Xã hội

Mở “đường máu” cứu dân vùng lũ quét Kỳ Sơn: Mệnh lệnh từ trái tim

04/10/2022, 06:20

Ngay cả khi đối mặt với lằn ranh sinh tử ở vùng lũ quét, những người kỹ sư, công nhân của ngành GTVT vẫn mở “đường máu” vào sâu vùng lũ quét.

Dù nắng hay mưa, sạt lở hay ngập lụt, ngay cả khi đối mặt với lằn ranh sinh tử ở vùng lũ quét, những người kỹ sư, công nhân của ngành GTVT vẫn thể hiện tinh thần dũng cảm khi nỗ lực mở “đường máu” vào sâu vùng lũ quét.

img

Ngành GTVT nỗ lực thông đường QL7A tại vị trí bị lũ quét

Mệnh lệnh từ trái tim

Ngày 2/10, người dân ở huyện biên giới miền núi Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) tiếp tục có một đêm không ngủ khi phải hứng chịu trận lũ quét kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Trận lũ hình thành sau những trận mưa lớn kéo dài, cũng khiến hàng loạt tuyến đường giao thông trong khu vực bị sạt sở, trong đó có tuyến giao thông huyết mạch QL7.

img

Ông Ngô Viết Hưng, Phó trưởng Văn phòng đại diện QLĐBII.2 trực tiếp chỉ đạo thông đường trong đêm mưa lũ

Theo thống kê, trận lũ quét đã gây sạt lở tại hơn 10 điểm lớn trên tuyến QL7A đoạn qua huyện Kỳ Sơn.

Trong đó, có điểm tại bản 8, xã Tà Cạ, nguyên cả 1 quả đồi sạt xuống, gây ách tắc giao thông hoàn toàn qua đoạn này.

Đường tắc, huyện Kỳ Sơn, đặc biệt là khu vực bị lũ quét thuộc thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ bị cô lập hoàn toàn. Nếu không sớm thông đường thì không lực lượng nào tiếp cận, chi viện cứu trợ Kỳ Sơn được.

Tính đến 16h chiều 3/10, với những nỗ lực không mệt mỏi của những mũi đào xúc và sự hỗ trợ của các lực lượng, mọi ngả đường vào các khu vực chia cắt đã được nối thông. Bộ đội, biên phòng, công an, thanh niên tình nguyện đã đưa những nhu yếu phẩm đầu tiên vào cứu đói, sơ tán dân ở những nơi còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đồng thời, họ xắn tay cùng nhân dân hót dọn đất đá phía trong nhà, thu dọn đồ đạc, tìm kiếm những tài sản còn có khả năng sử dụng được. Riêng đoạn qua bản Cầu 8 cũng chỉ còn khoảng 100m đất, đang được đào xúc 2 đầu, phấn đấu hết ngày 3/10 sẽ thông xe bước 1.


Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam, Khu QLĐB II và Công ty CP 495 lập tức điều động xe máy, nhân công tới các điểm sạt “mở đường máu” lên Kỳ Sơn.

Đây là công việc vô cùng vất vả và nguy hiểm, các công nhân phải đứng giữa trời mưa giông trắng xoá để hốt dọn đất đá; đào đất moi chân khi phía trên là cả trăm ụ đất đá to đã nhiều ngày no nước, chỉ chờ trực ụp xuống và vùi lấp mọi thứ phía dưới. Đối với những kỹ sư, công nhân của ngành GTVT, đó lại là việc họ phải thường xuyên đối mặt trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Việt Phương, Trưởng Văn phòng đại diện QLĐBII.2 cho biết: “Đợt mưa lũ kéo dài từ 28/9 – 1/10 đã khiến QL7A ngập 12 điểm và 6 điểm sạt lở.

Trong đó, có điểm sạt lở tại Dốc Chó (huyện Con Cuông), có khối lượng rất lớn, lên đến khoảng 2.500m3.

Đến rạng sáng 2/10 nghe tin đồng bào huyện Kỳ Sơn bị lũ quét kinh hoàng, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Mệnh lệnh từ trái tim của tất cả cán bộ, kỹ sư, công nhân văn phòng và Công ty 495 là phải thông đường nhanh nhất để lực lượng cứu nạn tăng cường lên Kỳ Sơn”.

Nghĩ là làm, mặc mưa gió vẫn gào xé, mặc đất trên núi vẫn cứ sạt xuống, xe máy và nhân lực vẫn được tăng cường có mặt tại Dốc Chó.

Mọi người động viên nhau hốt dọn đất đá nhanh nhất có thể. Đến 14h chiều 2/10, một vệt xe an toàn đã được thông, kịp thời cho các đoàn cứu hộ, cứu nạn lên sớm với bà con Kỳ Sơn.

“Đường máu” được mở, một tổ xe máy được chốt lại Dốc Chó để mở rộng vệt an toàn, còn lại toàn bộ lực lượng, xe máy của Văn phòng đại diện QLĐBII.2, Công ty 495 được điều động lên tăng cường cho Kỳ Sơn. Những “chiến sỹ” ngành GTVT một lần nữa đội mưa lên đường, xông vào vùng nguy hiểm.

Bất chấp hiểm nguy

img

Ngành GTVT trắng đêm thông đường QL7A tại vị trí bị lũ quét

Trời vùng biên về đêm càng cô quạnh, lạnh lẽo, tại tâm lũ quét khung cảnh tan hoang đến kinh hãi. Hàng triệu m3 bùn đất, đá cuốn theo cơ man là bàn ghế, giường tủ, xe cộ, cây cối… đổ xuống khu dân cư bản Hoà Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ và khu vực khối 1 thị trấn Mường Xén.

