TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT chọn triển khai thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới”.
Sau 5 năm triển khai, mô hình này đã không ngừng phát huy hiệu quả. Ở đó, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong phương pháp dạy và học.
Các em học sinh hăng say "làm nông".
Đây là hình ảnh nhộn nhịp tại các vườn rau của Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ. Mô hình này được nhà trường triển khai để rèn các kỹ năng sống cho học sinh. Ở đó, các em được trồng, chăm sóc và thu hoạch rau, nhằm tạo ra môi trường học tập thân thiện, giúp các em biết yêu lao động và quý trọng sản phẩm của mình làm ra.
Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Rau tới kỳ thu hoạch, các em sẽ tự hái rồi tự tay chế biến thành những bữa ăn. Qua đó giúp các trao dồi thêm những kỹ năng lao động, tự làm ra sản phẩm bằng chính công sức của mình".
Bữa ăn tại trường.
Rau mà các em trồng được đưa vào bữa ăn.
Các em học sinh Trường THPT Trung An dùng bữa với các món rau do chính mình trồng và chế biến.
Với mục tiêu lấy mô hình trường điển hình đổi mới làm nền tảng cho chương trình giáo dục mới, các trường học ở Cần Thơ đã hăng hái mở ra nhiều khóa học trải nghiệm thực tế, giúp học sinh phát triển toàn diện, phát huy tối đa khả năng sáng tạo.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền cho biết: "Từ năm 2018, trường đã lên kế hoạch giáo dục, hướng về trải nghiệm thông qua các mô hình trồng rau, cải. Hằng ngày các em luân phiên nhau chăm sóc các vườn rau, các em tự thu hoạch, rồi tự nấu ăn chế biến".
Em Lê Kim Tuyền, lớp 5A2, Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, cho biết: “Mỗi ngày, công việc của tụi con là ra vườn bắt sâu. Con rất vui vì được cùng các bạn lao động, về nhà con có thể giúp đỡ cha mẹ những việc ruộng vườn hay đồng áng”.
Đến nay đã có 374 trường học các cấp ở Cần Thơ thực hiện các mô hình trải nghiệm. Đặc biệt, như Trường THCS An Khánh, quận Ninh Kiều, đã lần đầu tiên đưa mô hình trồng lúa nước vào trồng trường học.
Em Trần Ngọc Nhi, học sinh lớp 9A7, Trường THCS An Khánh, chia sẻ: “Lâu nay tụi em ăn gạo, và chỉ biết về cây lúa qua sách vở hoặc những phương tiện truyền thông khác. Bây giờ tụi em có thể tận mắt nhìn thấy, và chạm vào cây lúa bằng cách vun trồng, rất thú vị”.
Các em say mê với công việc.
Đến nay, tại Cần Thơ, thông qua mô hình trường điển hình đổi mới, từ cách giảng dạy truyền thống, giáo viên đã đổi mới, dạy học theo cách gợi mở, kích thích kỹ năng, giúp học sinh tự tìm tòi, suy nghĩ và chủ động nắm bắt kiến thức mới thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm thực tiễn.
Đặc biệt, giáo viên luôn theo dõi, giám sát, đánh giá, hỗ trợ đến từng học sinh. Còn đối với học sinh, các em đã biết tự học cá nhân, làm việc trong nhóm, đặc biệt là chủ động trong các hoạt động học, có nhiều ý kiến đề xuất với thầy cô giáo trong việc tìm tòi, lĩnh hội kiến thức, thay vì bị động như hình thức cũ…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận