Đường sắt

Mở đường đưa nước về Rừng Lá

31/01/2016, 07:25

Khu vực Rừng Lá những năm 80 của thế kỷ trước luôn khó khăn chất chồng, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt.

15
Công nhân Cung đường Sông Dinh (thuộc khu Rừng Lá) hiện nay đã có nước để đảm bảo sinh hoạt - Ảnh: Thanh Thúy 

Khu vực Rừng Lá những năm 80 của thế kỷ trước luôn khó khăn chất chồng, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt. Anh em công nhân đường sắt ở khu vực này thường phải sinh hoạt, kể cả ăn uống bằng nước suối rất không đảm bảo vệ sinh. Lúc đó, có một vị Chủ tịch Công đoàn đường sắt đã lần mò để tìm ra được nguồn nước, giải quyết nỗi khổ bao năm.

Đi xe goòng tìm nước

Tôi gặp ông trong căn nhà nhỏ ở phố Khương Trung, Hà Nội. Tuy đã về hưu được hơn chục năm, ở cái tuổi hơn 70 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn lắm, giọng nói rõ ràng, dễ nghe đúng chất của một thủ lĩnh công đoàn một trong những thời hoàng kim của đường sắt. Ông là Dương Văn Ước, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam thời kỳ đó.

Ông Ước nhớ lại thời kỳ ngành Đường sắt bắt đầu công cuộc đổi mới khoảng tháng 4/1989 - 1999. Nhiệm vụ đặt ra thời kỳ đổi mới rất nặng nề, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và thiết bị đường sắt xuống cấp, cũ kỹ, con người làm việc theo lối tư duy mới nhưng chưa bắt kịp. Trước tình hình đó, ông cứ đau đáu câu hỏi Công đoàn Đường sắt Việt Nam phải làm gì để thực hiện công cuộc đổi mới?

Đầu tiên phải nghiên cứu về những yêu cầu của sản xuất, yêu cầu cuộc sống thế nào và kiến nghị với chính quyền, tạo tinh thần đổi mới trong công nhân. Ông và anh em cán bộ cấp dưới đến những nơi xa xôi hẻo lánh đèo cao để kiểm tra tình hình làm ăn của CBCNVC và đời sống của anh em thế nào.

"Thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước được coi là một trong những giai đoạn hoàng kim của Công đoàn Đường sắt Việt Nam với nhiều phong trào thi đua lao động giỏi, chăm lo đời sống, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Không chỉ giải quyết khó khăn cho khu vực Rừng Lá, bác Ước còn cùng với chính quyền tìm cách giải quyết khó khăn cho đường sắt khu vực đèo Khe Nét, đèo Hải Vân, Bản Thí... Nguyên Chủ tịch Công đoàn Dương Văn Ước là tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập”.

Ông Mai Thành Phương
Chủ tịch Công đoàn
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Đến khu vực Rừng Lá từ TP Hồ Chí Minh ra Tháp Chàm rất khó khăn, gian khổ. Muốn lên Rừng Lá phải đi bằng goòng, tàu hỏa không đỗ, ô tô không vào được. Nhưng vấn đề khó nhất tại đây là từ thời Pháp quản lý, khu vực đường sắt này vẫn không giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt. Công nhân sau giờ lên ban vẫn phải lấy nước từ các suối, hứng nước mưa rất khổ, thậm chí lên ban ba bốn ngày không có nước tắm, phải chờ hết phiên vụ rồi mới xuống ban và có nước dùng.

Anh em công nhân chủ yếu lấy nước suối để sinh hoạt, nhưng cũng không đảm bảo vệ sinh được. Ông Ước cứ nghĩ tại sao lại không thể có nước? Trong khi đó ở những vùng rừng núi vẫn có thể tìm được nước. Để anh em công nhân khổ sở vì nước như thế thì làm việc tốt thế nào được. Thế nên ông hạ quyết tâm phải tìm bằng được nước.

Rừng Lá có nhiều ga, nhiều cung đường. Muốn có nước, ông Ước và các anh em phải khoan thăm dò rất nhiều địa điểm để tìm mạch nước ngầm. Địa thế ở đây rừng núi rất khó khoan giếng, nhiều lần khoan sâu mãi không được cũng đành bỏ cuộc để thăm dò chỗ khác. Cứ thế phải đến 1 năm sau, giếng khoan đầu tiên mới có nước. Dòng nước mạnh mẽ từ lòng đất đã thỏa được cơn khát bao năm của công nhân đường sắt tại đây.

“Giếng đầu tiên khoan được nước là ở một cung đường nằm sâu hun hút trong khu vực Rừng Lá. Tôi và anh em sung sướng bồi hồi khi tìm được nước, cảm động lắm”, ông Ước nhớ lại.