Tại bản Cầu 8, xã Tà Cạ, một nửa quả đồi đổ ụp xuống khu dân cư làm tắc thêm đoạn đường hơn 300m. Đặc biệt nguy hiểm hơn là nước từ trong các khe suối vẫn chảy về ầm ầm như thác đổ, trời mưa càng nặng hạt.

img

img

Hàng triệu m3 bùn đất, đá cuốn theo cơ man là bàn ghế, giường tủ, xe cộ, cây cối… đổ xuống khu dân cư bản Hoà Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ...

Mọi người sống ở đây đã hơn nửa thế kỷ, họ hiểu rõ nơi đây đến từng hốc nước, hòn đá cũng đã vội vã đi tìm nơi tránh trú. Ấy nhưng, trên QL7A, các kỹ sư công nhân Công ty 495 và cán bộ Khu QLĐB II vẫn miệt mài hót dọn đất đá, lầm lũi thông đường giữa trời tối đen như mực.

Trực tiếp chỉ đạo tại công trường, ông Ngô Viết Hưng, Phó văn phòng QLĐB II.2 không ngần ngại lội ra giữa dòng nước chảy xiết, thậm chí đứng ngay chân điểm sạt vừa chỉ huy thi công, vừa để động viên, tiếp thêm dũng khí cho công nhân làm việc.

Cứ thế, từng xe bùn đất được máy xúc lên xe đưa đi đổ… Con “đường máu” vào với bà con vùng lũ nhờ đó lại dài thêm một đoạn.

Lái máy xúc Nguyễn Trọng Cường (61 tuổi, có gần 40 năm làm nghề chia sẻ: “Sau khi nhận tin, tôi lên máy xúc làm việc từ 8h - 22h đêm thì nhường máy cho người khác.

Khó nhằn nhất phải kể đến đoạn sạt bản Cầu 8 (xã Tà Cạ). Khối lượng đất, đá bùn, đổ xuống nhiều quá mà công địa quá chật hẹp, một bên là núi, bên còn lại là nhà dân, không san gạt sang 2 bên được”.

Công ty đã huy động hơn 6 máy xúc, máy múc loại lớn, hơn 10 xe ô tô tải vận chuyển nhưng đến rồi lại không vào được.

Chỉ đủ 1 máy múc, 1 xe xúc lật và 2 ô tô vận chuyển đất nên mọi người lại phải xoay vòng để làm việc. Rồi chưa kể, bùn đất nhão nhoét, trộn với cành cây, rác thải nên rất dính, việc hót dọn và đổ đi cũng tốn rất nhiều thời gian…

Qua trò chuyện nhanh với những lái máy, chúng tôi cảm nhận, không phải ai cũng dũng cảm như họ. Không ít người trước đây khi đến hiện trường thấy sạt lở, vực sâu quá đã bỏ về, bỏ nghề luôn.

Động lực để các kỹ sư, công nhân ngành GTVT vượt qua sợ hãi, quyết tâm mở thông đường cứu nạn nhanh nhất đó chính là hàng trăm, hàng nghìn người dân phía sau.

Họ đang từng giờ, từng phút dõi ánh mắt theo. Phía sâu trong bùn đất đằng xa kia là nhà cửa, vườn tược, là tài sản cả đời của họ. Khi lũ quét sạt lở xảy ra, họ chỉ kịp hô hoán chạy thoát thân…

Trận lũ quét kinh hoàng nhất trong lịch sử

Rạng sáng 2/10, trên địa bàn các xã Tây Sơn, Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An xảy ra một trận lũ quét kinh hoàng. Nước lũ từ trên núi theo khe Huồi Giảng ào ào đổ xuống như thác. Nước lũ tràn vào nhà, kéo theo mọi đồ đạc, xe cộ… của người dân nơi đây.

Anh La Khăm Ỏn (42 tuổi, ở khối 1, thị trấn Mường Xén) thất thần kể lại, từ khi lớn lên cho đến nay, chưa thấy một trận lũ nào kinh hoàng như vậy. Nước đổ về theo từng đợt, lúc đêm và rạng sáng vẫn bình thường. Đến khoảng hơn 7h sáng nước lũ kéo theo đất đá ầm ầm đổ dồn về.

Trận lũ quét sáng 2/10 không chỉ cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản của người dân mà còn gây sạt lở đất ở bản Cầu 8, xã Tà Cạ. Cả một nửa quả đồi đã sạt lở xuống gây ách tắc cho hơn 300m chiều dài tuyến QL7A; hàng chục ngôi nhà bị đất đá vùi lấp.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, mưa lũ quét đã khiến 1 cháu bé 4 tháng tuổi ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) bị nước cuốn trôi; 14 nhà bị trôi hoàn toàn, 100 nhà bị ngập nặng, 19 nhà sạt lở; 2 xe ô tô bị trôi, 10 ô tô bị ngập trong bùn đất; hàng nghìn tài sản giá trị khác bị cuốn mất, hư hỏng…

Ngay trong và sau khi lũ quét, huyện Kỳ Sơn đã huy động toàn bộ lực lượng tiến hành sơ tán người, di chuyển đồ đạc và giúp dân dân khắc phục hậu quả.

Trong sáng 3/10, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên… từ dưới xuôi lên tăng viện, giúp dân dọn dẹp nhà cửa. Nhiều đoàn thiện nguyện trong và ngoài tỉnh Nghệ An đã có mặt rất sớm để cùng với Mặt trận Tổ quốc huyện Kỳ Sơn tiếp tế nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu cho người dân chịu thiệt hại của mưa lũ…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.