Chuyện dọc đường

Mộ giả “chôn” trách nhiệm công dân

13/03/2019, 07:14

Tình trạng lợi dụng chuyện tâm linh, an nghỉ của người chết cho những động cơ lấy tiền GPMB đang diễn ra nhức nhối ở nhiều địa phương.

img
Hiện tượng người dân tự xây mộ giả để nhận tiền đền bù xuất hiện tại nhiều dự án (Ảnh minh họa)

Trung tuần tháng 12/2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kiểm tra, phát hiện hàng loạt trường hợp xây mộ giả đòi đền bù, GPMB các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan, nhà ga đường sắt mới của Đà Nẵng…

Thực tế, tình trạng lợi dụng chuyện tâm linh, an nghỉ của người chết cho những động cơ lấy tiền GPMB đang diễn ra nhức nhối ở nhiều dự án, nhiều địa phương. Thống kê tại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan có hơn 2.600 mộ di dời, giải tỏa, trong đó 1.800 mộ xây, hơn 800 mộ đất. Tuy nhiên, khi triển khai, cơ quan chức năng nghi ngờ gần 550 ngôi mộ giả. Gọi là mộ nhưng chỉ được đắp đất sơ sài, không tên tuổi nhưng dấu vết xây dựng lại rất mới. Số mộ giả tập trung chủ yếu tại khu vực nút giao Hòa Liên (Km 62-Km 64).

Sự việc mộ giả phát hiện từ đầu năm 2017, tuy nhiên phải đến hết năm đó Đà Nẵng mới cơ bản xử lý triệt để sau những chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng điều tra, kỷ luật, thậm chí khởi tố một số “quan xã”, ban nghĩa trang… vi phạm. Rõ ràng, ngoài sự hám tiền của một số người dân vùng dự án, phải kể đến sự tiếp tay của địa phương, cán bộ quy hoạch, quy tắc đô thị… Nhìn ngôi mộ trái phép, chạy dài ngay vệt trồng hoa khu nghĩa trang lớn nhất Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ khi đó đã truy vấn: “Từng người ra vào, các ông (ban nghĩa trang) đều biết hết, vậy mà người ta đưa máy móc vào san ủi, xây dựng các ông lại không biết?”.

Từ ví dụ tại Đà Nẵng cho thấy, nếu sát sao quản lý, nếu triển khai nghiêm, chắc chắn không có chỗ cho nạn mộ giả, mộ trái phép tồn tại.

Theo cán bộ chuyên trách GPMB dự án La Sơn - Túy Loan, so với các hành vi xây nhà trái phép, cản trở thi công, việc xây mộ giả đụng đến vấn đề tâm linh nên rất phức tạp và mất thời gian giải quyết, kéo theo nhiều hệ lụy: Tăng thời gian, kinh phí GPMB (Nhà nước hỗ trợ thêm, chi phí hoạt động của hội đồng giám sát, công an…). Tại “điểm nóng” mộ giả nút giao Hòa Liên, vướng mắc, chậm trễ công tác xác định nguồn gốc, di dời mộ, xử lý mộ giả khiến việc thi công tuyến chính bị ngưng trệ, chậm tiến độ. Xây “mộ giả” nhưng người dân vô tình “chôn vùi” luôn ý thức trách nhiệm của công dân trong việc chung tay, phối hợp Nhà nước triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm, trong khi họ là những người đầu tiên hưởng lợi từ dự án.

Bộ GTVT, các địa phương, chủ đầu tư… đang rốt ráo triển khai dự án đường cao tốc Bắc-Nam, đẩy nhanh tiến độ cắm mốc GPMB trong tháng 4/2019. Kinh nghiệm cho thấy, để giải quyết vấn đề công trình trái phép chờ GPMB, chính quyền địa phương cần công khai, minh bạch các phương án di dời, cơ chế chính sách hỗ trợ người dân; đồng thời kiểm tra, xác minh, đối chiếu và kiên quyết xử lý cưỡng chế đối với những công trình kê khai không trung thực để hưởng đền bù. Những hành vi trục lợi, kể cả có dấu hiệu tiếp tay của cán bộ địa phương hoặc thành viên hội đồng GPMB cũng phải xử lý nghiêm để răn đe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.