Thi viết về GTVT

Mở đường phá thế độc đạo, đánh thức Tây Nam Bộ

19/10/2022, 06:11

Tuyến đường Nam sông Hậu sau khi đi vào khai thác đã giảm bớt áp lực cho QL1 vốn được xem là con đường độc đạo từ Cần Thơ đi Bạc Liêu.

Phá thế độc đạo tuyến QL1

Tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu khởi công vào tháng 5/2005, thông xe toàn tuyến 9/3/2011, với số vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.

Đây là một trong những tuyến đường giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của khu vực Tây Nam Bộ.

img

Tuyến đường Nam Sông Hậu đoạn qua địa phận phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu được mở rộng thành 4 làn xe, giao thông thông thoáng

Tuyến đường được đầu tư đã đánh thức, khơi dậy tiềm năng trù phú của những vùng đất đang bị “ngủ quên” nơi đây.

Tuyến Nam sông Hậu có chiều dài toàn tuyến trên 147km, vận tốc thiết kế 80km/h. Tuyến có 39 cầu vượt sông (trong đó, có 6 cầu nhịp lớn, 10 cầu lớn, 23 cầu trung và nhỏ), bắt đầu từ giao lộ với QL91B tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, điểm cuối giao với QL1 tại TP Bạc Liêu.
Tuyến đường đi qua quận Cái Răng, Ninh Kiều (TP Cần Thơ); huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang); huyện Kế Sách, huyện Long Phú, huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) và TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Trong đó, đoạn đường qua địa phận tỉnh Bạc Liêu có chiều dài 12,8km đi qua xã Vĩnh Trạch và các phường 1, 5, 7 của TP Bạc Liêu.


Nhớ lại khoảng thời gian hơn chục năm về trước, khi tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu hiện nay, mới chỉ là tuyến đường tỉnh lộ 38 chạy dài lên đến giáp ranh với thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), ông Ngô Hữu Dũng, nguyên Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Con đường lúc đó nhỏ hẹp, bà con đi lại khó khăn. Việc giao thương cũng vì thế mà không thuận tiện, hàng hóa mất dần sức cạnh tranh”.

Khi có chủ trương nâng cấp mở rộng thành đường Nam Sông Hậu hiện hữu, bà con rất phấn khởi, ủng hộ nhiệt tình chủ trương làm đường.

Cũng vì thế mà việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng rất thuận lợi.

“Là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận khảo sát lập hồ sơ thiết kế quy hoạch hướng tuyến, vị trí đấu nối… làm sao để đẩy nhanh tiến độ dự án, mong muốn tuyến đường sớm hoàn thành đáp ứng mong mỏi của người dân”, ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo ông Dũng, trước đây, đi bằng đường bộ từ TP Cần Thơ đến Bạc Liêu duy nhất chỉ có QL1, còn đường thủy thì đi theo sông Hậu.

Hiện tại, đường Nam Sông Hậu hoàn thành và đưa vào khai thác giúp giảm áp lực vận tải cho tuyến QL1 - được xem là tuyến đường huyết mạch của ĐBSCL lúc bấy giờ.

Ngước nhìn về phía trước cổng nhà thấy nhiều xe máy, xe ô tô lưu thông qua lại liên tục trên đường Nam Sông Hậu, ông Sáu Thanh (Nguyễn Văn Thanh), lão nông ở xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu) nói: “Tuyến đường kể từ khi được nâng cấp, mở rộng rất khang trang, người dân đi lại rất thuận tiện, hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng. Con đường như mở ra hướng phát triển mới cho người dân nơi đây, vùng đất dọc theo tuyến đường này cũng đã “thay da đổi thịt” đến không ngờ”.

Động lực phát triển kinh tế

img

Đường Nam Sông Hậu hình hành đã phá thế độc đạo và giúp giảm áp lực vận tải cho tuyến QL1

Với Sóc Trăng, tuyến đường Nam Sông Hậu thành hình tạo ra nhiều thuận lợi đối với nông dân các huyện Kế Sách, Long Phú và các địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn.

Nhìn con đường mới phẳng phiu chạy dọc ven biển, anh Danh Văn Trọng (ngụ huyện Long Phú) phấn khởi chia sẻ: “Xe chạy bon bon. Hàng hóa vận chuyển từ Sóc Trăng đi Cần Thơ nhanh chóng bằng ô tô, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Nông dân chúng tôi không còn phải chịu cảnh ngồi chờ thuê đò, vừa mất thời gian, chi phí vận chuyển lại cao. Trong khi trái cây, nông sản làm ra nông dân cũng không có lời được bao nhiêu mà còn bị thương lái ép giá”.

Tuyến đường Nam Sông Hậu nối liền với QL60 qua phà Đại Ngãi tạo ra một mạng lưới giao thông liên vùng từ Bạc Liêu lên Sóc Trăng qua Trà Vinh rồi đến Bến Tre chạy sang Tiền Giang.

Những chiếc cầu bê tông cốt thép chắc chắn nằm dọc theo quốc lộ nối liền các kênh, rạch đưa các xóm, ấp đến gần với nhau.

Dọc theo trục đường Nam Sông Hậu, hàng loạt dự án công nghiệp như: Đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu (286ha), KCN Đại Ngãi (200ha), KCN Mỹ Thanh (217ha), Dự án Điện gió ngoài khơi Vĩnh Châu 1 (2.600MW)… đã và đang hình thành, mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất này

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng hồi tháng 4/2022, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, tỉnh đặc biệt quan tâm kêu gọi đầu tư Dự án Cảng biển Sóc Trăng (Khu bến Trần Đề).

Dự án có quy mô diện tích 4.550ha (hiện trạng là đất bãi bồi, đất rừng phòng hộ), địa điểm thực hiện dự án thuộc huyện Trần Đề - thị xã Vĩnh Châu.

Trong mối liên hệ vùng, vị trí Dự án Cảng biển Sóc Trăng (Khu bến Trần Đề) có thể kết nối nhanh chóng tới các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh qua tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường lộ ven biển, tuyến đường Bắc - Nam. Chắc chắn thời gian không xa ĐBSCL sẽ vực dậy mạnh mẽ.

Tuyến đường Nam Sông Hậu hình thành đã và đang mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho người dân ở những địa phương dọc theo tuyến. T

ừ đó, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ - công nghiệp - đô thị hóa nhanh hơn cho vùng ĐBSCL.

Cần hơn 1.500 tỷ đồng để nâng cấp

Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến đường quốc lộ, trong đó có tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu với kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo cơ quan này, việc đầu tư thảm bê tông nhựa tăng cường mặt đường tuyến Nam Sông Hậu nhằm khắc phục tình trạng hư hỏng mặt đường, tình trạng ngập nước. Đồng thời, kết nối với hệ thống giao thông TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đảm bảo tính đồng bộ cho cả đoạn tuyến, phát huy hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư, tăng cường đảm bảo ATGT.

Tuyến đường cũng giúp nâng cao năng lực thông hành và nhu cầu vận tải của khu vực, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách; góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tạo điều kiện phát triển các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, an ninh - quốc phòng cho các địa phương mà tuyến đường đi qua và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.