Đời sống

Chuyện của những người một tháng mở đường cứu nạn ở Quảng Nam

03/12/2020, 10:20

Bất chấp nguy hiểm tính mạng, những "người hùng" thầm lặng xông pha tuyến đầu mở đường cứu nạn, tìm kiếm người mất tích ở Quảng Nam.

img
Mở đường cứu nạn vào tìm kiếm người mất tích ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam

Thầm lặng mở đường cứu nạn

Mưa lớn vẫn không ngừng trút xuống núi rừng huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam). Cả một vùng trời đất, rừng núi đen tối sầm sì.

Con đường cứu nạn vào thôn 3, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), nơi đang tiếp tục tìm kiếm 4 người mất tích vẫn còn hàng chục điểm sạt lở, hàng trăm mét khối đất đá vùi lấp.

Bám trụ hiện trường sạt lở, mở đường cứu nạn hơn 1 tháng nay, các phương tiện xe máy, công nhân vẫn đang ngày đêm cật lực, làm việc không mệt mỏi di chuyển đất đá, khơi thông tuyến đường cứu nạn.

Từ ngày nhận nhiệm vụ mở đường cứu nạn, nhiều công nhân, kỹ thuật giao thông vẫn chưa được về thăm gia đình, vợ con. Ngày ngày, họ dầm mình dưới cơn mưa, ăn ngủ ngay trên buồng lái, đối mặt với những hiểm nguy sạt lở vùi lấp bất cứ lúc nào.

Hơn 10 năm kinh nghiệm lái máy, anh Trần Văn Dũng (quê huyện Đại Lộc, Quảng Nam), công nhân lái máy Công ty CP công trình GTVT Quảng Nam tâm sự: Những ngày cuối tháng 10/2020, địa bàn miền núi Quảng Nam, các vụ sạt lở rừng núi liên tục xảy ra, vùi lấp hàng chục người.

Ngày 30/10, anh được công ty điều động làm nhiệm vụ mở đường cứu nạn ở Phước Sơn. Khi đó, nhà đang bị tốc mái, chưa được lợp lại. Vợ và 2 con nhỏ đang tạm lánh sang ở nhà ông bà.

"Lúc ấy, tâm trạng tôi đầy lo lắng, phân vân. Sạt lở đường, rừng núi quá kinh hoàng. Hiểm nguy, bất trắc có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhà cửa thì tan hoang, vợ con phải mang sơ tán", anh Dũng nhớ lại.

Sau một đêm suy nghĩ, anh quyết định gác lại việc nhà, khăn gói ba lô cùng xe máy vào tuyến đầu hiện trường sạt lở, mở đường cứu nạn.

"Hơn 10 năm lái máy công trình ở những địa bàn rừng núi hiểm trở nhất, đến khi vào hiện trường sạt lở, tôi vẫn không thể tưởng tượng mức độ sạt lở kinh hoàng đến vậy.

Có những đoạn đứt đường hoàn toàn, nhiều vị trí taluy âm bị sạt cuốn trôi toàn bộ mặt đường, ăn sâu vào vách núi, có những đoạn gần như cả quả đồi núi vùi lấp, không còn dấu vết con đường.

Nhiều lần, đoạn đường cứu nạn vừa được mở, khơi thông, hôm sau sạt lở tiếp tục vùi lấp. Xe máy, công nhân rơi vào thế cô lập", anh Dũng kể lại.

Không có nhiều kinh nghiệm "chiến trường" như anh Dũng, công nhân trẻ Nguyễn Đặng Đức (quê huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) mới chỉ có 3 năm kinh nghiệm nhưng cũng không chút do dự, chần chừ khi nhận lệnh vào tuyến đầu mở đường cứu nạn.

Anh đã có mặt tại huyện Phước Sơn vào thời điểm gian nguy nhất. Anh kể, hôm nhận lệnh lên Phước Sơn, vợ khuyên can nên ở nhà chờ trời tạnh ráo rồi đi.

Anh động viên vợ yên tâm và nói thêm, anh em đều nhận lệnh đi cả, mình ở nhà sao được. Lúc này đơn vị, mọi người đang cần mình, ở nhà là hèn, trốn tránh trách nhiệm.

img

Ròng rã hơn 1 tháng trời bám hiện trường mở đường cứu nạn, công nhân lái máy Trần Văn Dũng được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam khen thưởng.

