoản dự phòng rủi ro, có uy tín để vay vốn.

Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực chủ yếu chỉ có con người. Đại diện VLA kiến nghị khoanh nợ ngay cho những doanh nghiệp này, đồng thời bảo lãnh để tái cấp vốn cho họ hoạt động.

Dốc vốn, mở chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

img

Để vận hành trở lại, vấn đề “tiền đâu” là nỗi lo của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Trao đổi với Báo Giao thông, giám đốc chi nhánh một ngân hàng top 4 tại Hà Nội xác nhận: Khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay khi đi vay vốn là vẫn còn nợ cũ tại ngân hàng, có nợ xấu, tài chính doanh nghiệp khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm.

“Ngân hàng rất thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp hiện nay. Chúng tôi đang cố gắng sàng lọc, với các doanh nghiệp khó khăn sẽ có chính sách hỗ trợ riêng, nhiều ưu đãi.

Thậm chí nhiều doanh nghiệp do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên tình hình tài chính rất kém nhưng chúng tôi đã cùng doanh nghiệp hạch toán chi phí dự án hợp lý, tư vấn cho doanh nghiệp các phương án để họ tiếp cận được vốn và khởi động lại sản xuất”, vị này nói và cho biết, tại ngân hàng này đang ưu đãi cho cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ khó khăn do Covid-19, với mức lãi suất thấp nhất chỉ 5%/năm nếu vay vốn dưới 6 tháng và từ 5,5%/năm nếu vay vốn 6-12 tháng.

Về chính sách chung của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên song song với việc kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước đôn đốc các tổ chức tín dụng trong triển khai Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

“Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực đặc thù như hàng không, thủy sản, ngành ngân hàng đã có những cơ chế hỗ trợ riêng. Ví dụ như đã tái cấp vốn xong 4.000 tỷ đồng cho 3 ngân hàng để họ cho Vietnam Airlines vay.

Ngành ngân hàng cũng đang họp bàn việc cho vay các hãng hàng không tư nhân, mặc dù trước đó các tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất ưu đãi và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ”, ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Hay với lĩnh vực thủy sản, ông Tuấn Anh cho biết, ngành ngân hàng đã cho vay các thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý; Mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo.

“Các ngân hàng cũng linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý dòng tiền; Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin thêm, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần giảm các mức lãi suất điều hành và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm 1,55%/năm so với trước dịch.

Về chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp, thông tin với báo Giao thông, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngoài các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch (đến nay đã chi 21,4 nghìn tỷ đồng), Bộ đã tham mưu cho Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp như Nghị định số 52/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đến ngày 31/12/2021 khoảng 115 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay đã thực hiện được 85 nghìn tỷ đồng. Hay chính sách giảm 30% các khoản thuế xăng dầu, nhiên liệu bay; ban hành gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và miễn tiền phạt chậm nộp thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Tổng gói này khoảng 21.300 tỷ đồng.

“Như vậy, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm nay ước chừng 203,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hơp với bộ ngành liên quan có các gói hỗ trợ như giảm tiền cước viễn thông, tiền điện, hoặc gói giảm lãi suất, chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 41 nghìn tỷ đồng. Tổng gói hỗ trợ là 250 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Tính đến nay, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/8, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng.

Lũy kế từ 23/1/2020 - 31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.

Trong số đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7 - 31/8 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.

Tính đến 31/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.