Quản lý

Mô hình “chính quyền cảng” ở Lạch Huyện có gì đặc biệt?

27/11/2015, 11:24

Tới đây Bộ GTVT sẽ xây dựng và trình Chính phủ cho áp dụng mô hình quản lý mới này tại cảng Lạch Huyện.

Ban quản lý cảng được thành lập sẽ giảm bớt các th
Ban quản lý cảng được thành lập sẽ giảm bớt các thủ tục rườm rà liên quan đến các bộ ngành, địa phương như hiện nay. Ảnh: Mạnh Thắng

Ngày 25/11, Quốc hội thông qua Bộ luật Hàng hải (sửa đổi), trong đó có điểm mới quy định về Ban quản lý khai thác cảng biển, tương tự như mô hình “chính quyền cảng” đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, tới đây Bộ GTVT sẽ xây dựng và trình Chính phủ cho áp dụng mô hình quản lý mới này tại cảng Lạch Huyện.

Mô hình quản lý mới cho cảng biển

Theo kế hoạch, sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Bộ GTVT sẽ đề xuất áp dụng mô hình Ban quản lý khai thác cảng biển cho khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về mô hình này?

Qua nghiên cứu, khảo sát trực tiếp mô hình quản lý khai thác cảng biển của một số nước (châu Á, châu Âu, Mỹ), năm 2014, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội về mô hình Ban quản lý khai thác cảng biển. Mô hình này ở các nước thường được gọi là Chính quyền cảng (Port Authority) hoặc cơ quan quản lý cảng (Port management/Port administration). Tôi muốn nhấn mạnh, mô hình Ban quản lý khai thác cảng biển cũng đã được quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Mô hình này phù hợp với khu vực cảng lớn, có vai trò quan trọng đối với phát triển KT - XH cả nước hoặc tiểu vùng. Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ cho áp dụng mô hình Ban quản lý khai thác cảng biển tại khu vực Lạch Huyện.

Mô hình Ban quản lý khai thác cảng đề xuất cho Lạch Huyện dự kiến sẽ hoạt động thế nào? Có gì tương đồng với các chính quyền cảng trên thế giới hiện nay, thưa Thứ trưởng?

Về mặt pháp lý, Ban quản lý khai thác cảng biển ở quốc gia nào thì được điều chỉnh và quy định trong luật của quốc gia đó, vì thế mà cơ cấu, tổ chức, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan này cũng khác nhau theo từng quốc gia.

Song Ban quản lý khai thác cảng biển mang những đặc trưng lớn như: Là tổ chức do Nhà nước thành lập, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức được xác lập bởi luật hoặc nghị định, được giao một vùng đất, vùng nước cảng biển để xây dựng quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, cho thuê kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần và khu công nghiệp phụ trợ sau cảng theo quy hoạch được duyệt.

thu truong cong_1
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công.

Tại khu vực được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải dùng chung này (bao gồm luồng hàng hải, hệ thống báo hiệu hàng hải, giao thông kết nối liên cảng), Ban quản lý khai thác cảng biển được chủ động đầu tư xây dựng cầu, bến cảng quy mô phù hợp căn cứ vào chủng loại tàu tiếp nhận, loại hàng hóa xếp dỡ và theo kế hoạch đảm bảo sự cân đối giữa cung và cầu; Tổ chức đấu thầu rộng rãi cho tư nhân (trong và ngoài nước) thuê khai thác các cầu, bến cảng trong một khoảng thời gian nhất định, thường từ 20 - 30 năm; Giao đất cho nhà đầu tư xây dựng cầu, bến cảng và kinh doanh khai thác cảng biển trong một số năm nhất định và có chia sẻ lợi nhuận cho Ban quản lý khai thác cảng; Đầu tư khu hậu cần cảng cho tư nhân thuê với phương thức như đối với cầu, bến cảng hoặc cấp phép cho tư nhân thuê đất để tự đầu tư xây dựng và khai thác; Cấp phép đầu tư cho tư nhân thuê đất xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp sản xuất, chế biến... Tối ưu hóa thuận lợi do kết nối với cảng biển đem lại để giảm chi phí vận tải; Ban hành và thu các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ trong phạm vi khung phí, lệ phí, giá dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Cung cấp dịch vụ khác cho các nhà đầu tư...

Tăng sự chủ động trong quản lý, đầu tư cảng biển

Vậy Ban quản lý khai thác cảng biển có quan hệ như thế nào với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay tại cảng biển?

Trong thành phần Hội đồng quản trị Ban quản lý khai thác cảng biển có sự tham gia chính thức của chính quyền địa phương, một số Bộ, ngành liên quan được giao một số chức năng mà hiện nay các cơ quan quản lý Nhà nước đang thực hiện.

Ban quản lý khai thác cảng biển được chủ động quyết định đầu tư các cầu, bến cảng theo quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Bộ GTVT) không phải xin phép UBND tỉnh, thành phố và các bộ, ngành như các doanh nghiệp cảng trước đây; Được cấp phép đầu tư cho tư nhân thuê đất để xây dựng khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp theo quy hoạch đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh, thành phố phê duyệt; Được công bố và thu các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ trong khung phí, lệ phí, giá dịch vụ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc “giao quyền” như vậy thực chất là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho Ban quản lý khai thác cảng được chủ động trong hoạt động của mình để đưa ra những quyết định kịp thời, hiệu quả.

Những lợi ích gì sẽ được đem lại khi áp dụng mô hình Ban quản lý khai thác cảng, thưa Thứ trưởng?

Khi thành lập Ban quản lý khai thác cảng, sẽ có một tổ chức chịu trách nhiệm điều phối chung về sự đồng bộ trong lập quy hoạch, triển khai quy hoạch, đầu tư chiều sâu hoặc mở rộng đầu tư, quảng bá hình ảnh, tiếp thị hoạt động.

Điều này giúp bảo đảm xây dựng và phát triển cảng và các khu đất cảng theo đúng quy hoạch, định hướng chiến lược và nhu cầu sử dụng cảng; Khắc phục tình trạng bất cập giữa cung và cầu, từ đó phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động đầu tư, khai thác cảng biển khu vực.

Điều phối chung của Ban quản lý khai thác cảng cũng giúp tối ưu hóa hiệu quả việc kết nối cảng biển với khu vực hậu cần sau cảng, khu công nghiệp phụ trợ; Thu hút các nhà đầu tư vào khu vực hậu cần sau cảng và cung cấp nguồn hàng cho cảng biển; Từng bước hình thành và phát triển được chuỗi cung ứng hàng hóa với cảng biển là hạt nhân, góp phần giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu…

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Lạch Huyện sẽ là cảng quốc tế loại A1, giữ vai trò cửa ngõ hàng hải khu vực phía Bắc đất nước.

Các khu bến thương mại cho tàu biển trọng tải lớn tại Lạch Huyện tiếp nhận chủ yếu tàu chở container loại 4.000 - 8.000 TEU, tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải tới 100.000 DWT. Năng lực thông qua dự kiến vào năm 2017 đạt từ 12,1 - 13,8 triệu tấn/năm và đạt từ 28,2 - 34,8 triệu tấn/năm ở giai đoạn sau năm 2020.

Cảm ơn Thứ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.