"Ròng rã 1 tháng nay, anh em lái máy đều ăn ở trên xe. Ngày ôm buồng lái, đêm ngả lưng trên ghế buồng lái. Món ăn thường trực là mỳ tôm, sữa và nước suối. Đường mở đến đâu, xe tiến vào đến đó, ăn ngủ tại chỗ", anh Đức cười hiền.

Nói về động lực bám hiện trường, mở đường cứu nạn ròng rã hơn 1 tháng qua, anh Dũng chia sẻ: "Anh em làm việc bằng tinh thần trách nhiệm và hơn hết, bà con, người dân vùng sạt lở, vùng cô lập đang cần chúng tôi. Người dân ở đó cũng như người dân làng quê tôi. Tình cảm đó đã thôi thúc chúng tôi làm việc".

Sẵn sàng "chờ lệnh" nơi tuyến đầu

Theo một cán bộ huyện Phước Sơn, khi các tuyến đường huyện vào các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) bị sạt lở, giao thông chia cắt, các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc rơi vào thế cô lập, mọi thông tin liên lạc đều không có. Nhiệm vụ cấp bách nhất lúc ấy là mở đường cứu nạn. Có đường cứu nạn, giao thông được thông suốt, công tác cứu hộ, giúp dân sẽ được kết nối.

Ban đầu nhiệm vụ mở đường được chính quyền địa phương huy động các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn và một số lực lượng xe máy ngành GTVT tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, khi vào hiện trường được mấy ngày thì nhân công, xe máy của các đơn vị doanh nghiệp khai thác khoáng sản bỏ cuộc, rút lui vì quá khó khăn.

Trước tình thế đó, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam tiếp tục huy động phương tiện, máy móc, nhân công tăng cường vào tuyến đầu.

Sau hơn 20 ngày ròng rã, chạy đua với thời gian, thời tiết khắc nghiệt, tuyến đường cứu nạn vào 3 xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc được hoàn thành bước 1.

Đến nay, tuyến đường cứu nạn vào hiện trường sạt lở vùi lấp 4 người mất tích vẫn đang được khẩn trương khắc phục, thông tuyến.

img

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam (thứ 2 từ bên phải) đến hiện trường mở đường cứu nạn "cùng ăn, cùng ở" với công nhân lái máy.

"Hơn 20 ngày sống trong cảnh cô lập, chia cắt, điều mong muốn nhất của người dân xã Phước Lộc là tuyến đường vào xã Phước Lộc được nối lại. Giao thông thông suốt, đường cứu nạn mở ra thì hàng hóa, lương thực thực phẩm, nước uống sẽ được tiếp tế thuận lợi cho người dân vùng cô lập, cuộc sống người dân sẽ được đảm bảo.

Bởi vậy, khi tuyến đường cứu nạn được khơi thông, không chỉ chính quyền địa phương, mà người dân xã Phước Lộc hết sức phấn khởi, vui mừng. Có đường, người dân sẽ có tất cả", ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc bày tỏ.

Trực tiếp vào hiện trường mở đường cứu nạn thăm hỏi động viên, "cùng ăn, cùng ngủ" với cán bộ kỹ thuật, công nhân lái máy, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: Trong những ngày mưa lũ, tin tức sạt lở núi, vùi lấp, chia cắt đường liên tục báo về, các đơn vị, lực lượng ngành GTVT tỉnh Quảng Nam luôn ở trong tâm thế "chờ lệnh".

"Ở đâu cần mở đường, thông tuyến, chúng tôi luôn sẵn sàng có mặt, làm việc với tất cả trách nhiệm, hình ảnh của ngành GTVT.

Chính những tinh thần làm việc như vậy, trong những ngày qua, từ lãnh đạo các đơn vị, cán bộ kỹ thuật, công nhân ngành GTVT luôn có mặt ở tuyến đầu mở đường cứu nạn, khắc phục, thông tuyến, phá thế cô lập, tạo kết nối các vùng dân cư, địa bàn bị chia cắt vì sạt lở, mưa lũ", ông Văn Anh Tuấn nói.

Ghi nhận về những nỗ lực thầm lặng của những công nhân lái máy mở đường cứu nạn ở huyện Phước Sơn, ngày 23/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã trực tiếp vào hiện trường tuyên dương, khen thưởng và động viên. Trong đó, 8 đơn vị, lực lượng ngành GTVT tỉnh Quảng Nam được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.