Thời sự

Mở đường xây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

23/10/2014, 13:04

Giữa cồn cát trắng và gió biển mặn mòi của biển Hải An và đảo Cát Hải những ngày tháng mười, đội ngũ kỹ sư, công nhân của các nhà thầu Nhật Bản và Việt Nam đang miệt mài lắp...

Tuyến đường công vụ đang được gấp rút thi công vươn ra biển để phục vụ xây dựng các trụ của cây cầu vượt biển nối đất liền với đảo
Tuyến đường công vụ đang được gấp rút thi công vươn ra biển để phục vụ xây dựng các trụ của cây cầu vượt biển nối đất liền với đảo

Những “con lươn” khổng lồ vươn mình ra đại dương

Chúng tôi có mặt tại công trường xây dựng đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện, mà tâm điểm là cây cầu vượt biển nối quận Hải An với đảo Cát Hải dài nhất Việt Nam vào những ngày trung tuần tháng 10/2014, khi cơn bão số 3 vừa quét qua khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh ít lâu.

Trận bão đã để lại hậu quả khôn lường, nhiều mét ống địa kỹ thuật. Đó là chưa kể đến hàng trăm tấn cát được bơm vào trong lòng ống và nhiều đoạn đường bị sụt lún chìm sâu dưới biển. Để lấy lại tiến độ, toàn bộ anh em, kỹ sư công nhân của cả nhà thầu Nhật Bản và Việt Nam được huy động tối đa ra công trường, làm ba ca liên tục.

Dẫn chúng tôi ra công trường, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Phòng QLDA 3 (thuộc Ban QLDA 2 - đơn vị làm đại diện chủ đầu tư) giải thích, công nghệ ống địa kỹ thuật geo - tube nhập từ Nhật Bản và có độ khó rất cao. Chu vi ống từ 4 - 7,5 m, mỗi đốt dài 50 m được nối với nhau có tác dụng như những con đê ngăn nước mặn.

Nhìn từ xa, ống địa kỹ thuật như những con lươn khổng lồ đang cuộn mình vươn ra đại dương bao la. Ban đầu, ống hoàn toàn rỗng, sau khi thả xuống biển sẽ được bơm đầy cát và chìm xuống biển. “Ống geo - tube được trải tới đâu, sau đó, nhà thầu mới bắt đầu đổ cát lấp biển để thi công đường công vụ. Với khoảng gần 3,5 km đường công vụ thế này, nhà thầu phải thi công liên tục trong khoảng 8 tháng mới xong”, anh Hùng cho biết.

Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện bao gồm xây dựng đoạn tuyến dài 15,63 km, với kết cấu được chia thành ba đoạn chính là đường dẫn phía quận Hải An có chiều dài 4,5 km, rộng 29,5m và đường dẫn phía đảo Cát Hải dài 5,69 km.

Tâm điểm là cầu vượt biển dài hơn 5,4 km, mặt cắt rộng 16 m. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 11.849 tỷ đồng, từ nguồn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thi công là 3 năm (2014 - 2017).

Dáng người mảnh khảnh, vẻ mặt cương nghị, kỹ sư Nguyễn Anh Chi - Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Sumitomo chia sẻ, vì là công trình có độ khó cao, phức tạp nên nhà thầu phải chọn lựa người rất kỹ.

Tất cả cán bộ, công nhân đều có tay nghề cao, được đào tạo bài bản. Bản thân anh từng học tập và kinh qua nhiều công trình lớn tại Nhật Bản và Việt Nam.

Vì đây là công trình vượt biển dài nhất Việt Nam, có khi là cả Đông Nam Á, hơn nữa phải thi công chủ yếu dưới biển nên rất khó khăn. Trong đó, đường công vụ mà chúng tôi đang làm được coi là công đoạn rất khó, là đường găng quyết định tiến độ của cả dự án.

Hai kỹ sư trẻ làm nhiệm vụ giám sát thi công là Nguyễn Văn Ninh và Lê Đại Dương của đơn vị thi công Công ty CP xây dựng 556 cũng chia sẻ, công nghệ thi công “con đê” bằng ống vải địa kỹ thuật phải có máy xúc lội nước mới làm được. Độ khó sẽ tăng dần theo mực nước sâu. Mỗi đội thi công đều có chuyên gia Nhật  Bản hướng dẫn và các kỹ sư phải nắm bắt được công nghệ để bảo đảm yêu cầu thi công, giám sát.

Với mức độ công phu và chắc chắn của  đoạn đường công vụ này, sau khi dự án hoàn thành, nó sẽ không bị phá dỡ như những tuyến đường công vụ thường thấy mà sẽ được để lại cho thành phố Hải Phòng sử dụng.

img

Cát Hải sẽ không còn cách trở

Trong làn bụi mịt mùng của cát và gió biển trên công trường, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng bảo, Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện kết nối các khu vực đang phát triển tại phía Đông TP Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ cũng như kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng.

Dự án cũng nằm trong chương trình phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải nên được triển khai đồng thời với dự án xây dựng tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng và tiến độ triển khai cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Theo anh Hùng, đáng nói hơn là sau khi công trình hoàn thành, đảo Cát Hải vốn biệt lập với đất liền sẽ trở nên gần hơn bao giờ hết. Hiện nay, muốn sang công trường bên kia bờ Cát Hải, dù chỉ vài cây số nhưng phải di chuyển bằng phà có khi mất nhiều tiếng đồng hồ. Điều này làm hạn chế sự giao thương đi lại của người dân và phát triển du lịch của huyện đảo Cát Hải.

Theo kế hoạch, 7 tháng nữa tuyến đường công vụ mới được làm xong để bắt tay thi công các hạng mục chính là cầu và đường dẫn của dự án. Nhìn trên bình đồ và theo hướng chỉ tay của những kỹ sư tại công trường, chúng tôi phần nào mường tượng được nơi xa hút tầm mắt đang uốn lượn những làn sóng xanh biêng biếc, từ đáy biển sẽ mọc lên những trụ cầu cao vút, nối đất liền với đảo Cát Hải.

Kỹ sư Nguyễn Anh Chi giải thích cặn kẽ cho chúng tôi, các cọc trụ ngoài khơi sẽ được thi công trực tiếp bằng phương pháp vòng vây cọc ván thép. Vòng vây thép rộng vài trăm mét, chôn dần xuống đáy biển để tạo mặt bằng thi công, đưa đất đá lên. Máy móc, kỹ sư, công nhân sẽ chui vào những ống thép nằm sâu đáy biển này để thi công, giám sát.

Trong điều kiện sóng gió, khí hậu biển, tất cả các tính toán đều phải chính xác tuyệt đối để bảo đảm chất lượng và an toàn trong suốt quá trình thi công.

Trước lúc rời công trường, ngoái đầu ra hướng biển, chúng tôi thấy một con đường rộng  hơn chục mét, dài gần nửa cây số, lọt thỏm giữa mênh mông trời nước đang dần hiện hình. Lẫn trong âm thanh ràn rạt của sóng biển là tiếng các loại máy thi công, tiếng máy bơm cát, máy hút nước đều đều giòn giã, thi thoảng là những tiếng gầm gào tăng lực của những chiếc máy xúc, máy lu lèn, càng khiến chúng tôi thấu hiểu thêm nỗi vất vả, cực nhọc của những người thợ cầu, thợ đường ngành GTVT, nhất là phải thi công trong điều kiện hết sức khó khăn trên biển.

Hà Thanh - Huy Lộc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.