Từ thành công của giếng nước khoan này, trong vòng 2 năm khảo sát, cả chục ga và cung đường khu vực này dần dần đều tìm được nguồn nước giếng khoan. Có chỗ phải khoan đến hơn 60m mới có nước lên. Khoan phải thuê thợ bên ngoài.

“Mỗi lần dòng nước lên, tôi và anh em hạnh phúc lắm. Hồi đấy ông Hoan làm Chủ tịch Công đoàn trong khu Rừng Lá cứ mỗi lần khoan được giếng nước tiếp theo lại thông báo cho tôi vui lắm. Dần dần toàn bộ đơn vị khu vực này đều được giải quyết nước sạch”, ông Ước nhớ lại.

Lần nào vào công tác khu vực phía Nam, ông cũng lên Rừng Lá. Lên nhiều đến nỗi anh em thường gọi đùa là ông Ước nghiện Rừng Lá. Có lần lên, xe goòng bị hỏng nên cứ phải ngồi chờ dọc được cả mấy tiếng đồng hồ mới có tàu đi tiếp.

Sau khi có nước, anh em phấn khởi lắm. Nhưng Công đoàn chưa dừng lại, mà tiếp tục tìm cách giải quyết vấn đề điện cho khu vực này. Tôi bàn với anh Đoàn Văn Xê, Tổng Giám đốc trang bị cho mỗi ga một dàn chạy điện bằng ánh sáng mặt trời. Và Công đoàn cấp cho mỗi đơn vị một cái tivi. Vậy là các ga có điện, có nước, có tivi để cập nhật tin tức và văn hóa. Đó là khoảng năm 1984 hay 1985 gì đấy.

“Đây là những kỷ niệm những người làm Công đoàn chúng tôi không thể nào quên. Thằng “Tây” không làm được mà mình lại làm được”, ông xúc động nói và cho biết, Công đoàn muốn tiếp tục động viên người lao động yên tâm làm việc. Những nơi nào không có tivi, điện, đài, Công đoàn đều cố gắng đưa vào kế hoạch. Đơn vị nào làm tốt sẽ được tặng trước.

Và chuyện tinh giản biên chế

Ông Ước nhớ lại thời kỳ những năm 1990, toàn Tổng công ty lúc bấy giờ có khoảng 6 vạn người. Nhưng yêu cầu của tinh giản biên chế phải giảm 2 vạn. Đây là số lượng giảm rất lớn.

“Nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động, nên chúng tôi suy nghĩ nhiều lắm. Tự dưng mất 2 vạn người, anh em khó khăn, mất việc làm. Rồi đây họ sống ra sao?”, ông nói.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông bàn với chính quyền chia làm 2 loại lao động. Loại 1 là dây chuyền sản xuất chính và loại 2 là dây chuyền 2. Lao động loại 2 vẫn làm trong xí nghiệp nhưng được hạch toán bằng tiền lương riêng và làm các công việc phục vụ cho đường sắt hoặc các dịch vụ bên ngoài như mở các hàng bán ăn uống, công ty du lịch dịch vụ...

Hồi đấy ông Ước vẫn nói đùa với anh em rằng, đường sắt không giảm lao động, mà chỉ phân chia thành 2 loại. Loại 1 là “ăn” vào kết quả sản xuất của đường sắt, chi phí vào giá thành. Còn loại 2 là hưởng lương dịch vụ. Trừ những ai về hưu, còn lại những lao động có sức khỏe tốt vẫn được giữ lại làm việc. Ông cho rằng đây là chủ trương rất đúng bảo vệ được quyền lợi cho người lao động mà vẫn đảm bảo được yêu cầu tinh giảm biên chế.

“Cái kiểu giải quyết một lần tôi thấy rằng rất nguy hiểm. Người lao động cứ tưởng có một cục tiền là to, nhưng nếu không biết làm ăn xoay xở, trước sau gì cũng hết. Thế nên tôi thấy cách làm hồi đấy rất ổn định, anh em vẫn có việc làm”, ông nói và cho biết, thực tế hồi đấy Công đoàn cũng khá may mắn khi luôn được Tổng Giám đốc Đoàn Văn Xê ủng hộ, tạo điều kiện trong mọi hoạt động, phong trào. Trước khi làm Chủ tịch Công đoàn, ông cũng đã từng làm anh gác ghi, rồi Trưởng ga Hải Dương... nên đã thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân đường sắt. Thế nên hễ cứ làm được cái gì có lợi cho anh em là ông quyết tâm làm, không nề hà bất cứ việc gì.

Nay ông Ước đã về hưu, có thể sống an nhàn hưởng tuổi già vui vầy con cháu. Thi thoảng có dịp ông lại đi tàu vào Rừng Lá thăm bạn cũ, ôn lại kỷ niệm xưa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.